Cậu bé hơn 10 năm sống trong cũi

Đau đớn nhốt con vào cũi
Cậu bé hơn 10 năm sống trong cũi

“Cứ mỗi lần kéo cánh cửa cũi để nhốt con lại là ruột gan cả gia đình tui như bị xát muối nhưng chẳng còn cách nào khác chú ạ”. Đó là câu nói đau đớn đến tột cùng của chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ cháu Nguyễn Đức Tĩnh. Hơn 10 năm qua cháu Tĩnh phải sống trong song cũi vì căn bệnh bại não và gào thét suốt ngày đêm trong sự tuyệt vọng.

Đau đớn nhốt con vào cũi

Cậu bé hơn 10 năm sống trong cũi ảnh 1
Cháu Tĩnh với thân hình dị dạng sống trong cũi hơn 10 năm qua

Chiều ngày 21-4, chúng tôi tìm về thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh (Hải Lăng, Quảng Trị) nơi có cháu Nguyễn Đức Tĩnh khi mới sinh ra đã bị một căn bệnh quái ác.

Trước thềm nhà, chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ cháu Tĩnh đang ngồi vét những hạt thóc cuối cùng cho vào bao để đem đi xay lấy gạo về nấu cháo. Lâu lâu chị lại đứng phắt dậy, chồm người lên, nhìn về phía góc nhà bếp để trông đứa con mình đang vật vã trong chiếc cũi gỗ.

Từ trong chiếc cũi, bé Tĩnh đang la hét như muốn xin hãy cho cháu ra khỏi chiếc cũi ấy. “Hơn 10 năm rồi chú ạ, hễ có người lạ tới nhà chơi là nó cứ gào, hét lên và mỗi lần như thế ruột gan tui như bị dao cắt ra từng mảnh”, chị Hồng ngậm ngùi nói.

Anh Nguyễn Văn Lượng và chị Nguyễn Thị Hồng lập gia đình năm 1983, sinh được 5 đứa con nhưng thật không may khi sinh đứa cuối cùng là Tĩnh (năm 1995) thì cháu bị căn bệnh quái ác, thân hình như một “con khỉ” chỉ có thể bò đôi ba bước rồi khuỵu xuống vì người mềm nhũn.

Chị Hồng vừa mở cũi, cháu Tĩnh bám vào thành cũi lao ra và nằm vật trên nền nhà, mắt trợn ngược rồi gào lên một tiếng. Chị Hồng lấy nước cho Tĩnh uống, Tĩnh nằm yên, miệng rên rỉ đến xé lòng.

Năm nay Tĩnh 14 tuổi nhưng chiều cao như đứa trẻ lên 3, cân nặng vỏn vẹn chỉ 13kg. “Cứ trời nắng là cháu lên cơn, nằm vật ra, cấu xé mọi thứ và điều đặc biệt là 10 năm nay hầu như cháu không chợp mắt”, chị Hồng cho biết. Hỏi sao không đưa cháu đi chữa bệnh, “chú ơi, gia đình tui đã làm hết cách rồi, những gì đáng giá trong nhà đành phải bán hết để lấy tiền chữa bệnh cho cháu nhưng tất cả các nơi đều lắc đầu... Chừ làm răng được chú?!”, chị Hồng gạt nước mắt nói.

“Nhiều đêm thấy cháu một mình trong cũi, hai vợ chồng thương quá, bế lên, ôm ấp, vỗ về cho cháu ngủ, ai ngờ sáng dậy không thấy cháu đâu. Đổ xô đi tìm, hóa ra tối qua cháu đã vượt cửa sổ, bò ra tận mép thành giếng ngoài vườn, kiệt sức nằm vắt vẻo ở đó”. Sau những lần hú hồn ấy, gia đình chị phải nhốt cháu vào cũi và đi kiếm cái ăn cho nó, cho gia đình...

“Năm 1979, anh Lượng lên đường đi bộ đội, được điều chuyển vào Thừa Thiên-Huế. Tại đây, có thời gian anh làm nhiệm vụ trông coi kho vũ khí và bảo vệ rừng tại các huyện Nam Đông, A Lưới. Nghe đâu vùng này trong chiến tranh, Mỹ rải chất độc hóa học nhiều lắm”, chị Hồng cho biết.

Cách đây 3 năm, khi có đoàn khảo sát chất độc da cam về huyện Hải Lăng, vợ chồng anh Lượng có đưa con đi xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ cho biết là cháu bị bệnh bại não, thiểu trí tuệ - một triệu chứng phổ biến của di chứng chất độc diôxin trong chiến tranh.

Chính quyền thiếu trách nhiệm?

Cậu bé hơn 10 năm sống trong cũi ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Bình (bìa phải) tới nhà cháu Tĩnh thăm, tặng quà năm 2003

Theo chị Hồng, hơn 10 năm qua gia đình chị đã có nhiều đơn đề nghị các cấp chính quyền xã, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), xem xét, giúp đỡ làm chế độ trợ cấp người tàn tật chứ chưa nói đến làm chế độ trẻ bị di chứng chất độc diôxin nhưng tất cả chỉ nhận được câu trả lời “chưa có chỉ thị”. Nói đến đây chị Hồng òa khóc. “Tủi thân lắm chú ạ, cả xã này có gần 15 đứa trẻ có hoàn cảnh như con tui nhưng thằng Tĩnh là nặng nhất, vậy mà đến ngày lễ, tết thiếu nhi hàng năm mọi đứa trẻ như nó thì có gói bánh, rồi đôi ba chục ngàn... của xã cho, còn nó thì chẳng bao giờ được hỏi thăm, huống chi là quà”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Năm 2003, nguyên Phó Chủ tịch nước khi đó là bà Nguyễn Thị Bình có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị, nghe tin về trường hợp của cháu Tĩnh nên đã ghé thăm, tặng một phần quà động viên gia đình, đồng thời chỉ đạo các ban ngành chức năng nên có biện pháp giúp đỡ điều trị, phục hồi chức năng cho cháu nhưng từ đó cho đến nay cháu Tĩnh chưa nhận được sự quan tâm nào từ phía các cấp chính quyền địa phương.

Hiện gia đình của chị Hồng và anh Lượng đang trong tình cảnh khó khăn, phải nhốt con vào cũi, để đi làm kiếm tiền lo thuốc thang cho cháu Tĩnh và gắng lo cho mấy đứa con ăn học. “Mấy năm trước bố cháu Tĩnh còn khỏe thì thuê thêm ruộng của xã, HTX để làm. Năm nay, giá thuê ruộng cao quá, làm không đủ trả tiền thuê đành nghỉ ở nhà, ai kêu làm chi thì làm.

15 ngày nay, bố cháu được người làng kêu đi phụ hồ ở ngoài thị xã Đông Hà vẫn chưa về”, chị Hồng cho biết. Thấy hoàn cảnh gia đình chị túng thiếu, nhiều người làng có giúp đỡ nhưng không thường xuyên. Chia tay với chị, chúng tôi vẫn day dứt với câu hỏi tại sao chính quyền sở tại lại làm lơ trước một số phận không may như cháu Tĩnh.


VÕ LINH

Tin cùng chuyên mục