Báo động tình trạng người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật - Bài 2: Xử lý: Làm ruộng không… trâu!

Báo động tình trạng người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật - Bài 2: Xử lý: Làm ruộng không… trâu!

(SGGP 12G).- Ở TPHCM đang có nhiều người nước ngoài không có nơi ở cố định, không có việc làm… Và đây chính là nguy cơ dễ dẫn đến các tệ nạn như trộm, cướp, lừa đảo, mại dâm… trong nhóm đối tượng này. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA18) Công an TPHCM cho biết, tình trạng người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật ngày một nhiều, trong khi đó, vẫn chưa có chế tài mạnh để xử lý vấn đề này.

Hàng loạt vụ phạm pháp

Báo động tình trạng người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật - Bài 2: Xử lý: Làm ruộng không… trâu! ảnh 1
Okoroji Promse (SN 1977, quốc tịch Nigeria) đã hết hạn lưu trú nhưng vẫn tiếp tục ở VN thực hiện “rửa” giấy thành USD, bị bắt đầu tháng 4-2008

Theo số liệu của PA18, trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 đã xử lý 682 trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật. Tính riêng 3 tháng gần đây, PA18 tiếp tục ghi nhận 141 trường hợp phạm pháp.

Trong 682 trường hợp vi phạm pháp luật được phát hiện có rất nhiều loại hình vi phạm khác nhau, cho thấy tính phức tạp của nhóm đối tượng trên.

Trong đó: Không có giấy tờ tùy thân (46 trường hợp), hoạt động sai mục đích nhập cảnh (39), môi giới hôn nhân (34), lừa đảo (21), gây tai nạn giao thông (20), mua bán dâm (14), đánh bạc (11), sử dụng ngoại tệ, thẻ tín dụng giả (11), trộm cướp (9), tàng trữ chất ma túy (5), cố ý gây thương tích (3), kinh doanh trốn thuế (3)…

Theo lãnh thổ, hai khối cộng đồng có lượng vi phạm cao là số người đến từ các nước châu Phi, Trung Đông (174 trường hợp) và Hàn Quốc (93).

Sau hàng loạt vụ đối tượng người Trung Quốc giả nhà sư đi ăn xin; “chẻ” tiền, lừa đảo do người Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gây ra, thời gian qua, trên địa bàn TPHCM lại xảy ra nhiều vụ người Côngô dùng giấy tờ giả để rút tiền ngân hàng.

Như trường hợp, ngày 4-9, tại một ngân hàng ở phường Tân Phong, quận 7, Etoza Vicky (SN 1977, quốc tịch Côngô) đã dùng hộ chiếu giả mang tên John Gavin Davison để rút số tiền gần 81.400 đô la Úc. Được biết, khi nhập cảnh vào VN, Vicky tự khai là doanh nhân, vào Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh. Nhưng trên thực tế, Vicky lại sống thang lang ở công viên 23-9.

Qua khai thác được biết, đối tượng được 1 người khác thuê để thực hiện việc dùng giấy tờ giả rút tiền ngân hàng. Đến nay, công an phát hiện 3 vụ có tính chất tương tự xảy ra trên địa bàn quận 7, 10, Gò Vấp.

Đặc biệt, với thủ đoạn này, 1 đối tượng cùng mang quốc tịch Côngô là K. M. Godadou (SN 1982), khai nhận với thủ đoạn trên đã rút thành công gần 48.000 USD của một chi nhánh ngân hàng ở quận Tân Bình cách đây không lâu. “Quen ăn không quen nhịn”, y tiếp tục giở trò cũ  tại một chi nhánh ngân hàng trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) vào ngày 17-9 và bị bắt giữ.

Chưa có hành lang pháp lý

Theo PA18, việc điều tra, xử lý các đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp của Vicky, đối tượng khai nhận được người khác thuê để thực hiện việc dùng giấy tờ giả rút tiền không rõ nguồn gốc (không biết từ đâu, do ai gửi tới). Theo nhận định của cơ quan điều tra, đây là loại tội phạm lừa đảo, trộm cắp chuyên nghiệp.

