Lật lại vụ án “Con trai giết mẹ ở Vĩnh Long” - Kịch bản nào là đúng?

Hành trình đi tìm công lý 
Lật lại vụ án “Con trai giết mẹ ở Vĩnh Long” - Kịch bản nào là đúng?

Vụ án nói trên gây hoang mang trong dư luận và khiến tan nát một gia đình đang sống bình yên. 3 đứa trẻ, Huỳnh Thị Huyền Trâm (sinh viên Đại học Dân lập Cửu Long), Huỳnh Thị Ngọc Trâm và Huỳnh Lê Đạt là học sinh tại địa phương đã phải rất can đảm để nuốt ngược nước mắt vào trong, bước qua sự đố kỵ, khinh khi, xa lánh của bạn bè, xóm làng tiếp tục việc học. Chúng tôi đã đến ấp Tân Hòa xã Tân Hạnh huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu và thấy những điều cần nói lại trong vụ án này.

Diễn tiến vụ án

Ngày 9-2-2007, nhằm ngày 20 tháng chạp âm lịch, nghe tin báo có người chết trôi trên sông Lăng, hình dạng có vẻ giống bà Dương Thị Tám (sinh 1931) anh Huỳnh Văn Quyên đã ra sông xem sự thể thế nào. Khi lật ngửa cái xác thì anh Quyên nhận ra đó là mẹ mình (bà Tám đã bỏ nhà đi đâu mất từ ngày 7-2-2007).

Hai bị cáo Quyên và Tám trong phiên tòa xét xử phúc thẩm tại TPHCM. Ảnh: A.C.

Hai bị cáo Quyên và Tám trong phiên tòa xét xử phúc thẩm tại TPHCM. Ảnh: A.C.

Ngày 5-3, Trần Thị Ngọc Yến, nhân chứng, khai - lúc 1 giờ sáng ngày 7-2-2007, khi sang vườn nhà Quyên hái trộm hai trái bưởi để ăn trị bệnh đã nhìn thấy Quyên bưng “vật gì đó” xuống xuồng cột dưới mé sông trước nhà Quyên. Sau đó ít ngày, cũng tại CQĐT Yến đã cho lời khai lại, khác xa với lời khai ban đầu. Yến khai đã nhìn thấy Quyên và vợ khiêng “vật gì đó dài, nặng và mềm được bọc kín đi xuống con xuồng đậu cặp mé sông trước nhà Quyên”.

Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà vì sao công an Vĩnh Long lại dễ dàng chấp nhận việc thay đổi lời khai (mà khai khác gần như hoàn toàn với lời khai ban đầu) của Yến một cách đơn giản thế? Yến khai đã hái trộm 2 trái bưởi đêm khuya ấy trong khi vật chứng là 2 trái bưởi không thu được; không một ai nhìn thấy Yến đêm ấy, không ai nhìn thấy 2 trái bưởi ấy, vậy đêm ấy Yến có đi hái trộm bưởi để chữa bệnh thật không? Miếng gì bọc kín “vật dài, nặng và mềm”(tạm coi đó là vải) đó vì sao CQĐT không thu giữ để chứng minh lời Yến khai là thật.

Sau khi điều tra, với các lời tự thú tội, tự khai của Quyên và Tám; CQĐTVL đã có kết luận vụ án: Quyên do tức giận vì mẹ cằn nhằn hoài đã đến giường bóp cổ bà Tám đến chết với sự giúp sức của Lê Thị Tám (vợ Quyên).

Sau khi khiêng xác bà Tám ra để ở nhà tắm phía sau nhà. Cả hai đi ra sau nhà bưng xuồng từ dưới mương lên bờ và lấy thân cây chuối để làm con lăn đẩy xuồng từ phía vườn sau nhà, cặp theo hông, băng qua đường trước nhà để đưa xuồng xuống sông. Rồi cả hai trở lên nhà trên khiêng xác bà Tám xuống xuồng.

Để xác bà Tám dưới xuồng xong rồi cả Quyên và Tám trở lên nhà lượm gạch và bê tông bể ở sân nhà bỏ vào bao đựng thức ăn gia súc, và sợi dây gân rồi bị cáo Tám xuống xuồng cột vào bụng bà Tám. Cả hai chèo xuồng đi ra sông Tân Hạnh cách nhà hơn 100m rồi bỏ xác xuống sông.

Dù lời khai của hai bị cáo không trùng khớp với lời khai của nhân chứng thế nhưng cơ quan điều tra Vĩnh Long đã dùng lời tự nhận tội của hai bị cáo Quyên và Tám để tiến hành thực nghiệm điều tra làm cơ sở buộc hai bị cáo Quyên và Tám can tội “giết người”.

