Săn hổ

1.
Săn hổ

1. Mùa đông, đường 20-Quyết Thắng sau chiến tranh rừng rậm phủ tràn ra mặt đường. Những con hổ sống bên rừng Hinậm Nô (Khăm Muộn-Lào) bắt đầu lang thang trở về khi bên đó là mùa khô, khó cho việc săn bắt thức ăn. Người Ma Coong xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch phát hiện hẻm núi Cù Rúc với đường cỏ tranh rạp xuống sát đất, đám đất mềm in hình nhiều dấu chân hổ. Những thợ săn già nhất Thượng Trạch đã phát hiện có đến 7 con hổ trưởng thành đi qua đây trong một đêm để về vùng rừng Phong Nha-Kẻ Bàng. Thấy những dấu chân hổ to quá cỡ, họ liền quỳ sụp lạy thần núi, thần rừng cầu mong không bị hổ vồ khi đi săn.  Nhưng người ta chỉ phát hiện và tận mắt thấy 3 con đi với nhau, người ta nói, 4 con hổ còn lại không đi chung với nhau mà mỗi con hoạt động mỗi vùng. Nhiều thợ săn già cho rằng chúng là những con hổ như đã thành tinh, không để con người biết được dấu vết đi lại trong rừng.

Ông Đinh Mì, người săn hổ

Ông Đinh Mì, người săn hổ

3 con hổ thường đi với nhau, lang thang từ mái đá của người A Rem (Tân Trạch) rồi về xã Sơn Trạch, ra dọc đường 20-Quyết Thắng. Thức ăn của chúng là trâu bò mà dân bản thả rong trong rừng. Một đêm giáp tết, 3 con hổ tìm về đầu bản Cà Roòng, bên bờ suối, nơi có đàn bò đang ngủ dưới ánh trăng le lói chúng đã vồ 9 con bò. Chúng tha xác bò vào rừng rậm cách đó trăm bước chân.

Cả đêm, người Ma Coong nghe phía đầu bản tiếng gầm rú kinh hoàng. 3 giờ sáng, tiếng gầm im bặt. Bình minh, mọi người thức dậy, phát hiện vết máu lênh láng khắp nơi, kiểm tra thấy mất 9 con bò béo nhất vùng. Dân bản báo cáo Chủ tịch xã Quách Tẩm họ lý luận với Chủ tịch xã - hổ này là của vùng Phong Nha-Kẻ Bàng, kiểm lâm bảo vệ hổ nhưng không bảo vệ bò của dân bản, để hổ giết bò của bản thì kiểm lâm phải đền. Quách Tẩm đồng lòng với lý luận trên đã dẫn dân bản xuống trạm kiểm lâm Trộ Mợng để nói lý. Đi bộ một ngày đường, chạm mặt Hạt trưởng, bà con đã nói hổ của Phong Nha-Kẻ Bàng giết bò của dân thì kiểm lâm phải đền. 9 con gồm 6 bò cái và 3 bò đực. Dân bản nói, bò đực kiểm lâm không đền cũng được, nhưng 6 con bò cái là phải đền vì bò cái mẹ đẻ ra bò con, bò con đẻ ra bò con nữa nên phải đền. Không đền thì dân bản đi săn, đi đặt mìn giết 3 con hổ đó. Kiểm lâm vừa giải thích vừa mời dân bản uống rượu. Họ cố công nói rõ, giết hổ là phá tài sản nhà nước, phá vật báu của đất quê, phải đi tù. Còn đền bò thì kiểm lâm không có tiền. Chỉ có bữa cơm trưa với chén rượu nhạt mời bà con. Bữa đầu người Ma Coong nghe kiểm lâm giải thích xuôi bụng, uống hết mấy lít rượu rồi nhất trí bắt tay ra về. Nhưng mấy hôm sau anh em kiểm lâm lại thấy Quách Tẩm cùng vài dân bản đi bộ xuống bắt đền bò. Nói với lãnh đạo kiểm lâm là họ đã giải thích nhưng mấy người ở bản không nghe. Thế là rượu được rót, cơm được mời. Sau đó, cán bộ kiểm lâm lại chuẩn bị thêm nhiều rượu, nhiều gạo lên bản và cùng với Quách Tẩm mời bà con nói chân tình, cởi mở, dân bản nghe ưng cái bụng. Gật đầu. Không bắt đền. Không săn hổ.