Khi biết cá nhân, tổ chức nào đó ở nước ngoài có món tiền hời trong ngân hàng, chúng đã làm giả giấy tờ với mục đích sẽ thuê người lập tài khoản ngân hàng ở VN để rút tiền. Nếu giao dịch thành công, các chủ tài khoản ở nước ngoài sẽ bị mất trộm một cách… ngọt xớt!

Đây là vụ việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vụ việc và bị can không khởi tố được do không xác định được bị hại. Do vậy, trong vụ việc này, ngày 16-9, PA18 áp dụng biện pháp buộc xuất cảnh và đưa vào diện cấm nhập cảnh trở lại đối với Vicky.

Đối với các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào VN rồi đi làm… ăn mày, PA18 cho biết, ngoài VN, các đối tượng thường xuyên sử dụng visa du lịch để vào các nước Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan… với mục đích không rõ ràng. Khi vào VN, các đối tượng thường tổ chức đi theo nhóm từ 2-4 người, thường xuyên thay đổi nơi lưu trú…

Theo nhận định của cơ quan chức năng, các trường hợp trên là người nước ngoài nhập cảnh vào VN hoạt động sai mục đích (không phải mục đích thương mại mà giả dạng tu sĩ để quyên góp tiền).

Đối với các trường hợp người nước ngoài có hoạt động khác tại VN mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của VN theo quy định của pháp luật (như việc giả tu sĩ đi khất thực), đã vi phạm theo Điểm b Khoản 5 Điều 22 Nghị định 150 (có mức phạt với số tiền từ 10- 20 triệu đồng).

Nhưng trên thực tế, các đối tượng khai không có tiền, không thể đảm bảo việc đóng phạt nên PA18 phải vận dụng Điều 22, ra quyết định xử phạt hành chính theo Khoản 1 của điều này về hành vi người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ VN mà không mang theo hộ chiếu khi người có thẩm quyền kiểm tra (mức phạt 500.00 đ).

Trung tá Phạm Ngọc Tiến, Đội trưởng Đội quản lý người nước ngoài của PA18 trần tình, đối với các trường hợp người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật có tiền, có giấy tờ, khi phát hiện vi phạm, công an tiến hành xử phạt, buộc xuất cảnh.

Còn các đối tượng có giấy tờ nhưng không có tiền, tùy trường hợp, chính PA18 phải bỏ tiền túi hoặc cán bộ chiến sĩ phải đi vận động người dân giúp đỡ tài chính để đương sự mua vé tàu xe về nước.

Đau đầu nhất là các đối tượng không có giấy tờ, không có tiền, không có nơi cư trú nhất định thì biện pháp xử lý rất khó. Lúc này, công an phải thông báo cho cơ quan ngoại giao nước đó, đề nghị cấp giấy tờ cho đương sự về nước - việc này có khi mất cả tháng trời! “Ví dụ như 1 trường hợp người Nigeria mà hiện chúng tôi vẫn gửi ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP (Sở LĐTB - XH) từ hơn 1 tháng nay để liên hệ với cơ quan ngoại giao cấp giấy tờ cho anh ta về nước”, ông Tiến ngao ngán kể.

Theo các cán bộ của PA18, hiện cơ quan xuất nhập cảnh vẫn thiếu hành lang pháp lý để xử lý số người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật. Hiện nay chưa có nhà tạm giữ dành riêng cho người nước ngoài.

Trong các trường hợp vi phạm pháp luật chưa đến mức độ xử lý hình sự thì công tác truy xét, xử lý rất khó bởi các đối tượng không chịu hợp tác, trong khi đó họ nhập cảnh theo visa ngắn hạn và không có cơ quan bảo lãnh để ràng buộc trách nhiệm, còn cơ quan công an phải trả tự do cho họ sau thời gian tạm giữ hành chính.

Trung tá Tiến tâm sự: “Hiện tại, để xử lý tình trạng này chúng tôi như rơi vào cảnh làm ruộng không… trâu. Để hạn chế tình trạng này, chúng ta cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn “đầu vào”, và quan trọng là cần có  quy chế về xử lý người nước ngoài, trong đó đề cập đến các vấn đề như nhà tạm giữ, nguồn ngân sách phục vụ cho công tác xử lý…”.

Đường Loan

Thông tin liên quan

- Bài 1: Những ông Tây… tay không!

Tin cùng chuyên mục