Vụ án này đã 3 lần được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Vĩnh Long thì đã có 2 lần phải hoãn (ngày 2-1-2008 và 3-2-2008) do luật sư bào chữa cho hai bị cáo Huỳnh Văn Quyên và Lê Thị Tám không đồng tình với kết luận điều tra, chứng cứ, tang vật thu thập không đầy đủ, không khách quan, có dấu hiệu vi phạm tố tụng và một lần do luật sư không có mặt vì bệnh đột xuất.

Ngày 25-9-2007, TAND tỉnh Vĩnh Long đã xét xử công khai vụ án “giết người” với hai bị cáo Huỳnh Văn Quyên và Lê Thị Tám với nhân chứng Trần Thị Ngọc Yến theo kết luận điều tra đã nói trên.

Nguyên nhân và lý lẽ

Việc CQĐT Vĩnh Long dùng lời nhận tội của hai bị cáo làm cơ sở chứng cứ duy nhất để buộc tội là vi phạm điều điều 72 của Bộ luật Tố tụng hình sự. CQĐT Vĩnh Long và HĐXX sơ thẩm đã bỏ qua kết luận giám định pháp y về nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân Tám. Kết luận giám định pháp y của Tổ chức Giám định pháp y Vĩnh Long viết: Mở đường khí quản xuống khí phế quản thấy một ít bợn bùn đất và dịch màu hồng. Vùng đầu và toàn thân bên ngoài không phát hiện dấu vết tổn thương. Và kết luận nguyên nhân tử vong là: Ngạt nước, suy hô hấp, trụy tim mạch.

Trong các vụ án có người chết, kết luận pháp y không chỉ là những con chữ vô cảm được ghi chép từ việc khám, xét những xác chết vô hồn, lạnh lẽo mà đó chính là sự ghi chép công minh lại điều người chết muốn nói của các bác sĩ pháp y.

Theo tính toán của chúng tôi, thời gian chết lâm sáng của bà Tám (từ khi bị bóp cổ chết đến khi bị bỏ xuống sông) khoảng 52 phút. Theo lý lẽ của một số bác sĩ mà chúng tôi tham vấn đã giải thích: khi mổ tử thi, mở khí phế quản mà trong đó có bùn đất chứng tỏ rằng nạn nhân vẫn còn hít thở được ở khu vực gần đáy sông trước khi chết và kết luận chết do ngạt nước như kết luận giám định pháp y là có cơ sở nhất.

Vậy hai bị cáo Quyên và Tám có thật sự giết bà Tám?

Tại phiên xét xử sơ thẩm, hai bị cáo Huỳnh Văn Quyên và Lê Thị Tám liên tục kêu oan. Cả hai bị cáo cho rằng cáo trạng đã truy tố hai bị cáo tội giết người là oan, sai. Các bị cáo khai tại tòa những bản tự khai, tự thú, tường trình nhận tội có hành vi giết mẹ là do điều tra viên ép buộc khai và viết ra, nếu không viết bị đánh đập. Nhưng KSV giữ quyền công tố tại tòa vẫn kết luận rằng hai bị cáo Quyên và Tám can tội “giết người” và đề nghị tử hình bị cáo Huỳnh Văn Quyên, đề nghị mức án 12-14 năm tù đối với bị cáo Lê Thị Tám.

Cuối cùng, HĐXX sơ thẩm tại Vĩnh Long đã tuyên: bị cáo Huỳnh Văn Quyên (Út Quyển) tù chung thân và Lê Thị Tám bị 13 năm tù về tội “giết người” (bản án hình sự sơ thẩm số 56/2008).

Theo một số tài liệu gia đình cung cấp, chúng tôi đã có thể xác định bằng mắt thường chữ viết trong bản viết hướng dẫn bị cáo Tám khai giết người thế nào, lấy đá ra sao... có cùng mẫu chữ của một cán bộ điều tra của công an Vĩnh Long. Khi thu bản tự khai của Tám, cán bộ điều tra đã “quên” thu lại bản giấy hướng cung kia và tờ giấy ấy được bị cáo Tám chuyển cho luật sư mang ra ngoài.

Còn Quyên, trước tòa bị cáo khai: cán bộ điều tra mở băng ghi hình, ghi lời khai của bị cáo Tám cho Quyên xem và hướng cho Quyên viết lời tự thú tội giống như bị cáo Tám đã khai. Việc ghi hình, tiếng của bị cáo Lê Thị Tám mà cán bộ điều tra đã không phát lại cho Tám xem lại trước khi dùng đó để dụ cung Huỳnh Văn Quyên là việc làm vi phạm điều 132 (Bộ LTTHS)?

Cũng theo Luật TTHS, các vụ án nghiêm trọng phải có luật sư tham gia từ đầu các buổi lấy cung, nhưng trong vụ án này thì không và CQĐT đã vi phạm điều 72 Bộ LTTHS.

Phạm Thục - Huy Phong


Vẫn tin vào công lý

Vụ án “giết người” nhiều điều tiếng ở Vĩnh Long đã được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM tiến hành xét xử ngày 3-3-2010. Với các chứng cứ có tại hồ sơ và qua thẩm vấn tại tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Vinh, chủ tọa HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 56/2008 của TAND tỉnh Vĩnh Long để điều tra lại theo thủ tục chung. Như thế là vụ án có “nhiều kịch bản” đã quay về vạch xuất phát. Rất nhiều vật chứng đã bị hủy, thời gian xảy ra án đã hơn 3 năm, để có kết luận thuyết phục cho vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải điều tra lại từ đâu?

Hành trình đi tìm công lý 

Phiên xét xử phúc thẩm đã diễn ra trong 5 giờ đồng hồ làm việc căng thẳng và nhiều nước mắt. Những đứa trẻ khốn khổ con của hai bị cáo ngồi từ xa đã chắp tay lâm râm cầu xin HĐXX phúc thẩm: “Xin hãy cứu cha mẹ con. Xin cứu giúp tụi con để được sống thanh thản không bị xã hội ruồng rẫy, khinh bỉ, xa lánh”. “Chúng tôi không giết mẹ. Ra tòa là cơ hội để chúng tôi nói hết sự thật, xin HĐXX phúc thẩm xem xét giải oan cho chúng tôi…”, hai vợ chồng bị cáo Quyên và Tám tha thiết khẩn cầu.

Gốc bưởi - vị trí nhân chứng Yến đứng khi nhìn Quyên và Tám khiêng vật nặng ra bờ sông. Ảnh: HUY PHONG

Gốc bưởi - vị trí nhân chứng Yến đứng khi nhìn Quyên và Tám khiêng vật nặng ra bờ sông. Ảnh: HUY PHONG

Giống như lần xét xử trước, tại phiên xử phúc thẩm, vợ chồng Quyên - Tám vẫn một mực kêu oan, cho rằng những tờ khai nhận tội giết mẹ trong hồ sơ vụ án là do bị các điều tra viên ép cung, mớm cung, dụ cung. Không chỉ hai bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm mà các anh chị ruột của bị cáo Quyên cũng kháng cáo kêu oan cho em mình. Họ cho rằng mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình hàng ngày giữa người già với con cháu không thể là nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng Quyên phải giết mẹ. Tại phiên xử phúc thẩm, sau khi xem xét hồ sơ, nghe các bị cáo, nhân chứng trả lời thẩm vấn công khai và nghe lý lẽ của các luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Quyên và Tám, HĐXX phúc thẩm nhận định như sau:

Động cơ giết bà Tám của Quyên do bà Tám muốn bán đất chia cho con gái là không căn cứ bởi tất cả anh chị em của bị cáo Quyên đều xác nhận không có mâu thuẫn gì với Quyên về việc bán đất. Việc thực nghiệm điều tra về khả năng bà Tám có thể tự đi đến nơi xác đã nổi lên không đã cho hai kết quả khác nhau nhưng CQĐT chỉ chọn một kết quả là: bà Tám không thể tự mang bao gạch đi đến nơi phát hiện xác bà nổi lên là kết luận không chính xác.

CQĐT Vĩnh Long trong tiến trình thực hiện tố tụng đã vi phạm điều 57, 58 Bộ luật Tố tụng hình sự vì khi lấy lời khai hai bị cáo không mời luật sư tham gia ngay từ giai đoạn ban đầu, trong khi đây là vụ án nghiêm trọng. Một vi phạm tố tụng khác đó là: ngày 6-3-2007, hai biên bản lấy lời khai nhân chứng Yến được thực hiện trùng giờ nhưng lại diễn ra tại hai nơi khác nhau (ở vườn nhà Quyên và tại CQĐT) và đều do một mình điều tra viên Lê Quốc Dũng mà CQĐT Vĩnh Long giải thích là do nhầm lẫn thời gian là thiếu thuyết phục.

