Địa ốc thời băng giá - Bài 2: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”

Những con thiêu thân
Địa ốc thời băng giá - Bài 2: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”

Trong cơn “sốt” đất, mối quan hệ giữa chủ đầu tư dự án và các nhà môi giới rất thắm thiết! Chủ đầu tư lời thì túi các nhà môi giới cũng rủng rỉnh. Là người tiêu thụ- chỉ mua qua bán lại kiếm lời, đồng thời cũng dẫn dắt hàng trăm khách hàng nhỏ lẻ khác, lý ra họ không quá khó trong cơn băng giá này. Nhưng trên thực tế, nếu chủ đầu tư bạc tóc thì họ cũng xính vính.

Những con thiêu thân

Cách đây độ năm tháng, ra quán ăn, cà phê, bàn nhậu hay bất kể nơi đâu, dễ nhìn thấy những bản đồ chi tiết vẽ ngang vẽ dọc hay xấp hồ sơ đất đai dày cộp, bàn tán xôn xao để đầu tư vào dự án X, Y. Mốt thời thượng đó tàn lụi khi thị trường xẹp xuống, nỗi đau càng quay quắt vì đồng tiền đi liền khúc ruột bị đứt khúc từng ngày. Vì thế, những nạn nhân nhảy vào như con thiêu thân đã thấm nỗi đau hơn bao giờ hết. Trong đó có nàng.

Địa ốc thời băng giá - Bài 2: “Trạng chết, chúa cũng băng hà” ảnh 1

Một dự án căn hộ đang được xây dựng. Ảnh: THÀNH TÂM

Rất xinh đẹp, lại trẻ trung, tuổi vừa ngoài ba mươi và có rất nhiều tiền, khi mùa địa ốc sôi lên, thiên hạ lùng sục mua nơi này nơi kia, nàng cũng nhập cuộc. Là đại gia nên cuộc chơi có khác, nàng mua một lúc hàng chục biệt thự tại quận 7, hàng trăm nền nhà ở Khu đô thị Mỹ Phước (Bình Dương) với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng!

Thế là nàng trở thành bà chủ của ngần ấy bất động sản, một giấc mơ “lướt sóng” thật hoàn hảo vì đà tăng giá tịnh tiến từng ngày… Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, lúc nàng trở thành thượng khách là lúc thị trường chớm chựng lại, rồi đảo chiều.

Mua quá nhiều, giá trị bất động sản quá lớn nên xoay trở chậm chạp. Những tháng ngày lao tâm khổ trí bắt đầu hành hạ, nàng sụt đến 7 ký lô vì hốt hoảng, mất ăn mất ngủ, không dám đọc báo khi thấy những thông tin xám xịt; sáng chiều chạy lên chạy xuống nơi bán hàng trước đây như con thoi, rồi gọi điện, nhắn tin chỉ nhằm mục đích không cắt lỗ được thì giảm lỗ. Cuối cùng, mới đây, nơi bán hàng đã giải quyết thật “mềm” khi số tiền đóng đợt đầu của chục căn biệt thự dồn lại cho đủ 2 căn biệt thự và công chứng làm thủ tục sang tên! Nụ cười nàng thoáng tươi tắn trở lại, dẫu sao cũng gỡ gạc phần nào.

Ở độ tuổi bốn mươi, chị T. khá giàu có. Điều đó đo đếm được từ bề nổi là bà chủ của một salon xe hơi ở quận 1, là khách hàng thường xuyên của nhiều công ty địa ốc. Trước tết năm rồi, chị cùng một số người bạn sau khi thành công từ một phi vụ chung cư cao cấp đã rút toàn bộ 14 tỷ đồng để mua hàng chục lô đất nền của dự án L.H tại Long An.

“Đất sốt mà, tụi nó bảo mua thì mua. Rút tiền chồng ngay chứ có thấy mặt mũi gì đâu”, chị H. nói trong buồn rầu. Sự việc đổ bể khi thị trường tụt dốc, chị chạy đến trụ sở chủ đầu tư thì đã họ “biến” nơi khác mà không thông báo. Tá hỏa tam tinh, chị nhờ một chuyên gia đưa xuống Long An để xem dự án. Tới nơi chị thất kinh, đồng không mông quạnh, chưa có hạ tầng vì chưa san lấp mặt bằng! Lúc này mới biết chủ đầu tư dự án làm liều, chưa có quyết định giao đất, chưa duyệt quy hoạch, chưa làm hạ tầng nhưng cả gan thu tiền khách hàng? Tiền tỷ có nguy cơ mất trắng, chị quyết định nhờ luật sư can thiệp để đòi lại. Giờ đây đành mòn mỏi chờ hạ hồi phân giải.

“Quân sư” cũng ngoắc ngoải

Đợt đóng băng này thật lạ, không chỉ “tay mơ” bị chết đứng mà ngay cả dân sành sỏi xứng danh nhà môi giới - chỉ cho thiên hạ cách làm giàu - cũng bị dính đòn! Theo lời kể của một chuyên gia địa ốc, thời điểm “sốt” cao, rất nhiều công ty môi giới đã tổ chức khách hàng thành phố đi thăm dự án nhà ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An.

Sau chuyến viếng thăm là hàng loạt hợp đồng ký kết, hậu quả để lại thật khủng khiếp, có rất nhiều trường hợp bị ngâm tiền tỷ ở nơi đó. “Việc giới thiệu như vậy không khác nào đưa khách của mình vào chỗ chết”, vị này buộc miệng nhận xét. Nhưng không thể ngồi nhìn tiền chạy vào túi người khác, dù làm môi giới lấy phí 1%-1,5% trên tổng giá trị hợp đồng giao dịch đã là một nguồn thu nhập khá cao. Vì thế, hàng loạt công ty môi giới cũng tham gia vào “lướt sóng”, cuối cùng té nhào vì thị trường chao đảo…

Vừa gặp nhau, anh P. tổng giám đốc của một chuỗi hệ thống môi giới nhà đất trong thành phố liền khoe: “Tôi vừa giải thoát một mớ nợ nần của ngân hàng, hiện chỉ còn dính 2 tỷ đồng thôi”. Xuất hiện trong làng môi giới địa ốc khi tuổi đời kha khá, 10 năm kinh nghiệm của anh đúc kết rằng, chỉ có đất nền mới thắng, còn không thì mua đất ruộng ở Nhơn Trạch, Đồng Nai như của để dành mai sau.

Cách đây ba năm, khi thị trường trầm lắng, anh vào vai “phân phối độc quyền” cho một khu đô thị liên doanh với nước ngoài tại Bình Dương. Muốn độc quyền đương nhiên phải mua sỉ, cho dù thị trường không mấy thuận lợi nhưng anh vẫn quyết định đầu tư: “Nói thật mình mua con đường, bởi đường rộng mênh mông, thẳng tắp, quy hoạch đâu ra đó mà giá chỉ có 1,2 triệu đồng/m² thì mê quá!?”. Giá đất lên chậm chạp, đến khi “sốt” thì tăng lên gấp đôi, gấp ba, lợi ròng chảy vào túi. Với hệ thống chân rết khá mạnh, anh biết đã đến thời điểm quay ngược về thành phố đầu tư. Nhiều khoản tiền vay từ ngân hàng để mua trước bán sau, kiếm lời nhanh chóng.

Nhưng khi thị trường bệ rạc, anh quay như chong chóng kiếm tiền để trả ngân hàng, cắt lỗ liên tục mà mới nhất là lỗ 200 triệu đồng từ một nền đất của dự án Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Đối với hệ thống kinh doanh, anh vẫn duy trì hoạt động nhưng cắt giảm khá mạnh, chẳng hạn tiền điện thoại di động mỗi tháng cho nhân viên trước đây là 1- 1,5 triệu đồng nay giảm xuống 300.000 đồng và chi tiêu gia đình từ 50 triệu đồng mỗi tháng, giờ giảm hơn một nửa!

Câu chuyện của một doanh nghiệp môi giới địa ốc khác cũng rất ly kỳ. Có ít vốn, anh L. lập doanh nghiệp môi giới với tên gọi ngồ ngộ, trụ sở ở thành phố nhưng địa bàn hoạt động chính là Bình Dương.

Thời đóng băng, các chung cư ở tỉnh bạn giá rất rẻ, dưới 300 triệu đồng/căn; nền đất ở Khu đô thị Mỹ Phước cũng thế, chưa tới 2 triệu đồng/m². Khi giá đất ở thành phố bị đẩy lên quá cao, rất nhiều người thành phố đã chạy lên đây tìm kiếm cơ hội đầu tư, thời điểm nóng nhất giá đất đã nhảy lên trên 4 triệu đồng/m²! Như đường đi “kinh điển” của nhiều nhà đầu tư, thu lời từ Mỹ Phước, anh L. quay về thành phố hợp tác cùng một chủ đầu tư xây dựng chung cư. Cho dù lúc đó một số doanh nghiệp bị bắt giò vì thu tiền nhưng chưa xây xong móng, dự án chung cư mà anh hợp tác xây vẫn lén lút thu tiền dù cũng chưa làm gì cả!

Chung cư trên giấy bán hết chóng vánh, anh mang tiền đầu tư trở lại Mỹ Phước. Trong hợp đồng ký kết tham gia với chủ đầu tư có điều khoản khá lạ: chủ đầu tư xây móng, còn anh thì xây phần thân chung cư! Viễn cảnh thắng lợi từ cách làm “mượn đầu heo nấu cháo” đâu không thấy, giờ đây anh đang đối mặt với nguy cơ phá sản: thứ nhất bị lún quá sâu vào Mỹ Phước, chôn rất nhiều tiền vào đây; thứ hai, lấy tiền khách hàng đầu tư vào Mỹ Phước thì lấy vốn đâu xây chung cư; chưa hết, giá vật liệu xây dựng tăng quá cao thì xây bằng cách nào?

Lương Thiện

Bài 1: Chủ đầu tư bạc tóc

Tin cùng chuyên mục