Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 1: Các đập thủy điện đang giết dần Mekong

LTS:
Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 1: Các đập thủy điện đang giết dần Mekong

LTS: Mekong - trong tiếng Thái có nghĩa là dòng sông Mẹ, bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam, Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, như dòng sữa mẹ nuôi sống những cư dân dọc hai bên bờ sông từ ngàn đời nay.

Liên minh các tổ chức phi chính phủ có tên gọi “Hãy cứu dòng sông Mekong” cho biết, các đập thủy điện xây dựng trên sông Mekong ảnh hưởng trực tiếp tới 70% nguồn cá tự nhiên của con sông này, vì làm thay đổi mực nước và cản trở đường di cư của nhiều loài cá trong mùa sinh sản. Đây chỉ là một trong những hậu quả nặng nề của các con đập xây dựng từ thượng nguồn tới hạ lưu sông Mekong.

Báo SGGP khởi đăng loạt bài về thực trạng và những dự báo tương lai đang đe dọa hàng chục triệu cư dân từng sống thác với dòng sông.

Các đập thủy điện khổng lồ

Trong tài liệu về các công trình thủy điện ở Vân Nam, hãng Tân Hoa xã Trung Quốc cho biết, tỉnh Vân Nam đã có kế hoạch xây dựng 14 đập thủy điện “bậc thềm” trên sông Lan Thương (tên gọi khác của sông Mekong trong lãnh thổ Trung Quốc) đến năm 2030. Trong đó, các đập đầu tiên đang xây dựng gồm: Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Nọa Trát Độ, Cảnh Hồng, Can Lãm Bạt, và Mãnh Tùng. Tính đến đầu năm 2010, đã có 3 con đập thủy điện ở Trung Quốc là Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng đi vào hoạt động; 2 con đập rất lớn khác đang thi công là Tiểu Loan và Nọa Trát Độ dự kiến hoàn tất vào năm 2012 và 2017.

Đập Tiểu Loan cao 292m, gần bằng tháp Eiffel của Pháp, công suất dự kiến 4.200 Megawatt (MW), hơn gấp 3 lần công suất của ba đập nước đang vận hành. Điều đáng lo ngại hơn cả là dung lượng cực lớn trong hồ chứa nước của con đập Tiểu Loan, lên đến 15 tỷ m³, gấp 5 lần tổng dung lượng của 3 con đập đã hoàn thành trước đó cộng lại. Đập này đã bắt đầu lấy nước vào hồ chứa và cho chạy tổ máy phát điện đầu tiên vào tháng 9-2009.

Một con đập khác cũng đang được Bắc Kinh ráo riết thi công là đập Nọa Trát Độ, với hồ chứa lên tới gần 23 tỷ m³, kinh phí khoảng 2,4 tỷ USD, có công suất lên đến 5.500 MW. Theo kế hoạch, con đập này sẽ hoàn thành vào năm 2014. 3 con đập đang hoạt động gồm Mạn Loan dung tích 250 triệu m³ nước, cao khoảng 130m, kinh phí 516 triệu USD, công suất 1.500 MW; Đại Triều Sơn dung tích 370 triệu m³ nước, tốn khoảng 810 triệu USD, công suất 1.350 MW; Cảnh Hồng kinh phí 1 tỷ USD, dung tích 250 triệu m³ nước, công suất 1.500 MW.

Gần đây, chính phủ các nước Lào, Thái Lan và Campuchia cũng tính tới việc nghiên cứu tính khả thi của ít nhất 11 dự án xây đập trên dòng chính của sông Mekong ở lưu vực dưới. Đó là những đập thủy điện Pakbeng, Luangprabang, Sayabouli, Paklay, Sanakham, Latsua và Donasehong ở Lào; Ban Koum và Pakchom dọc biên giới Lào-Thái và Strung Treng, Sambor tại Campuchia.

Trước mắt, Campuchia đang xúc tiến việc xây dựng đập thủy điện Sambor, trên dòng chính sông Mekong tại tỉnh Kratie miền Trung. Campuchia và một công ty Trung Quốc là China Southern Power Grid Co. đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu tính khả thi của 2 công trình. Thứ nhất là đập thủy điện có công suất 2.600 MW chắn hết lòng sông. Đây là biến thể của kế hoạch nguyên thủy được Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong đề nghị từ năm 1994, có công suất 3.300MW mà công trình cũng chắn ngang cả lòng sông. Đập thủy điện này có hồ chứa dự kiến chiếm đến 880km², cần di dời chỗ ở của trên 5.000 người vào thời điểm ấy. Thứ 2 là đập nhỏ hơn, chỉ chắn một phần lòng sông với hồ chứa khoảng 6km², công suất 465MW.

Đánh giá và nhận định của các nhà khoa học

Phản ứng trước việc xây hàng loạt đập nước trên sông Mekong bất chấp hậu quả tai hại cho con người và thiên nhiên, 45 nhà trí thức Trung Quốc đã gửi đơn yêu cầu ngừng xây các đập thủy điện trên thượng nguồn dòng Mekong. Trong bản đánh giá các yếu tố bất lợi tới môi trường và sông Lan Thương khi xây dựng đập Tiểu Loan, chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng thừa nhận, việc xây đập sẽ gây ra nhiều tác hại như hồ chứa nước chiếm diện tích lớn làm mất đất nông nghiệp, mất 136 km đường giao thông, 7 cây cầu lớn nhỏ ảnh hưởng tới đời sống của hàng trăm ngàn người. Bên cạnh đó, đa dạng sinh thái cũng bị tác hại nặng nề, 172 loài chim, thú trong đó có nhiều loài quý hiếm mất môi trường sống; nhiều di tích văn hóa cổ cũng mai một theo. Việc xây đập còn phát sinh các yếu tố gây động đất từ 5 – 8 độ richter…

Dĩ nhiên Chính phủ Trung Quốc đã một mực bênh vực cho các con đập của họ, cho rằng các công trình này sẽ ảnh hưởng tích cực đến môi trường khu vực. Chẳng hạn, các hồ chứa sẽ giúp điều hòa mực nước sông Mekong, giảm được lượng nước chảy vào mùa mưa, giúp các nước phía hạ lưu không bị lụt, giúp cho bờ sông không bị xói mòn. Còn trong mùa khô, nước xả ra từ các đập thủy điện sẽ giúp các quốc gia hạ lưu không bị khô hạn.

Đập Tiểu Loan nhìn từ trên cao.

Đập Tiểu Loan nhìn từ trên cao.

Giáo sư Australia Milton Osborne, đã có một bài viết mang tựa đề: Sông Mekong bị đe dọa, đăng trên mạng Japan Focus, ngày 11-1-2010. Bài viết có đoạn: “Vốn đã phải gánh chịu hậu quả từ các đập chắn do Trung Quốc dựng lên trên thượng nguồn, dòng Mekong còn có nguy cơ bị tác hại thêm nếu Lào và Campuchia xúc tiến các công trình xây dựng 2 đập thủy điện mới dưới hạ nguồn. Cộng thêm với ảnh hưởng đã được dự báo của hiện tượng biến đổi khí hậu, con sông lớn nhất Đông Nam Á đang chết dần”. Theo thẩm định của Giáo sư M.Osborne, hệ thống các con đập bậc thềm của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong sẽ gây những hậu quả:

- Thủy lưu dòng sông sẽ bị thay đổi khiến cho mùa nước lũ hàng năm không còn đến đúng vào thời điểm như trước, ảnh hưởng xấu đến tập quán sinh sản và di cư của các loài tôm cá.

- 50% lượng phù sa của sông Mekong đổ xuống vùng đồng bằng ở hạ lưu bị chặn lại, gây tác hại khủng khiếp tới ngành sản xuất nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hơn nữa phù sa cũng tác động đến sự di cư của loài cá. Hầu hết các biện pháp dự trù để giúp cho cá vượt qua đập chắn như làm bậc thang, làm giỏ kéo lên hay đào kênh thay thế, đều không thích hợp đối với chủng loại cá sinh trưởng trong dòng Mekong.

- Hiện tượng nước biển dâng lên, nhất là khi những vùng lớn của ĐBSCL tại Việt Nam bị ngập lụt. Đến nay, chưa ai có thể xác định rõ là mối đe dọa do nước biển dâng sẽ tác động như thế nào đến các yếu tố khác bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, như sự kiện mưa lũ ngày càng nhiều gây ra ngập lụt trong mùa mưa chẳng hạn. Thế nhưng, các công trình nghiên cứu đang cho thấy khả năng lượng mưa gia tăng, khiến cho lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều trong tương lai, có thể là từ nay đến năm 2030.

Cảnh báo mối đe dọa từ thượng nguồn

Vào tháng 5-2009, một công trình nghiên cứu hỗn hợp giữa Cơ quan Bảo vệ môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện Công nghệ học châu Á (AIT) đã công khai cảnh cáo rằng, kế hoạch xây dựng các con đập trên thượng nguồn sông Mekong có thể trở thành một “mối đe dọa đáng kể” cho dòng sông và nguồn tài nguyên thiên nhiên đến từ con sông, đặc biệt là nguy cơ đối với Việt Nam và Campuchia.

Đối với Campuchia, mực nước sông Mekong bị giảm sẽ đe dọa đến Biển Hồ, vựa cá của toàn vùng, khiến cho kế sinh nhai của hàng triệu ngư dân bên dòng Mekong bị tổn hại. Mặc dù trên thượng nguồn chỉ có khoảng 25% tổng lưu lượng nước sông, nhưng đập Tiểu Loan rất lớn sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng dưới hạ lưu. Thay đổi về lưu lượng nước, tất nhiên tác động đến sự sinh sản của các loài cá thường sinh sản ở Biển Hồ vào mùa nước lũ và bơi ngược lên thượng nguồn ở Lào… Hơn nữa, hồ chứa của các con đập thủy điện sẽ giữ lại rất nhiều phù sa của con sông nên sẽ ảnh hưởng đến hạ lưu, đặc biệt là giảm hẳn lượng phù sa nuôi dưỡng cây lúa ở vùng ĐBSCL.

Với những cảnh báo nêu trên, ông Kol Vattana, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia sông Mekong của Campuchia nói rằng, Ủy ban sông Mekong của cả 4 nước trong khu vực, bao gồm Campuchia, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Trung Quốc đã nhất trí phải có sự đánh giá lại về những tác hại của các công trình thủy điện đối với môi trường.

Việt Anh - Thanh Hằng - Xuân Hạnh
(Tổng hợp từ Japan Focus, THX, Mekonggroup.net, Savethe Mekong.org)

Tin cùng chuyên mục