Việc thu giữ các vật chứng của CQĐT đã không đảm bảo quy định tại Điều 75 (Bộ LTTHS). Thậm chí bị cáo đã không mô tả được vật chứng trước khi họ được cho nhận dạng là CQĐT đã vi phạm Điều 139 (Bộ LTTHS). CQĐT khi ghi âm lời khai của bị cáo Tám mà không được phát lại cho bị cáo Tám nghe, trong khi bị cáo Tám cho rằng: đã bị ép cung, khai theo hướng dẫn của cán bộ điều tra và băng ghi âm không được ghi liên tục, dừng để quay lại nhiều lần là đã vi phạm Điều 132 (Bộ LTTHS). 

HĐXX phúc thẩm cũng đề nghị làm rõ lời khai nhiều mâu thuẫn của nhân chứng Yến: Ban đầu nhân chứng Yến khai chỉ thấy một mình Quyên bưng “vật dài, nặng” xuống xuồng, sau đó lại khai có Tám cùng khiêng và trong hồ sơ vụ án, những người nghe Yến kể đã thấy Quyên khiêng “vật gì đó” đều là chị em ruột và chồng của nhân chứng Yến.

HĐXX phúc thẩm nhận định trong hồ sơ vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa điều tra làm rõ, chưa thực nghiệm hiện trường một cách khách quan; chưa làm rõ thời gian phạm tội, các chứng cứ buộc tội… KSV Lê Thị Kim Liên, đại diện VKSND tối cao, giữ quyền công tố và xét xử phúc thẩm đã đề nghị: không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Vĩnh Long (đề nghị phúc xử bị cáo Quyên từ chung thân lên tử hình), cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án theo thủ tục chung.

Điều tra lại từ đâu? 

Ngoài những mâu thuẫn, sai lệch đến khó hiểu của nhiều lời khai vẫn được chấp nhận đưa vào hồ sơ vụ án thì các vật chứng mà CQĐT thu giữ trong hồ sơ cũng có nhiều điều mâu thuẫn. Biên bản thu mẫu gạch của CQĐT ghi người chứng kiến là ông Bùi Tấn An (trong biên bản không ghi địa chỉ ông An, không có chữ ký ông An mà chỉ có chữ ký của điều tra viên?). Lại nữa, trong biên bản thu giữ vật chứng ngày 22-2 thì sợi dây gân được cột một đầu vào bao gạch, đầu còn lại cột vào khúc củi mục (?!), trong khi bị cáo Quyên ký biên bản xác nhận đồ vật ngày 6-3 là một đầu sợi dây cột bao gạch và đầu còn lại cột vào xác mẹ mình. Như vậy liệu vật chứng dùng làm cơ sở truy xét án có chính xác?

Ngoài cái xuồng thì tất cả vật chứng khác của vụ án đã được HĐXX sơ thẩm tại Vĩnh Long đã cho tiêu hủy (bản án HSST 56/2008). Như vậy, liệu các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm có thể tiến hành điều tra lại từ đầu hay điều tra lại được không khi nhiều nguồn chứng cứ mà CQĐT sử dụng để buộc tội hai bị cáo đã không còn.

Trong cơn mưa sụt sùi, Huyền Trâm, con gái lớn bị cáo Quyên và Tám chở tôi về lại căn nhà ngày xưa họ từng có những tháng ngày sống hạnh phúc, bây giờ sân nhà đầy rong rêu, vườn tược đầy cỏ dại và trong nhà da rắn lột vương đầy những góc giường, lạnh lẽo. Huyền Trâm bộc bạch: “Để đảm bảo tính khách quan, gia đình cháu ước mong vụ án này được chuyển cho Bộ Công an điều tra lại”.

Cô bé kể với tôi rằng đã tốt nghiệp đại học và đang tìm việc làm để phụ chú, bác nuôi các em ăn học. “Các em con sẽ học hành tốt để chờ ba mẹ về sửa lại nhà…”. Chia tay tôi ở ngã ba lộ lớn, Huyền Trâm bày tỏ rằng gia đình cô tin tưởng vào sự công minh của pháp luật trong vụ án này. “Gia đình con vẫn chờ một ngày mới sẽ đến…”. Ông Huỳnh Văn Hoặc, anh lớn của bị cáo Quyên, nơi nương tựa tinh thần cho các chị em Quyên trong những tháng ngày đen tối vừa qua đã cùng Trâm tiễn chúng tôi bằng nụ cười và tin tưởng công lý sẽ đến với họ.

***

Huỳnh Thị Huyền Trâm vừa điện thoại báo cho chúng tôi biết: Hai bị cáo Huỳnh Văn Quyên và Lê Thị Tám đã được Bộ Công an chuyển từ trại tạm giam Vĩnh Long sang trại tạm giam của Bộ Công an quản lý tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Vụ án đang có những động thái mới, tích cực hơn. Quả là tín hiệu đáng mừng.

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục