Báo động tình trạng người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật

Bài 1: Những ông Tây… tay không!

Bài 1: Những ông Tây… tay không!

Thời gian qua, nhiều người nước ngoài nhập cảnh vào VN với lý do du lịch, thương mại… nhưng sau đó họ lại lang thang ở công viên, các nơi công cộng, thậm chí đi… ăn mày! Trong số họ, đa phần không có tiền, không có việc làm, quần áo mượn đỡ của nhau mặc, giấy tờ tùy thân thì người có người không. Sự xuất hiện của các đối tượng này khiến người dân ở TPHCM gặp không ít chuyện phiền phức…

Ăn ngủ: Công viên, nhà thờ

4 giờ sáng hàng ngày, từng tốp người nước ngoài da đen mắt nhắm mắt mở bắt đầu đi vào nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1). Chủ yếu họ là những người đến từ… công viên 23-9 gần đó và vừa trải qua giấc ngủ “màn trời chiếu đất” nửa vời, bị đánh thức bởi những người tập thể dục buổi sáng. Trong khuôn viên nhà thờ, họ “oánh” tiếp 1 giấc ngủ cho tới 7-8 giờ sáng cùng ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, người trông coi, dọn dẹp nhà thờ Huyện Sỹ cho biết, mỗi sáng, có hàng chục người nước ngoài da đen vào nhà thờ ngủ. Họ tập trung ở một đồi có mái che, ghế đá của nhà thờ để nằm và chỉ thức dậy khi có người của nhà thờ đến “gợi ý” đi về. Nhiều khi, họ còn chuyển, kê ghế đá gần lại để ngủ, lúc thức dậy, họ cứ thản nhiên ra về và cũng chẳng khiêng ghế lại như cũ.

Bài 1: Những ông Tây… tay không! ảnh 1

Từng nhóm người nước ngoài lang thang, ngồi chơi xơi nước ở công viên hàng ngày như thế này không phải là hiếm

Sáng rõ, nhà thờ đông người, cũng là lúc nhóm người trên bắt đầu quay trở lại công viên 23-9. Họ chia thành từng tốp, mỗi tốp 2-5 người, kẻ đứng người ngồi ủ rũ, vật vờ trong công viên suốt cả buổi sáng, thậm chí là suốt cả ngày.

Điểm chung của những người này là họ đều đi chân tay không, không có hành lý, máy chụp hình… như những khách nước ngoài đi du lịch khác.

Bác Tuân, người lái xe ôm đậu ở khu vực đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) cho biết, gần như cả ngày họ không đi đâu, không làm gì. Tôi nghĩ, mình mà ngồi chơi, lang thang 1 ngày là vợ con “rã họng” liền nhưng những người này tôi thấy ngồi “thiền” cả ngày trong công viên và không hiểu nổi họ sống bằng gì?

Người dân: Nhức đầu

Thực trạng không hiếm người nước ngoài sống lang thang tại quận 1 khiến nhiều người dân ở đây gặp phải những câu chuyện dở khóc dở cười.

Bác Khương, chủ tiệm cắt tóc Khương (đường Đề Thám, quận 1) ngao ngán kể với chúng tôi: “Hành nghề cắt tóc ở đây khá lâu nên tôi khá rành về những người nước ngoài da đen này. Cách đây 2 tháng, có 1 người châu Phi tới đây cạo mặt. Sau khi cạo xong, anh ta không đưa tiền Việt, USD mà lại trả bằng đồng tiền gì đó lạ lắm của nước anh ta. Do là ngoại tệ yếu, nhân viên của tiệm không nhận và yêu cầu khách thanh toán bằng ngoại tệ mạnh hoặc tiền Việt thì vị khách này nổi khùng lên, vơ lấy dụng cụ cắt tóc định hành hung nhân viên của tiệm rồi bỏ đi mất, không trả tiền. Rút kinh nghiệm, khi phục vụ cho những vị khách “đặc biệt” trên, tôi thường thỏa thuận giá cả rõ ràng và yêu cầu thanh toán bằng tiền Việt hoặc tiền USD”.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) lắc đầu: Người dân ở đây phản ánh nhiều về những người nước ngoài lang thang gây không ít phức tạp. Nhóm người này phần lớn là không có tiền bạc, thậm chí là quần áo cũng phải mượn của nhau, giấy tờ tùy thân thì người có người không… Ở phường từng xảy ra chuyện, 1 khách sạn cho 1 người da đen thuê phòng. Sau một thời gian cho người này thuê, chủ khách sạn “choáng” bởi tiền điện, tiền nước tăng lên vùn vụt. Sinh nghi, phía khách sạn để ý thì nhận thấy, đúng là phòng chỉ có 1 người ở nhưng lại không phải là người thuê ban đầu mà 1 nhóm người da đen khác liên tục ra vô khách sạn (từng người một). Người này vào tắm giặt xong thì ra và lại cứ thế đến lượt người khác “vô tư” vào.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, trên địa bàn phường, nhiều người da đen làm ăn chân chính, có công việc đàng hoàng nhưng cũng có người đi bới rác, phụ người dân chuyển đồ đạc… đại loại là làm “thượng vàng hạ cám”, miễn là có tiền. Một số đối tượng thường lang thang ở các công viên sau đó, tắm giặt ở WC công cộng, đêm đến thì lợi dụng sơ hở của người dân là ra tay chôm chỉa, câu móc đồ đạc.

Đặc biệt, có nhóm còn có “trò” rất tinh vi là 1 đối tượng giở trò đụng xe vào phụ nữ đi đường rồi “chớp thời cơ” giật túi xách, điện thoại, tư trang… Sau đó, 1 đối tượng da đen khác chạy đến, nâng nạn nhân dậy, hứa sẽ “bắt” kẻ cướp giật kia để trả lại đồ cho khổ chủ, sau đó, “người giúp đỡ” này lân la làm quen, lấy quan hệ đi lại với nạn nhân. “Khách hàng” mà bọn này nhắm tới kiểu này là những phụ nữ đã luống tuổi, có kinh tế và thiếu thốn tình cảm…

Đi du lịch để làm… ăn mày!

Theo ghi nhận của Công an TPHCM, số người nước ngoài lang thang trên địa bàn TP chủ yếu là người đến từ các quốc gia châu Phi và Trung Đông, tập trung ở các nước Nigeria, Gana, Công gô... Số người này ngoài tập trung với mật độ dầy đặc tại quận 1, có khi lên tới cả trăm người, ở một số điểm “ưa thích” như công viên 23-9, nhà thờ Huyện Sỹ… họ còn bắt đầu chuyển sang các quận vùng ven như Gò Vấp (khoảng 40 người), Thủ Đức, Tân Phú…

Ngoài ra, thời gian qua cũng rộ lên hiện tượng một số người Trung Quốc nhập cảnh vào VN dưới dạng du lịch, thương mại nhưng thực ra là đi… khất thực. Trước đó, sáng ngày 23-6, tại khách sạn Hoàng Á Châu (đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1), Công an phường Bến Thành tiến hành kiểm tra 1 người mặc áo cà sa đang xin tiền bố thí ở đây nhưng đương sự không xuất trình được giấy tờ.

Qua làm việc, đối tượng khai nhận là Hou Zhu Tong (SN 1953, quốc tịch Trung Quốc), nhập cảnh ngày 21-6 qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất bằng thị thực du lịch. Sau khi kiểm tra, được biết cùng nhập cảnh với Tong còn có 3 người khác. Tuy nhiên, khi vào VN, Tong cạo đầu, giả dạng là người tu hành, chuyên lang thang xin tiền tại các khách sạn có đông người nước ngoài. Còn 3 “đồng nghiệp” với Tong thì đi lang thang xin tiền trên khắp địa bàn TPHCM. Tới nay, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA18) Công an TPHCM đã xử lý 15 trường hợp như thế.

Theo số liệu của PA18, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, TP đã có hơn 832.000 người nước ngoài nhập cảnh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Người nước ngoài tại TP tăng cũng tỷ lệ thuận với số lượng người nước ngoài lang thang và vi phạm pháp luật. Con số chính xác về người nước ngoài lang thang tại TPHCM, PA18 không nắm được bởi ngoài đối tượng nhập cảnh qua đường hàng không đã có thông tin lưu trữ (Bộ Công an quản lý) thì còn có nhiều người nhập cảnh qua đường bộ, qua cửa khẩu lại do Bộ Quốc phòng quản lý, còn số nhập cảnh qua đường tiểu ngạch không khai báo thì… bó tay!

Năm 2007 có hơn 4.000 người từ các nước châu Phi nhập cảnh vào VN và phần lớn trong số này là người không có trình độ, chuyên môn kém. Và khi vào VN, họ không có việc làm rồi sống lang thang.

Đường Loan

>> Bài 2: Xử lý - Làm ruộng không... trâu!

Tin cùng chuyên mục