Sơn Long nguy cơ trở thành “làng ung thư”

Sơn Long nguy cơ trở thành “làng ung thư”

(SGGP-12G).- Nằm lọt thỏm dưới chân núi Tam Đảo, những năm gần đây, người dân thôn Sơn Long, xã Hợp Châu (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Điều đáng nói, hằng năm vẫn có vài ba đoàn môi trường về kiểm tra nhưng rồi mọi thứ vẫn “u như kỹ”.

Thung lũng ô nhiễm

Con đường ngoằn ngoèo, dốc lên, dốc xuống khiến chúng tôi vất vả lắm mới tìm đến được xã Hợp Châu. Một người sửa xe máy ven đường cho biết: “Phải đi sâu xuống con dốc kia, cuối dốc là thôn Sơn Long đấy”.

Con đường dẫn vào thôn Sơn Long um tùm cây cối, bánh xe chúng tôi như bị hất tung lên vì mặt đường được rải bằng các loại đá lởm chởm… Bỗng phía trước có 2-3 chiếc xe tải nối đuôi nhau chở đá chạy qua. Người đi đường dạt sang một bên, lớp bụi đường bị các xe tải hất tung lên bay mù mịt. Đợi một hồi sau bụi dần lắng xuống, chị Trần Thị Tính, người đi đường, cho biết: “Do dân kêu nhiều quá mấy hôm trước họ còn phun nước tưới mặt đường nhưng hai hôm nay thì không thấy đâu cả”.

Khu mỏ đá của Nhà máy Tân Phát gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Khu mỏ đá của Nhà máy Tân Phát gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Khi chúng tôi tìm đến, trưởng thôn Vũ Văn Dần vẫn đang cặm cụi lau chùi bàn ghế. Ông than phiền: “Mỗi ngày cứ phải lau 4-5 lần nhưng cũng không hết bụi”. Trưởng thôn Dần cho biết: “Năm 2002 mỏ đá Tân Phát bắt đầu đi vào hoạt động.

Con đường duy nhất dẫn vào mỏ đá đi qua thôn Sơn Long. Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tải chở đá chạy qua, cày nát con đường làng, bụi phủ khắp nơi khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Cứ đến mùa hanh khô là cơn “bão” bụi lại hoành hành, người dân đành phải ra rào đường không cho ô tô chạy qua.

Trước tình thế đó, Nhà máy mỏ đá Tân Phát buộc phải đầu tư làm đường. Nhưng thực tế “họ chỉ rải đá và một lớp nhựa mỏng nên một thời gian ngắn là mặt đường đã… bong. Trời mưa thì xuất hiện sình lầy, còn nắng thì bụi bay mù mịt”.

Không chỉ đối mặt với bụi, người dân thôn Sơn Long còn đang phải hứng chịu sự “tra tấn” của tiếng ồn, khói và chất thải do Nhà máy hóa chất Z195 gây ra. Dẫn chúng tôi ra con suối phía sau nhà, ông Dần cho biết: “Cứ khoảng 1 tuần hoặc nửa tháng là nhà máy lại xả nước thải. Rong rêu cũng không sống được, huống gì cá”.

Người dân cho biết, trước đây, ở Sơn Long hầu như nhà nào cũng đều có ao cá nhưng do mỗi lần nhà máy xả thải, cá trong ao bỗng dưng nổi lềnh bềnh nên giờ nhiều hộ đã phải lấp ao hoặc bỏ không. Ông Đào Văn Phúc, một gia đình có ao cá, bức xúc: “Riêng nhà tôi, lần này bị “dính” lần thứ 2 rồi, cá chết trắng hết cả ao, giờ phải bỏ không chưa biết nuôi con gì…”.

Mỗi lần Nhà máy hóa chất Z195 đi vào sản xuất là tiếng nổ chát chúa từ đó cứ vang lên khắp cả xóm làng. “Nửa đêm chúng tôi cứ giật mình thom thóp vì tiếng nổ của nhà máy”, chị Lê Thị Tươi than thở.

Mòn mỏi đợi… phúc đáp

Mỗi năm, người dân Sơn Long vẫn tiếp vài ba đoàn kiểm tra môi trường của các cấp, ban, ngành về làm việc. Ban đầu, đoàn kiểm tra về, nhiều người dân thấy vui vì hy vọng sớm biết được câu trả lời về vấn nạn ô nhiễm ở đây. Nhưng đến nay, theo lời trưởng thôn Dần: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời phúc đáp nào về thực trạng ô nhiễm ở thôn. Nếu có hoặc không ô nhiễm thì cũng cho chúng tôi một câu trả lời rõ ràng chứ?”.

Mấy năm gần đây, người dân trong thôn hoang mang vì ngày càng có nhiều người mắc những căn bệnh quái ác. Chị Nguyễn Thị Phượng, vừa từ Hà Nội về, cho hay: “Đi kiểm tra mới biết mình bị ung thư dạ con. Ở thôn này, tính sơ cũng có 5, 6 phụ nữ đang mắc căn bệnh như tôi”.

Bà Nguyễn Thị Lượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Châu, thừa nhận: “Mấy năm gần đây môi trường của chúng tôi bị đe dọa nghiêm trọng. Hằng năm có đến hàng chục ca ung thư và các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường ruột, ngoài da… Tuy đã có nhiều đoàn về kiểm tra nhưng trạm y tế xã vẫn chưa nhận được một thông tin nào đánh giá về mức độ nguy hại”.

Nằm dưới thung lũng núi Tam Đảo, người dân Sơn Long như đang bị bỏ rơi giữa vòng xoáy của ô nhiễm. Trước khi xuất hiện một “làng ung thư”, người dân ở đây rất mong có được sự can thiệp hợp tình, hợp lý của các cấp, ban, ngành… để cuộc sống của họ bớt đi nhọc nhằn, lo âu.

“Mấy năm nay làm nông nghiệp năng suất thấp lắm, nhiều người đã phải bỏ quê hương đi làm ăn xa xứ”, ông trưởng thôn Dần buồn rầu cho biết. Thực tế, hai bên đường những vạt lúa non bị phủ một màu vàng đục của đất núi và bụi đá. Thấy chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thắm than: “Lúa thì lép hạt, còn bắp thì không thụ phấn được, thật chẳng biết kêu đến đâu cho thấu…”.

Kỳ Ninh

Tin cùng chuyên mục