“Máu” rừng cứ chảy!

Tháng 6-2008, Báo SGGP từng có bài phản ánh về tình trạng phá rừng đầu nguồn ở huyện Hoài Ân của tỉnh Bình Định. Thế nhưng, từ đó đến nay, bất chấp nỗ lực giải quyết của các cơ quan chức năng, nạn phá rừng tại đây vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
“Máu” rừng cứ chảy!

Tháng 6-2008, Báo SGGP từng có bài phản ánh về tình trạng phá rừng đầu nguồn ở huyện Hoài Ân của tỉnh Bình Định. Thế nhưng, từ đó đến nay, bất chấp nỗ lực giải quyết của các cơ quan chức năng, nạn phá rừng tại đây vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Lâm tặc lộng hành

Hầu hết 15 xã trên địa bàn huyện Hoài Ân đều có rừng nhưng tại xã Ân Nghĩa (huyện Ân Nghĩa), nơi có 3 cánh rừng đầu nguồn Nghĩa Điền, Phú Trị và Nghĩa Nhơn, tình trạng phá rừng xảy ra nghiêm trọng nhất. Nhờ anh B., người địa phương từng làm “nghề gỗ” dẫn đường, chúng tôi đóng vai người dân đi mua gỗ về làm nhà.

Người dân thôn Nghĩa Điền chở gỗ về nhà.

Người dân thôn Nghĩa Điền chở gỗ về nhà.

Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng đường về thôn Nghĩa Điền chỉ khác là có nhiều cây cảnh trồng trước nhà hơn. Anh B. nói: “Người dân địa phương đi khai thác gỗ gặp gốc cây đẹp thì đào về trồng để kiếm mối bán lại. Việc đào cây cảnh trên rừng tuy trái phép nhưng ít bị kiểm lâm bắt, lại bán được nhiều tiền. Việc vận chuyển cây cảnh về xuôi rất đơn giản, chỉ cần nhờ kiểm lâm địa phương làm “giấy phép” vận chuyển là cây rừng thành cây cảnh hợp pháp, có thể vận chuyển khắp nước trong 24 giờ”.

Tấp vào một quán tạp hóa ven đường, B. tự giới thiệu với chủ quán: “Bọn em ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, cần mua gỗ về làm nhà, chị biết ai bán gỗ giới thiệu giúp”. Chủ quán vừa gọi điện thì có người tên Hải chạy đến. Theo anh Hải, khu vực thôn Nghĩa Điền không có các đầu nậu chuyên thuê người đi khai thác gỗ mà chỉ có người trong làng “đi làm kiếm miếng cơm”.

Anh Hải tự chào hàng: “Muốn chở gỗ về xuôi thì nên tìm thằng Trọng lái xe 2,5 tấn, có nhà ở đường số 2 - thị trấn Tăng Bạt Hổ, nó quen biết nhiều nên hay chở gỗ về dưới lắm. Nhưng muốn an toàn thì nên đóng thành phẩm rồi hãy chở về, kiểm lâm chỉ bắt người chở gỗ chứ đã thành phẩm thì cứ vô tư. Gỗ ở đây loại nào cũng có, dép, xây, chò chỉ, bằng lăng,... Nếu cần thì anh em chúng tôi làm khoảng 10 ngày là đủ gỗ cho một căn nhà”.

Tôi hỏi: “Có ai chuyên mua gỗ chở về dưới ấy, bọn em đi nhờ xe một chuyến được không? Nếu cần bọn em chung chi với họ”. Anh Hải trả lời: “Chúng tôi không vận chuyển về dưới đó nên không biết. Chỉ nghe mấy người hay lên đây mua gỗ nói là nhờ ông Mãnh nào đó thì phải”.

Đến 16 giờ chiều, không gian yên tĩnh ở cửa rừng Nghĩa Điền bỗng bị xé toạc bởi những tiếng gầm rú của xe máy chở gỗ, mỗi nhóm thường đi khoảng 2 - 5 xe. Những súc gỗ dài khoảng 2m, mặt rộng 7-14cm được cột ngang sau yên xe chạy bạt mạng ra khỏi rừng và bất ngờ rẽ vào những ngóc ngách trong thôn. Hoạt động chuyển gỗ này chỉ diễn ra tầm 17 giờ đến 18 giờ là kết khúc.

