Chuyện ở Gò Tà Mâu!

Hàng lậu “Made in Châu Đốc”
Chuyện ở Gò Tà Mâu!

Qua khỏi cầu Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang - tuyến đường như thu hẹp lại. Trưa tháng 4 nắng oi bức. Anh xe ôm đang chạy ngon trớn bỗng giảm tốc độ và tấp sát vào lề. Chiều ngược lại, một đoàn xe gần 10 chiếc xe Honda chạy giữa đường và phóng bạt mạng, cả chục cây thuốc lá và hàng điện tử “second hand” ló ra ngoài bao tải. Ở Gò Tà Mâu (ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia) vẫn còn buôn lậu. Qua chợ Gò thì vắng lặng, thế nhưng vì sao lại có hàng trăm xe gắn máy đậu ở các bãi xe?  

Hàng lậu “Made in Châu Đốc”  

Ngồi ăn cơm chay trong một quán gần chùa Bà Chúa Xứ nhưng chúng tôi vẫn không được yên. Anh Tùng – chạy xe ôm kiêm phục vụ quán ăn - lẽo đẽo bắc ghế ngồi kế bên “tiếp thị”:

 

- Anh “viếng Bà” xong rồi qua chợ Gò (chợ Gò Tà Mâu) chơi đi. Hàng bên đó rẻ hơn Châu Đốc nhiều. Mùa này điện thoại di động (ĐTDĐ) Trung Quốc “có ăn” lắm. Chỉ cần khoảng 4 triệu đồng anh qua bên chợ Gò “lận lưng” 4 cái ĐTDĐ về Châu Đốc bán lại là dư tiền xe về TP!

 

- Vậy sao ông không đi? Tôi hỏi.

 

Anh Tùng tiu nghĩu mắt nhìn xa xăm hướng chùa Bà và trả lời: “Em không có tiền”. Nghe lời mời này, tôi theo anh Tùng về chợ Gò.

 

Chuyện ở Gò Tà Mâu! ảnh 1

Từng nhóm người tham gia buôn lậu ở cánh đồng Vĩnh Ngươn.

Qua khỏi cầu Vĩnh Ngươn, con đường về chợ Gò như hẹp lại. Anh Tùng đang chạy ngon trớn bỗng dưng giảm tốc độ và tấp xe sát vào lề, nói: “Tụi nó đang “cõng hàng” ra Châu Đốc đó!”. Từ đàng xa, chiều ngược lại gần chục chiếc Honda đang phóng với tốc độ khá cao. Bụi bốc mịt mù. Phía sau xe nào cũng có mấy bao tải. Nhiều bao tải rách để lộ ra thuốc lá, đầu máy, TV… Tôi hỏi: “Sao ông biết tụi nó mà tấp xe vô lề?”. Anh Tùng trả lời: “Thằng đi đầu khoát tay ra hiệu. Tụi nó hung hăng và liều mạng lắm. Mình không né, nhường đường là tụi nó ủi luôn!”. Đường quê yên tĩnh trở lại. Đi được một đoạn, chúng tôi đến một bãi xe khá rộng ở ven đường. Hàng trăm xe gắn máy loại đắt tiền dựng san sát nhau trong cái nắng gay gắt đầu mùa khô. Anh Tùng không gửi xe vào bãi mà tấp vào một quán cà phê. Như người thân trong gia đình, một thanh niên đen thui, tóc cháy vàng (không biết do nhuộm hay do nắng) bước đến, hất mặt hỏi anh Tùng: “Đi qua chợ Gò hả? Uống cà phê chờ chút xíu “mấy ổng” đang tuần tra!”. “Ủa! Sao ông nói đưa tôi qua chợ luôn?”. Lúc này anh Tùng mới nói nhỏ: “Tục lệ xứ này nó như vậy, “Nước sông không được lẫn lộn với nước giếng”!”.

 

Tháng 4, trời nắng. Hơi nóng từ nước phèn hắt lên càng làm cho không khí oi nồng. Dù vậy, hàng trăm người vẫn nườm nượp qua lại khu vực biên giới. Khác với lần qua chợ Gò cách đây hơn 2 năm, tình trạng “mãi lộ qua cầu” đã không còn. Chợ Gò đìu hiu. Các mặt hàng dầu gội đầu, mỹ phẩm có giá xấp xỉ chợ Châu Đốc. Khu bán hàng kim khí điện máy không còn máy vi tính xách tay, nhưng máy in vẫn còn nằm chõng chơ một góc nhà. Giá máy vi tính nguyên bộ (tính luôn màn hình LCD) không rẻ bao nhiêu so với ở TPHCM. Hơn phân nửa cửa tiệm đã đóng cửa. Các cửa hàng còn lại lèo tèo mấy chục đầu DVD, loa, amply, màn hình LCD… Giá cả rẻ hơn phân nửa so với TP, nhưng chất lượng thì… chỉ có người bán hàng biết, vì họ chỉ thử máy bằng đầu DVD chứ không dò đài cho khách hàng xem. Tương tự, máy ĐTDĐ Trung Quốc cũng không nhiều chủng loại và giá cả tương đương ở Châu Đốc. Được một cái là chợ Gò không hỗn độn và không có cảnh chèo kéo, ép giá khách hàng. Ai thích thì vào xem, chủ hàng không mời gọi. Hàng hóa cứ tha hồ mặc cả, “được mua, vừa bán” nhanh, gọn. Vận chuyển, giao hàng còn dễ hơn. Đưa hàng về nước thì đã có anh “tóc cháy”, vừa là hướng dẫn viên kiêm cửu vạn. Còn không đủ tiền thì khách hàng có thể làm dấu món hàng của mình, rồi đặt một số tiền cọc và về Châu Đốc ung dung chờ nhận hàng, giao tiền. Thấy tôi săm soi mấy cây gậy đánh golf bám đầy bụi đang treo hờ hững ở ngoài cửa ra vào, anh chủ tiệm miệng bập bập điếu thuốc lá Hero, cười cười nói: “Hàng mới về đó. Đồng giá 1 triệu đồng 1 cây!”. Thật tình thì tôi cũng không biết giá trị của sản phẩm cao cấp này. Đi chợ trời biên giới không lẽ không có quà. Tôi bấm bụng đưa 50.000 đồng để mua một cây vợt tenis đã… rách lưới !

 

Qua điều tra thực tế, tình hình buôn lậu ở Gò Tà Mâu thuyên giảm không hẳn vì các lực lượng phối hợp đấu tranh, ngăn chặn quyết liệt mà chủ yếu do quy luật cung cầu, do giá cả và ý thức của người dân. Cách đây vài tháng khi giá xăng, dầu trong nước chưa tăng giá thì Gò Tà Mâu là một trong những địa bàn sôi động với số lượng xăng, dầu thẩm lậu qua biên giới rất cao. Nay, giá cả thay đổi nên không ai đi buôn lậu xăng, dầu nữa. Quần áo cũ thì ít người mặc. Còn quần áo mới (áo lạnh 2 lớp và quần áo rằn ri) của Thái Lan hay hàng điện tử được bày bán tại chợ Gò Tà Mâu thì qua điều tra của phóng viên có hơn phân nửa “Made in… Châu Đốc”. Anh Phến, chủ một cửa hàng sửa chữa điện tử ở chợ Châu Đốc, cho biết: “Tôi nhận lắp ráp mấy loại hàng đó. Tôi lên TP mua màn hình vi tính cũ và vỏ ngoài, rồi về đây lắp thêm thiết bị nhận tín hiệu của Trung Quốc. Nhãn mác JVC, Sony hay Toshiba thì kéo lụa dán vào. Toàn bộ chi phí chưa đến 200.000 đồng. Còn mấy cái áo khoát rằn ri ở bên Gò Tà Mâu thì do chính bạn tôi mua vải về may. Nhãn thêu thì cứ đưa mẫu mã, máy móc sẽ thực hiện. Toàn bộ chi phí chỉ khoảng 120.000 đồng, nhưng được rao bán ở chợ Gò giá 270.000 đồng!”. Vậy sao bãi xe ở các quán cà phê và sát cạnh cổng gác của chốt Cây Me vẫn đông đúc?  

Quẹo trái vào chợ, rẽ phải vào sòng  

Để giải đáp thắc mắc của tôi, thằng “tóc cháy” tiếp tục đưa tôi đi. Qua cây cầu tre thì quẹo phải vào sòng bạc thay vì quẹo trái vào chợ. Xa xa căn nhà tường sơn vàng, ngói đỏ sừng sững giữa bãi đất trống. Trên đường vào sòng bạc, chúng tôi bắt gặp một vài người đi ngược lại, nét mặt buồn thiu. Như chợt nhớ ra điều gì, thằng “tóc cháy” quay lại nói nhỏ với tôi:

 

Chuyện ở Gò Tà Mâu! ảnh 2

Hàng trăm xe gắn máy gửi ở cánh đồng Vĩnh Ngươn để sang Gò Tà Mâu đánh bạc. Ảnh: H.P.

- Bên này họ đánh bạc có “ba tăng” (đại để là có giấy phép, có đóng thuế) nên đại kỵ chụp hình, quay phim. Ông mà móc máy ra là phiền phức lắm. Đã có vài vụ chụp hình, dù là chụp lưu niệm thôi, cũng bị tụi nó đánh “tan xác pháo”!

 

Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Lạ một điều, là khi xây dựng khu dịch vụ nào người ta đều chăm chút đến lối đi vào. Đàng này, đường vào sòng bạc ở Gò Tà Mâu chỉ là một lối mòn đầy cỏ và phân bò. Sòng bạc bên trong không biết ra sao, nhưng các bậc tam cấp đều chưa lót gạch và còn nham nhở xi măng, vôi vữa; chỉ có tay vịn được xây bằng đá rửa và tường quét vôi vàng còn khá mới.

 

Chưa bước vào sòng bạc, khói thuốc và hơi người - mùi đặc trưng của chốn đỏ đen -  đã xộc vào mũi. Sòng bạc cũng không sang trọng gì với nền bằng xi măng, nhưng đầy rác rưởi và cát đá. Dù không có ranh giới rõ ràng, nhưng sòng bạc có 3 khu riêng biệt, gồm quán ăn, sòng “xì dách” (bài 2 lá) và trường gà. Tất cả chỉ có vậy và không có rào chắn cũng như không thấy bóng dáng bảo vệ, ngoại trừ gần 20 anh “biện” (người thay mặt chủ trường gà ra độ và bắt độ với người chơi) mặc quần sọt và áo thun có số như cầu thủ. Mặc cho không khí náo nhiệt và ồn ào từ phía trường gà vọng sang, gần 20 người (có trai, có gái và có cả học sinh đeo phù hiệu có tên trường hẳn hoi) đang hồi hộp vây quanh sòng “xì dách”. Hơn 20 người tham gia, nhưng việc chia bài và thu chi tiền bạc diễn ra chưa đầy 1 phút. Phải công nhận chủ sòng bạc cũng khéo chọn người phục vụ chia bài, cô gái chia bài có nước da ngâm ngâm đen rất có duyên, cứ nhoẻn miệng cười rất tươi với khách chơi và cả… tôi!

 

Trung tá Huỳnh Văn Màng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn, cho biết: “Hai xã Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) là địa bàn giáp ranh với chợ trời Gò Tà Mâu. Phần đông người tham gia buôn lậu là dân nghèo ở địa phương. Tình hình buôn lậu đã giảm nhiều so với trước nhờ công tác vận động và hỗ trợ vốn cho bà con làm ăn. Tuy bớt, nhưng có một thực trạng là chúng tôi càng đấu tranh chống buôn lậu căng chừng nào thì người dân đi buôn lậu càng đông hơn(!?)”. Nghe qua có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế là như vậy. Cụ thể, pháp luật quy định buôn lậu 50 cây thuốc lá trở lên thì bị truy tố. Vậy là người dân “chia nhỏ” số lượng thuốc lá ra, để vừa dễ di chuyển và khi bị bắt thì chỉ đóng tiền phạt, bị tịch thu hàng, nhưng không bị ở tù. Số hàng chuyển đi phải giảm xuống nhưng lượng hàng về Châu Đốc và các tỉnh, thành khác vẫn vậy, nên số người vận chuyển hàng tăng lên. Trước nay, lực lượng phối hợp (công an, bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường…) vẫn phối hợp tốt. Tuy nhiên, do biên giới đồng bằng mênh mông, lực lượng lại mỏng nên rất khó truy bắt. Trong năm 2007, Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn đã bắt được 29 vụ. Hầu hết đều vô chủ. Hàng hóa, gồm: gần 20 kg quần áo cũ; 6.000 gói thuốc lá; 7 ĐTDĐ; 202 cassette, đầu đĩa DVD… tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Khác hẳn với bên sòng bài, không khí bên trường gà rất sôi động. Trưa hôm đó, trường gà thu hút hơn 300 người đến chơi. Lúc tôi ghé vào, người chơi đã ngồi chật kín các khán đài bằng gỗ. Hơn 20 anh “biện” đi vòng vòng ở dưới sân liên tục “ra kèo”. Vừa bước vào trường gà chưa kịp tìm chỗ ngồi thì một anh “biện” chỉ 2 ngón tay vào thẳng mặt tôi hô lớn: “Đỏ! 8 ăn 10! 2 triệu?”. Tôi hết hồn, lắc đầu (vì tôi không biết anh “biện” nói cái gì). Anh “biện” cũng không màng đến tôi, tiếp tục chỉ tay vào những người trên khán đài. Anh “tóc cháy” nói nhỏ vào tai tôi: “Con “gà điều” (có sắc lông màu đỏ) nhỏ hơn con “gà chuối” (có sắc lông ngà vàng) nên chủ trường gà “ra kèo”: con chuối “chấp tiền 10 ăn 8”!”. Tại thời điểm đó, nếu người chơi bắt “con đỏ” với số tiền 1 triệu đồng thì khi “con đỏ” thắng chỉ được số tiền 800.000 đồng nhưng nếu thua thì phải thua 1 triệu đồng. Hai con gà nòi sắc mặt đỏ rực, mang cặp cựa sắt dài khoảng 10 phân, ở dưới sân đấu cứ chực nhào vào nhau. Vài phút anh giữ gà lại phun nước và vỗ ức gà liên tục. Hình như động tác này làm con gà càng hăng sức chiến đấu. Khi các anh “biện” trao đổi với nhau gì đó dưới sân đấu thì trường gà tạm yên ắng. Vài giây sau, tiếng các anh “biện” lại hô vang và lần này thì sôi nổi hơn. “Đỏ! 7 ăn 10! 5 triệu?”. Hàng chục người từ các khán đài giơ tay lên. Các “biện” móc giấy ghi liên tục. Chợt ĐTDĐ của tôi reo vang. Vừa đặt máy lên lỗ tai thì lập tức có bàn tay chặn lại: “Đừng chụp hình nha!”. Để khỏi phiền phức, tôi tắt luôn điện thoại của mình. Bên dưới sân, cuộc đấu bắt đầu. Chưa đến 30 giây, con “chuối” trúng đòn ngã vật ra sàn đấu, giãy đành đạch. Con “đỏ” vẫn chưa buông tha nhào đến cắm cựa sắt vào lưng con “chuối”. Kết thúc một độ gà. Việc chung chi tiền diễn ra trong trật tự. Hầu như không có một sự cãi cọ nào diễn ra, ngoại trừ những lời than trách của người chơi.

 

Vì giá cả và chất lượng hàng hóa không tốt nên chợ trời Gò Tà Mâu sẽ tự giải tán. Nhưng, sự hoạt động công khai của sòng bạc ở Gò Tà Mâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống sinh hoạt của người dân ở xã Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế. Tình hình này có lẽ còn phức tạp hơn lúc tồn tại chợ hàng buôn lậu Gò Tà Mâu. Theo điều tra riêng của chúng tôi thì đã có vài vụ xô xát đẫm máu trên cánh đồng Vĩnh Ngươn mà nguyên nhân của nó dính líu đến sòng bài! Cánh đồng Vĩnh Ngươn vẫn còn phức tạp!

 

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục