Khúc tráng ca của những dòng sông

Bài 1: Ôm trọn non sông

Mẹ Diệm qua hồi ức của đồng đội
Bài 1: Ôm trọn non sông

Quảng Trị - địa phương đang vinh dự thay mặt cho cả nước chăm sóc phần mộ cho các anh hùng liệt sĩ ở 72 nghĩa trang. 30-4, cùng với ánh sáng hồng rực rỡ của ngàn vạn ngọn nến, hòa trong màu khói nhang thiêng liêng và trân trọng, những dòng sông phủ đầy những đóa hoa tri ân như đang hát ru linh hồn bất diệt cùng năm tháng. Dịp này, SGGP 12 Giờ xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về những mốc son chói đỏ ấy...  

Chủ tịch nước vừa có quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho mẹ Ngô Thị Diệm, người mẹ vá cờ Tổ quốc bên dòng sông Bến Hải trong những năm chống Mỹ cứu nước. Chuyện mẹ vá cờ dưới làn mưa bom, bão đạn những năm tháng ấy đến hôm nay vẫn còn những điều ít ai biết đến…

Mẹ Diệm qua hồi ức của đồng đội

Bài 1: Ôm trọn non sông ảnh 1

Tượng mẹ Ngô Thị Diệm ngồi vá cờ tại Bảo tàng Hiền Lương

Nắng tháng tư nhuốm vàng đôi bờ Bến Hải. Khi tôi đến, đông đảo người dân đôi bờ thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh) bên QL1A đang dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất để đón hàng ngàn lượt khách cả trong và ngoài nước sẽ dừng chân tại đây vào dịp này. Thi thoảng họ nhìn lên ngọn cờ Tổ quốc cao ngất trời tung bay trong gió bên dòng Bến Hải như một sự tự hào về những năm tháng chống Mỹ cứu nước hào hùng.

Ông Lê Hữu Năm, một người dân thôn Hiền Lương, đứng dưới cột cờ vui vẻ nói: “Nhìn cờ Tổ quốc là nhớ đến mẹ Diệm. Chuyện vá cờ của mẹ bây giờ còn ít người biết đến, ở Hiền Lương duy chỉ còn mẹ Sang…”.

Mẹ Hoàng Thị Sang năm nay 87 tuổi, ở với con trai út là anh Đinh Như Đăng trong ngôi nhà nhỏ nằm cuối thôn Hiền Lương. Hỏi chuyện vá cờ năm xưa, mẹ Sang nhắc: Chiến tranh, bom đạn dội xuống như mưa, nhà tan cửa nát, người chết bên mâm cơm, người sống như hạt gạo trên sàng, khốc liệt lắm, làm sao mà kể hết được.

Những năm 1967-1968, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt nhất của Mỹ, quân đội Sài Gòn, cờ Tổ quốc của ta mỗi ngày treo lên ở bờ Bắc đều bị bom đạn của kẻ thù bắn nát. Không có cờ thì coi như mất chí hướng chiến đấu nên dù có tan xương nát thịt cũng treo lên cho bằng được. Muốn có cờ thì không còn cách nào khác là phải vá lại.

Công việc ấy gian nan và không kém phần nguy hiểm như những người cầm súng xông trận. Những năm tháng ác liệt ấy, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đều được ưu tiên sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Nhưng, khi thấy các chiến sĩ công an, bộ đội cặm cụi vá cờ, những người như mẹ Sang, mẹ Diệm và nhiều mẹ khác tình nguyện ở lại đảm nhận công việc ấy.

Việc vá cờ diễn ra suốt ngày đêm. Do lá cờ có kích thước lớn, lên đến 134,4m2 (9,6x14m) nên phải đặt vá ở một khoảng sân rộng. Những khi máy bay địch ập đến thì các mẹ phải ôm cờ chui xuống hầm chữ A, rồi tiếp tục công việc ở đó cho đến khi hoàn thành. Không ai nhớ nổi những người như mẹ Sang và mẹ Diệm đã vá bao nhiêu ngàn mét vuông lá cờ, chỉ biết mỗi khi cờ rách thì vá lại, để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay ở bờ Bắc sông Bến Hải.

Khát vọng thống nhất đất nước nơi mỗi người dân

Để chiến đấu với kẻ thù trên cả hai mặt trận chính trị và vũ trang, tháng 4-1956, Chính phủ cho xây cột cờ lớn và kiên cố bằng thép ống cao 34m, trên đỉnh gắn một ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m với hệ thống 15 bóng đèn loại 500W, lá cờ có kích thước 134,4m2 (9,6x14m). Cột cờ này được bảo vệ vững chắc trong nhiều năm liền, song đến những năm 1967-1968, bom đạn của Mỹ, quân đội Sài Gòn đánh phá quá ác liệt làm cho cột cờ bị gãy đổ. Để dựng lại cột cờ cũng như kéo lá cờ rộng lên độ cao hàng chục mét, nhiều chiến sĩ của ta đã dũng cảm hy sinh.

Trong rất nhiều huyền thoại về cuộc kháng chiến thống nhất đôi bờ, luôn ẩn hiện huyền thoại về những người mẹ vá cờ. “Mẹ Diệm không những khéo léo về đường kim mũi chỉ mà lúc vá cờ mẹ còn chú trọng chỗ quan trọng nhất trên lá cờ là ngôi sao vàng năm cánh. Vá lành ngôi sao cũng là vá lành lại cả năm châu, thế giới không còn chiến tranh, con người không còn  đối xử với nhau bằng bom đạn và sự hủy diệt tàn khốc khác”- mẹ Sang bùi ngùi nhớ lại - “Bây giờ nghĩ kỹ, khát vọng của mẹ Diệm vượt ra ngoài nỗi khát vọng thống nhất non sông, độc lập dân tộc. Nó là khát vọng về một thế giới không có chiến tranh”.

Mẹ Ngô Thị Diệm, có chồng là chiến sĩ cách mạng Lê Văn Hồi qua đời trong chiến tranh. Mẹ sinh được hai người con là anh Lê Văn Sòa, hiện là cán bộ quân đội công tác tại Hà Nội và chị Lê Thị Nguyệt, sinh sống ở Gio Linh (Quảng Trị). Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ Diệm ở với con gái, đến năm 1992 thì mẹ qua đời vì bạo bệnh.

Đầu năm 2008, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cho mẹ Diệm. Chị Nguyệt ngậm ngùi nói: “Khi còn sống, mẹ thường nhớ đến lá cờ Tổ quốc, sai con cháu chở ra bờ Bắc sông Bến Hải để cùng dì Sang (bà Hoàng Thị Sang - PV) nhìn lại địa điểm cột cờ. Tội cho dì Sang, nay có cờ để ngắm thì thui thủi một mình vì không còn bạn nữa!”.
 

 Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Sông Hiền Lương nằm dọc theo vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến tạm thời giữa hai miềm Nam - Bắc. Trong phút chia tay ngày tập kết, có ai ngờ lời hẹn ước 2 năm đoàn tụ bỗng đằng đẵng mấy mươi năm. Sông Hiền Lương từ ấy gánh trên vai suốt cả một quãng đường dài, một khúc sông rộng vỏn vẹn chưa đầy trăm mét, một cây cầu chỉ cần năm phút bộ hành mà cả dân tộc phải ròng rã chiến đấu, hy sinh gian khó ngót hơn 20 năm mới sang được bờ bên kia.

-------------
Bài 2
: Người ở lại bến đò B

VÕ LINH

Tin cùng chuyên mục