Xe điện - Nguy cơ từ “ba không”

 Hỏng là coi như vứt!
Xe điện - Nguy cơ từ “ba không”

Vừa qua, khi giá xăng tăng lên 14.500đ/lít, nhiều người đã chọn xe điện như một giải pháp để tiết kiệm, khiến mặt hàng này trở nên “sốt”. So với xe đạp điện thì xe điện có nhiều ưu thế: Đẹp, kiểu dáng sang trọng giống hệt xe tay ga. Người điều khiển có thể “khoe hàng” trên phố mà không cần đội nón bảo hiểm, không cần giấy phép lái xe! Điều gì ẩn sau những tiện lợi ấy?
 
Hỏng là coi như vứt!

Xe điện - Nguy cơ từ “ba không” ảnh 1
Giá xăng tăng - đấy nhu cầu sử dụng xe điện tăng. Ảnh: LÃ ANH

Trên các đường phố ở TPHCM như Võ Thị Sáu - quận 3, Huỳnh Tấn Phát - quận 7, Trần Hưng Đạo - quận 5, Cộng Hòa - quận Tân Bình… có rất nhiều cửa hàng bán xe điện. Khi chúng tôi vừa ghé Trung tâm xe máy Chợ Lớn (quận 5), nhân viên ở đây mời rất nhiệt tình: “Vào đây xem xe chị ơi! Xe mới về, nhiều kiểu lắm. Tha hồ chọn, bảo hành ngay, chở hàng tận nơi, khỏi nón bảo hiểm luôn…”. Khi tôi hỏi về chế độ bảo trì, sửa chữa thì người này ậm ừ không nói gì. Tôi đòi xem catalogue và đọc bản dịch hướng dẫn sử dụng thì chị ta lắc đầu nói: “Không có. Hàng mới về đã hết veo, làm gì có hướng dẫn sử dụng và catalogue”.
 
Về kiểu dáng, xe điện có đến hàng trăm mẫu, đa dạng, phong phú đến nỗi… không nhớ nổi - lời một nhân viên bán hàng. Chiếc xe VT9 tuy chạy bằng điện nhưng nhà sản xuất vẫn để một nắp bình xăng giả phía sau cho giống với xe máy chạy xăng. Chính vì vậy, cảm nhận đầu tiên về những chiếc xe này là đẹp, bắt mắt, nhiều màu sắc sặc sỡ. Một số loại xe như Emoto, Atlanta, Gmax… không khác gì các loại xe Spacy, Attila, Click… với trọng tải 170kg, trọng lượng 46kg, vận tốc tối đa 38km/g.
 
Một nhân viên kỹ thuật của cửa hàng xe máy Trường Thịnh (đường Huỳnh Tấn Phát – quận 7) cho biết: “Lâu nay, cửa hàng tôi không nhập xe điện. Về cấu tạo, xe đạp điện và xe điện đều sử dụng khung xe đạp và lắp thêm bình điện. Xe đạp, hết điện còn đạp được, chứ xe điện hết điện chỉ có dắt bộ, dáng xe lại cồng kềnh.

Tất cả các cửa hàng ở đây đều mua linh kiện về tự lắp ráp hoặc nhập hàng từ Thái Lan, Trung Quốc nên nếu xe hỏng thì chẳng có đồ mà sửa. Bình điện thì có thể thay nhưng vỏ xe, các thiết bị khác thì… chịu. Hỏng là coi như vứt. Hơn nữa, mùa mưa sắp đến, bình điện mà bị ngập nước thì chỉ có… xịt. Cho đến nay, không có nơi nào có chế độ bảo trì, sửa chữa loại xe này. Hơn nữa, nếu mất xe thì cũng khỏi… báo công an luôn, vì xe đâu có đăng ký biển số! Trong khi đó, mua một xe tốt, mất cả chục triệu đồng”.
 
Mối nguy “ba không”

Xe điện - Nguy cơ từ “ba không” ảnh 2
Chọn mua xe điện liệu có đơn giản?Ảnh: Lã Anh

Kiểu quảng cáo “3 không” (không nón bảo hiểm, không bằng lái, không ô nhiễm môi trường) của các cửa hàng xe điện khiến nhiều người phải… “ngước nhìn”. Khách hàng tìm mua xe điện đa số là học sinh, sinh viên, người già... Chưa nói đến việc xe dễ bị đứt phanh, gãy nhún, hỏng bình… thì với tốc độ xe điện và xe gắn máy tương đương nhau, liệu có an toàn cho người điều khiển? Một người ngồi trên xe gắn máy, một người ngồi trên xe điện, nếu xảy ra tai nạn, nguy cơ tử vong, chấn thương sọ não là như nhau.

Vậy, kiểu quảng cáo “không nón bảo hiểm, không bằng lái” đã thật sự công bằng với người tiêu dùng chưa? Rõ ràng các chủ kinh doanh quan tâm đến lợi nhuận hơn là lợi ích người tiêu dùng. Với một thị trường hàng hóa đa dạng như hiện nay thì quả thật đây là một kiểu quảng cáo thiếu đạo đức, đi ngược lại chủ trương của Nhà nước.


 HOÀNG HOA

Tin cùng chuyên mục