3 con hổ ấy sau đó không săn trộm bò của người Ma Coong nhưng lại chuyển ra bắt trộm 3 con bò của đồn biên phòng 593 và giết nhiều bò ở nơi khác. Vài ngày sau, chúng về xã Sơn rồi lui về vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng ẩn mình cho đến nay người ta vẫn thấy dấu vết của chúng.

2. Giữa lúc 3 con hổ mải đi tìm bò của dân để giết thịt thì một con hổ khác xuất hiện giữa rừng rậm, đi đâu cũng để lại dấu chân, dấu phân. Ban ngày, nó thường mai phục dọc đường 20-Quyết Thắng để rình bắt người. Những người thợ rừng may mắn sống sót đều kể, con hổ to gần như con bò. Từ ngày con hổ lớn xuất hiện đã có 7 người đàn ông và 1 phụ nữ bị nó giết chết bên đường 20 với một nhát cắn vào cổ, một cái tát vào mặt. Xác những người xấu số ấy bị hổ tha về mỏm đất tại km 23, nơi có mỏ nước phun tự nhiên để chúng cất giấu thức ăn và uống nước.

Hổ giết người. Tin tức dồn dập về chính quyền địa phương.

Khu vực Đinh Mì hạ con hổ lớn.

Khu vực Đinh Mì hạ con hổ lớn.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đội Bố Trạch đã lên phương án bắn hạ con hổ đã gây ra cái chết của nhiều mạng người. Nhưng vấn đề ai sẽ đảm đương trọng trách quần thảo trong rừng hàng tháng trời để tìm hổ?

Một phương án tác chiến được đưa ra, đi tìm những người thợ săn hổ giỏi nhất vùng biên giới Việt Lào. Chỉ người Ma Coong mới đảm đương được trách nhiệm tiểu trừ hổ. Trong vùng chỉ có ông Đinh Mì là thợ săn giỏi nhất, biết cách theo dấu con hổ và thời cơ bắn hạ. Ông Mì được cấp một khẩu súng săn và 12 viên đạn với lời hứa từ phía cơ quan chức năng, bắn hạ con hổ sẽ được Nhà nước thưởng 3 tạ gạo. Đinh Mì nhận lời. Hành trang mang theo giữa rừng nguyên sinh chẳng có gì ngoài con dao lài, khẩu súng săn, và đoạn dây thừng. Suốt 3 tháng ròng, Đinh Mì không ăn cơm, chỉ ăn ốc rừng, chuột rừng, cá suối và ăn củ mài sống, ăn quả rừng, uống nước suối.

Tháng đầu tiên, Đinh Mì tìm dấu hổ lớn tại km 23, quanh khu vực có cây huê cao lớn, ông leo lên đợi hổ về tìm nước. Một tuần sau con hổ xuất hiện, nhưng thấy dấu chân lạ quanh vũng nước, nó khịt lên mấy tiếng rồi bỏ đi, Đinh Mì nghĩ, nó khát nước chắc không thể bỏ được chỗ quen.

Đúng như lão thợ săn nhiều kinh nghiệm nhận định, một tuần sau con hổ trở lại. Uống xong nước nó lại đi mà Đinh Mì ở xa quá không thể bắn được. Đành tụt xuống theo dấu của nó. Theo được hơn một tháng thì mất dấu. Theo lời Đinh Mì: “Lúc đó hình như nó phát hiện ra mình nên nó như muốn chơi trò mèo vờn chuột. Hổ to là hổ thành tinh, khôn lắm, hắn chơi mình rứa là ranh lắm, không cẩn thận nó vồ là chết ngay”.

Biết thế, Đinh Mì leo lên cây cổ thụ chờ, 3 ngày sau nó xuất hiện trước mặt ông rồi biến mất, Đinh Mì tiếp tục theo dấu, đúng ngày thứ 90, ông nổ phát súng gần bản giữa lúc con hổ đang rình một người đi làm rẫy. Bắn đến phát thứ ba, con hổ ngã gục. Sau khi bắn được hổ, cán bộ giữ lời, thưởng ông 3 tạ gạo bằng với trọng lượng con hổ Đinh Mì đã bắn hạ. Cả bản của ông tổ chức ăn mừng, rượu cần thâu đêm, gạo ăn cả tuần vẫn no bụng.

Câu chuyện đó diễn ra năm 1988, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Phong Nha-Kẻ Bàng, Phan Hồng Thái nói rằng: “Nếu không nhờ Đinh Mì với tài săn bắn, đeo bám con hổ lớn đó thì chắc chắn sẽ còn nhiều người nữa bỏ mạng”.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục