“Dân phượt” màn khung

“Dân phượt” màn khung

Mới 4g sáng, một đội quân 10 người với hàng hóa xe cộ chỉnh tề, chuẩn bị cuộc “phượt” dài gần trăm cây số. Nghề của họ thật đặc biệt, “rông” xe suốt ngày ngoài đường với tiếng rao hàng át cả nắng trưa: “Ai lắp màn khung không?”.

Nghề... chống muỗi

Không biết nghề lắp khung màn xuất hiện ở hai thôn 9 và 10 của xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An từ bao giờ. Ngày trước, dân ở đây đa số sống bằng nghề nông, quanh năm vất vả, hạt lúa làm ra cũng lắm nỗi gian nan. Có khi gần đến ngày thu hoạch, lũ lụt tràn qua lại mất trắng cả vụ. Thế rồi nghề lắp khung màn bỗng xuất hiện, làm vơi đi những vất vả, nhọc nhằn.

“Dân phượt” màn khung ảnh 1

Những thanh niên trong thôn vui vẻ sẵn sàng lên đường

Theo những người có thâm niên trong nghề lắp khung màn, nghề này có từ lâu rồi. Ban đầu do một người đi làm ăn xa, học hỏi được chút ít kinh nghiệm rồi về “truyền lại” cho những người trong thôn. Từ một hai người đi làm thử, thấy được rồi rủ thêm người khác. Và nay là cả hai thôn đi lắp màn khung “chuyên nghiệp”. Bất kể trai gái, già trẻ... ai còn đủ sức ngồi lên xe và mang được hai bộ khung màn đều có thể hòa nhập “đội quân”.

Khi nghề mới xuất hiện, người ta không có xe máy như bây giờ. Mỗi người một chiếc xe đạp cọc cạch và chiếc ghế tựa được những bàn tay tài hoa “chế” ra thật đặc biệt, giúp cho khung màn, vải màn dù nhiều và dài bao nhiêu xe vẫn chở được. Dụng cụ đồ nghề gồm một chiếc máy khoan tường, vài cái ốc vít và chiếc búa đinh. Họ đi từng ngóc ngách của các thôn xóm trong xã, rồi đi ra các xã, thị trấn của huyện thị khác.Tiếng rao của họ cất lên mỗi ngày không ngơi nghỉ: “Ai... màn khung... đây!”.

Chú Đức Bảy, một “dân phượt” có thâm niên trong nghề cho hay: “Ngày trước bọn tui đi cực lắm, đạp xe cả ngày rát hết chân, rao mỏi cả miệng mới lắp được vài bộ. Bây chừ thì sướng hơn rồi, dân lắp màn toàn đi bằng xe máy, dụng cụ làm ăn cũng “hại điện” hơn. Mỗi ngày nếu người nào chăm chỉ cũng kiếm được hơn vài trăm ngàn đồng”.

Dân lắp màn khung sau những ngày tháng lăn lội đã tích góp được ít vốn liếng, sắm cho mình chiếc xe máy cùng với một lượng hàng để tính chuyện “bay xa”. Thị trường Nghệ An bị đội quân màn khung “cày nát như tương”. Cho dù các huyện miền núi có xa xôi như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Anh Sơn hay Quế Phong... thì bàn chân của “dân phượt” màn khung đều đặt đến.

“Thôn tính” xong những thị trường “sân nhà”, đội quân lại vươn ra ở những thị trường xa xôi hơn, có khi đến những tỉnh thành heo hút của đất nước. Anh Nguyễn Xuân Lâm, một “dân phượt” đóng ở Quảng Trị cho biết: “Nghề này mà quanh quẩn ở nhà thì chẳng làm được, vì dân lắp màn ngày một đông, mà đã lắp thì mươi, mười lăm năm sau có hỏng mới lắp lại”.

Đi xa nên đa số là thanh niên trai tráng, chuyện ăn ở quả là một cực hình. Nhằm tiết kiệm các khoản chi tiêu nên mỗi “đội quân” đều chuẩn bị cho mình “lò bếp di động”. Cứ “đánh” đâu là đưa tới đó. Sống nơi đất khách quê người nên anh em rất đoàn kết. Có hôm gặp mấy tay “xin đểu” nhưng rồi nhìn thấy lực lượng “đội quân” kéo đến, chúng đành chào thua.

Nghề không của riêng ai

Tưởng chừng cái nghề “lượt phượt” và đầy gian khổ này chỉ dành cho cánh mày râu nhưng có một lần về đây mới thấy được sự đảm đang, không chịu lép vế của các chị em. Mỗi sáng sớm, người ta vẫn thấy nhiều bóng dáng thiếu nữ hay đến cả các cô, các dì đã có tuổi vẫn hăng hái... “phượt” với đội quân.

Thế mạnh của các chị em là bền bỉ, miệng khéo chào bán nên thu nhập cũng không kém cánh mày râu. Tuy nhiên, do gia đình, con cái nên họ không thể đi xa và “đóng đô” lâu như các anh được. Họ chỉ làm bán thời gian hay phải về ngay trong ngày.

“Nghề này với tụi tui là “tay trái” thôi nhưng rứa chớ thu nhập còn hơn làm ruộng. Chi tiêu trong nhà chủ yếu là nhìn vào đây”, chị Trần Thị Mưu vui vẻ cho hay. Hai thôn có khoảng 30 chị em đủ các độ tuổi làm nghề này. Ngày mưa cũng như nắng, “đội quân tóc dài” vẫn hăng hái lên đường, có khi vượt cả trăm cây số. Vì vậy những ai có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ mới trụ lại được với nghề.

Em Nguyễn Thị Duyên, mới 19 tuổi nhưng đã có thâm niên 2 năm trong nghề. Cứ đến mỗi dịp hè, Duyên lại cùng những người trong thôn rong ruổi khắp các phố thị, làng quê bán hàng. Bố mẹ em đều là dân lắp màn khung chuyên nghiệp, Duyên chỉ tranh thủ thời gian nghỉ hè làm cho biết nghề và có tiền trang trải chuyện học hành.

Duyên cho hay: “Cái nghề này đã vực dậy không biết bao nhiêu gia đình ở quê em đấy. Nhờ lắp màn mà em và mấy đứa em đã được học hành đến nơi đến chốn”. Năm nay là năm cuối cấp trung học, Duyên mơ ước trở thành một tân sinh viên Trường Sư phạm Vinh.

Những cô gái trùm khăn kín cả đầu, nhưng vẫn thấy nụ cười trên đôi mắt. Vất vả mệt nhọc, cái nghề cho những rong ruổi và chang nắng suốt ngày nhưng chẳng thấy ai ca thán, than thân. Công việc hàng ngày như một điều tất yếu, diễn ra đều đặn và suôn chảy. 

Triều Dương

Tin cùng chuyên mục