Tấm lòng với học trò khiếm thị

Khám phá thế giới người khiếm thị
Tấm lòng với học trò khiếm thị

“Mẹ ơi… Trời mưa rồi”. Đứa trẻ khiếm thị nói với mẹ như thế khi bác bảo vệ tưới cây ở sân trường làm nước bắn vào người khi mẹ dắt em đi qua hành lang. Nghe giải thích của người mẹ, thầy Đức nhận thấy trẻ chỉ biết khi mẹ giải thích còn để phân biệt đâu là nước mưa rơi xuống, đâu là nước tưới thì trẻ không biết được. Thế là, sau giờ tan trường, nhiều lần thầy Đức ngồi nán lại bên ghế đá để quan sát và đưa ra phương án thiết lập phần mềm giúp trẻ mẫu giáo “Tìm hiểu môi trường xung quanh qua âm thanh”.

Khám phá thế giới người khiếm thị

Tấm lòng với học trò khiếm thị ảnh 1
Thầy Đức và học sinh khiếm thị

Năm 1997, tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm và về dạy tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ba năm sau, với tấm bằng kỹ thuật viên tin học, thầy giáo trẻ Đỗ Minh Hoàng Đức được phân công giảng dạy bộ môn Tin học cho học sinh cấp hai.

Thầy Đức tâm sự: “Lúc ấy tôi chưa có một khái niệm nào về cuộc sống, sinh hoạt, học tập của người khiếm thị. Tôi quyết tâm khám phá và nhận thấy có nhiều điều thú vị, hay hơn cả những bài giảng mà tôi đã từng học”. Vốn là người khiêm tốn, ít nói nhưng qua bạn bè và đồng nghiệp, được biết thầy Đức đã từ chối nhiều lời mời làm việc của nhiều công ty. Ngoài công việc dạy học, thầy Đức còn tham gia diễn đàn dạy học Intel, một diễn đàn lớn dành cho giáo viên trên toàn quốc.

Do học sinh khiếm thị hiện nay chỉ tiếp thu thông tin bằng thính giác và xúc giác nên người dạy gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sách nổi cho học sinh khiếm thị rất ít ỏi. Ngoài những giờ lên lớp, nhiều đêm thầy Đức thức trắng để nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu để mong làm được một điều gì đó hữu ích cho người khiếm thị.

Thầm lặng ươm mầm và cống hiến

Hơn mười năm gắn bó với nhiều thế hệ học sinh khiếm thị, hiểu được những khó khăn trong việc tiếp thu bài vở, năm 2003, thầy Đức là một trong ba thành viên của nhóm Ánh Dương đã biên soạn phần mềm giúp cho người khiếm thị có thể truy cập Internet. Phần mềm đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo Việt Nam”. Sau một thời gian dài nghiên cứu, năm 2007, thầy Đức đã cho “ra lò” một phần mềm mới: “Luyện chính tả cho học sinh khiếm thị”. Đặc điểm của phần mềm này khắc phục được nhiều lỗi chính tả mà học sinh khiếm thị thường mắc phải.

Thầy Đức cho biết: “Luyện chính tả là một phần rất quan trọng trong việc rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh, giúp các em có ý thức rèn luyện chính tả và mở rộng vốn từ. Hiện nay, học sinh viết sai chính tả (đặc biệt là học sinh khiếm thị) vẫn còn nhiều nguyên nhân như ít đọc sách, báo, do giọng đọc khác nhau giữa các địa phương, nói ngọng…”.

Sau quá trình cho học sinh khiếm thị sử dụng, thầy Đức tự hào cho biết: “Học sinh được mở rộng vốn từ thông qua phần mềm này, hạn chế lỗi chính tả thông thường mà học sinh mắc phải. Học sinh thích thú khi sử dụng và có thể áp dụng rộng rãi với nhiều đối tượng chứ không riêng gì học sinh khiếm thị”. Tuy nhiên, để phần mềm này sử dụng có hiệu quả thì bản thân giáo viên phải theo dõi và nắm bắt được tình trạng mắc lỗi chính tả của học sinh để có hướng giải quyết.

Mặc dù rất bận rộn, song những kế hoạch, dự định được thầy vạch ra từ trước cũng không thể chậm trễ. Theo đó, từ năm 2009-2010, thầy dự kiến sẽ thiết lập một website về Trường Nguyễn Đình Chiểu nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho học sinh và người khiếm thị. Rồi phải thiết lập một server mail đặt tại trường nhằm cung cấp cho giáo viên và học sinh một account (tài khoản) thư điện tử với tên miền của trường cũng như thiết lập một server nhằm đáp ứng vấn đề lưu trữ trực tuyến cho học sinh khiếm thị đang học đại học.


Trọng Tri

Tin cùng chuyên mục