Lực lượng mua gom gỗ lậu túc trực tại cửa rừng, khi mua được gỗ, chúng sẽ thuê lực lượng “vận tải” xe máy hoặc ô tô tải chuyển về các đại lý lớn hơn ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, thị trấn Bồng Sơn... Khác với những người dân sống ven rừng, lực lượng thu mua và vận chuyển gỗ lậu này thường hoạt động về đêm và vận chuyển có sự tổ chức rất kỹ càng.

Kiểm lâm đổ máu

Ở huyện Hoài Ân, lâm tặc đã từng vào tận trụ sở Hạt kiểm lâm chửi bới và đòi chém giết các cán bộ, đến đập phá nhà ông Nguyễn Văn Bổ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm… Từ đầu năm 2009 đến nay đã có 5 trường hợp kiểm lâm bị lâm tặc đánh trọng thương, người nặng thì nằm viện cả tháng, nhẹ cũng phải điều trị một tuần.

Lúc 3 giờ sáng ngày 13-4-2009, tổ công tác gồm 7 người của Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đang truy bắt một nhóm vận chuyển gỗ trái phép thì bị 25 người chặn lại, sử dụng cây và đá đánh phủ đầu tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) và xã Hoài Đức (Hoài Nhơn). Vụ tấn công này làm 2 kiểm lâm viên Phan Văn Thành và Trần Ngọc Hưng trọng thương.

Trong số 25 lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm có một số đối tượng đã nhiều lần vận chuyển lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ, cướp tang vật, đã từng bị xử phạt hành chính và bị kiểm điểm trước dân. Gần đây, ngày 13-8, kiểm lâm viên Trần Văn Hoài đang nằm nghỉ trưa tại trụ sở Hạt Kiểm lâm Hoài Ân thì bị một số đối tượng xông vào đánh tới tấp. Hầu hết những đối tượng tham gia hành hung kiểm lâm tại huyện Hoài Ân vẫn chưa bị truy tố trước pháp luật.

Ông Trần Ngọc Ty, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, cho biết: “Lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển các loại lâm sản rất lớn nên lâm tặc đã bất chấp pháp luật; đồng thời lôi kéo người dân địa phương tham gia. Trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu không có súng, đừng nghĩ đến chuyện chạm mặt lâm tặc. Nhưng chạm mặt với chúng rồi mới thấy súng cũng chỉ để tự vệ, hay để ra uy với những lâm tặc non gan, còn với những lâm tặc liều lĩnh thì súng chẳng là gì”.

Trên địa bàn huyện Hoài Ân còn có rất nhiều điểm nóng khác về khai thác gỗ trái phép ở các xã Bók Tới, Ân Hảo, Ân Tín... Mặc dù người dân địa phương là lực lượng chính tham gia phá rừng nhưng hầu hết họ đều rất nghèo. Ngoài những ngày làm ruộng, nương rẫy chỉ đủ ăn thì lúc rảnh rỗi chỉ biết vào rừng khai thác gỗ bán cho đầu nậu để kiếm thêm thu nhập. Nhọc nhằn, nguy hiểm và thường xuyên bị các cơ quan chức năng thu giữ phương tiện hành nghề mà tiền kiếm được cũng chỉ đủ ngày công.

Lợi nhuận từ việc khai thác rừng trái phép chỉ làm giàu cho những “đầu nậu” thu mua gỗ trái phép đến từ thị trấn Tăng Bạt Hổ, thị trấn Bồng Sơn... Nhưng tại sao những đầu nậu này vận chuyển được gỗ về xuôi mà lại ít bị các cơ quan chức năng xử lý?

Tố cáo vẫn không xử lý

Bức xúc trước tình hình rừng bị tàn phá, ông Nguyễn Việt Tiến - ở thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây - thường xuyên thu thập thông tin về các vụ vận chuyển gỗ trái phép để báo với Hạt Kiểm lâm Hoài Ân nhưng kết quả vẫn “bằng không”. Ông Tiến vốn là người trồng rừng cho các công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn nên am hiểu khá tường tận về tình hình rừng tại địa phương.

Mới đây, vào ngày 9-5-2009, ông Tiến phát hiện xe tải của một người tên Vương (hay chở gỗ cho một người tên Đặng Tha ở xã Ân Hữu) chở một xe sầu đông nhưng có giấu gỗ bằng lăng bên trong chạy từ cửa rừng ra, liền báo cho một cán bộ kiểm lâm Trạm kiểm lâm xã Ân Tường Tây và tự mình đuổi theo chiếc xe này. “Không hiểu bị “động” thế nào mà xe gỗ này không chạy qua trạm lại chạy vào xưởng cưa của một cán bộ kiểm lâm khác. Khi tôi và anh cán bộ kiểm lâm vừa đến xưởng cưa thì phát hiện tên Vương đã “ben” gỗ trong khuôn viên xưởng cưa. Khi xe chạy ra, tôi và anh cán bộ kiểm lâm chặn đường thì tài xế điều khiển xe đâm thẳng vào chúng tôi. Anh cán bộ kiểm lâm phải nổ 2 phát súng, xe mới dừng lại. Khi lực lượng kiểm lâm đến chỉ lập biên bản, tịch thu số gỗ trên nhưng không hề xử lý chiếc xe tải và xưởng cưa nói trên. Thấy chuyện lạ lùng như thế nên tôi ghi lại toàn bộ sự việc này và định làm đơn trình lên Ban Thường vụ Huyện ủy”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, sau việc trình báo nói trên, ông thường xuyên bị gây “khó dễ” trong việc xác nhận giấy tờ vận chuyển gỗ rừng trồng và thường xuyên bị số điện thoại 0983036... hăm dọa. Trong khi đó những đối tượng bị ông tố cáo vẫn thường xuyên mua gỗ rừng tại các xã Bok Tới, Đăk Man, Ân Nghĩa... với giá rẻ rồi chở về xuôi bán lại với giá cao gấp 2 - 3 lần. Cho rằng kiểm lâm đã “bảo kê” cho lâm tặc nên ông Tiến “không thèm” báo tin nữa.

Điệp khúc thiếu và yếu

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2009, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đã lập biên bản xử lý 114 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng, tăng hơn 34 vụ so với cùng kỳ năm 2008. Số gỗ lâm sản tạm giữ gồm các loại từ nhóm I đến nhóm VIII hơn 100m³ cùng 10 ô tô, 46 mô tô... Tuy nhiên, số lượng gỗ thất thoát thực tế lớn hơn nhiều lần. Lý giải điều này, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hoài Ân Trần Ngọc Ty cho rằng, do lực lượng kiểm lâm hoạt động trong tình trạng thiếu phương tiện như máy chụp hình, camera... nên rất khó có bằng chứng để xử lý lâm tặc.

Địa bàn huyện Hoài Ân có đến 34.700ha rừng, trong khi biên chế của kiểm lâm có 22 người (3 lãnh đạo, 1 lái xe và 18 kiểm lâm địa bàn) thì mỗi người phải “gánh” hơn 1.500ha rừng, quy định của ngành kiểm lâm chỉ có mỗi người là 1.000ha rừng, trong khi chính quyền một số địa phương lại buông lỏng quản lý. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng kiểm lâm, công an… cũng thiếu chặt chẽ.

Theo kế hoạch hoạt động của Hạt Kiểm lâm Hoài Ân, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục cho nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, với những người dân trực tiếp tham gia phá rừng đang gặp khó khăn về kinh tế thì việc giáo dục chỉ là “nói suông” nếu không có những chính sách hiệu quả để giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người dân được thực sự hưởng lợi từ rừng trồng. Hơn nữa, để người dân cùng tham gia bảo vệ rừng thì trước hết lực lượng kiểm lâm cần làm trong sạch hình ảnh của mình, kiên quyết xử lý những đối tượng tham gia mua, vận chuyển gỗ trái phép.

HOÀNG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục