Khúc tráng ca của những dòng sông- Bài 2: Người ở lại bến đò B

Ký ức về một thời lửa đạn
Khúc tráng ca của những dòng sông- Bài 2: Người ở lại bến đò B

Chúng tôi tìm về bến đò B, phía hạ nguồn sông Bến Hải, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Tri) tìm gặp người con gái năm xưa, từng chèo đò vượt mưa bom bão đạn để đưa bộ đội qua sông tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Tiếc rằng người con gái năm xưa đã mất cách đây ba năm. Tuy vậy, chuyện về chị vẫn còn nhiều người nhắc đến như một biểu tượng của lòng tri ân...

Ký ức về một thời lửa đạn

Khúc tráng ca của những dòng sông- Bài 2: Người ở lại bến đò B ảnh 1

Người lính già Lê Quang Trung bên bến đò B lịch sử.

Câu chuyện về người con gái chèo đò đưa bộ đội vượt sông Bến Hải từ bờ Bắc qua bờ Nam năm xưa - chị Võ Thị Huệ - được chồng của bà là nhà cách mạng lão thành Lê Quang Trung kể: “Sau khi thực dân Pháp thất thủ, Mỹ và quân đội Sài Gòn đổ bộ, xâm chiếm miền Nam Việt Nam, đồng thời mở nhiều cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Lúc bấy giờ bà Huệ mới mười bảy tuổi, quê ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ra tập kết ở miền Bắc.

Tuy nhiên, lúc đặt chân đến Tùng Luật bà tình nguyện ở lại để làm giao liên, chèo đò ở bến đò B đưa bộ đội và vận chuyển vũ khí, đạn dược sang sông, phục vụ cho chiến trường miền Nam. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, bến đò A, bến đò B... đã trở thành những mục tiêu bắn phá ác liệt của kẻ thù, nhằm cắt đứt tuyến chi viện chính của ta cho miền Nam ruột thịt. Ròng rã suốt mấy mươi năm, bà Huệ cùng với những đồng đội, đồng chí của mình, ban ngày nấu cơm, vắt từng nắm gói vào lá chuối để ban đêm chèo thuyền đưa bộ đội vượt sông mang theo những nắm cơm ấy vào từng trận đánh rồi đưa thương binh ta qua sông về hậu phương để chữa trị...”.

Ông Trung bỗng ngừng kể, hướng ánh mắt qua khe ô cửa sổ nhìn ra phía tượng đài bến đò B, nằm ở mép con sông Bến Hải, chậm rãi nói: “Chiến tranh ác liệt lắm mấy chú ơi, tui nghe bà nhà kể lại, hồi nớ có nhiều tháng liền thức trắng để chở bộ đội sang sông rồi quay lại cùng hàng chục thương binh nên phải kiêm luôn công việc băng bó, chăm sóc các anh như một y tá thực thụ”.

Giữ ấm khói hương cho đồng đội

“Năm 1963, cũng chính ở bờ sông này, tui với vợ tui gặp nhau nhưng đi chiến đấu khắp các chiến trường Trung, Nam ròng rã 10 năm, tui mới có dịp quay về. Cứ nghĩ cô ấy đã đi lấy chồng rồi, ai ngờ vẫn còn giữ lời hẹn ước. Niềm vui ngày cưới của chúng tôi chưa được bao lâu thì tui lại có lệnh lên đường tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, với các trận đánh vào ngã ba Xuân Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn và nhiều trận đánh của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Suốt khoảng thời gian đó cô ấy lại một mình ở lại bến đò B, tăng gia sản xuất và chăm lo cho cơ sở cách mạng”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với ông đành gác lại vì một cuộc điện thoại từ miền Nam gọi ra. Sau một hồi lâu nói chuyện, ông Trung chào tạm biệt bạn kèm một câu thật như đếm: “Khi mô tui nhớ thì tui bấm máy gọi vào rồi bà gọi ra lại cho tui nhé. Lương thương binh 2/4 chưa đầy 1 triệu đồng mỗi tháng, chắc tui không đủ tiền gọi cho bà thường xuyên được đâu!”. Ông tắt máy và cho chúng tôi biết đó là một người đồng đội cũ, quê cũng ở đây nhưng sau ngày hòa bình đã vào miền Nam lập nghiệp sinh sống. Cứ đúng dịp những ngày tháng tư lịch sử này là bà ấy lại gọi về hỏi thăm sức khỏe và việc nhang khói cho đồng đội ở bến đò B...

Năm 2004, Ban Phụ nữ, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Hải quân) đã xây tặng cho hai vợ chồng ông Trung một ngôi nhà kiên cố sát bến đò B. Ngôi nhà không chỉ là sự sẻ chia với đồng đội lúc khó khăn mà còn là nơi thờ cúng, tưởng nhớ và tri ân biết bao anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống ở bến đò B và trên con sông Bến Hải lịch sử. “Niềm vui trong căn nhà mới chỉ tròn 8 tháng thì bà nhà tui qua đời vì vết thương cũ tái phát”- ông Trung nói trong ngậm ngùi.

Kể từ khi vợ mất đi, đứa con gái đầu của ông lấy chồng ở Thanh Hóa nhiều lần động viên ông ra ngoài đó sống với con cháu nhưng ông từ chối vì một lý do: “Khi hòa bình lập lại đã có lúc định đi nơi khác sinh sống chứ ở đây đất cằn cỗi lắm nhưng mẹ nói đi nơi khác thì ai ở lại đây hương khói cho đồng đội. Với lại nơi này đã có bao kỷ niệm gắn bó với ba mẹ và đồng đội rồi!”- chị Oanh, con ông Trung cho biết. Thương ba lúc tuổi già, chị Oanh phải khăn gói vào Tùng Luật để cơm nước cho ông. Chị kể tiếp: “Chiều nào cũng vậy, ba chèo thuyền ra sông ở ngay trước bến đò B câu cá nhưng mỗi lần cá cắn câu lại gỡ thả xuống sông”.

Dẫn chúng tôi ra phía tượng đài bến đò B, ông Trung ngồi xuống bên những cây hoa nở rộ một màu vàng rực như ánh nắng ban mai tràn xuống cả một khúc sông, tôi hỏi ông đó là loại hoa gì? Ông bảo đó là hoa dại mà vợ ông đã đem đâu đó từ miền trung du về trồng. Hàng năm, cứ vào dịp 30-4, bà Huệ lại ngắt những bông hoa ấy cắm bên tượng đài và thả xuống dòng sông Bến Hải như một nghĩa cử tri ân. Bà Huệ chưa kịp đặt tên cho loài hoa đó thì đã qua đời. Tôi lặng lẽ nhìn ra phía dòng sông Bến Hải, ai đó đã thả xuống dòng sông những đóa hoa màu vàng rực ấy... 
 

Bến đò Tùng Luật, điểm vượt tuyến quan trọng trên sông Hiền Lương. Trong giai đoạn 1968 - 1972, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, Lực lượng TNXP 771, dân quân thôn Tùng Luật, dân quân xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Linh đã đảm bảo sự hoạt động liên tục của bến đò, kịp thời chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng. Tổng cộng, nơi đây đã đưa hơn 78.000 lượt thuyền, vận chuyển hơn 2 triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa. Di tích bến đò B được Bộ VH-TT xếp hạng quốc gia vào ngày 27-9-1996.

VÕ LINH


Bài 3: Những giọt máu hồng bất tử

Tin bài liên quan:
- Bài 1: Ôm trọn non sông

Tin cùng chuyên mục