Gia tăng tội phạm buôn bán người - Bài 2: Nâng cao nhận thức để phòng tránh

Bộ Công an vừa cho biết đã xác định được 54 tuyến trọng điểm về buôn bán người qua biên giới, đồng thời cũng đặt nghi vấn đối với khoảng gần 4.000 đối tượng có thể liên quan tới các vụ việc buôn bán người.
Gia tăng tội phạm buôn bán người - Bài 2: Nâng cao nhận thức để phòng tránh

Bộ Công an vừa cho biết đã xác định được 54 tuyến trọng điểm về buôn bán người qua biên giới, đồng thời cũng đặt nghi vấn đối với khoảng gần 4.000 đối tượng có thể liên quan tới các vụ việc buôn bán người.  

Những cô gái bị đối tượng xấu dụ dỗ, lừa gạt, ép làm gái mại dâm được cơ quan chức năng giải cứu.

Những cô gái bị đối tượng xấu dụ dỗ, lừa gạt, ép làm gái mại dâm được cơ quan chức năng giải cứu.

Hàng trăm nạn nhân bị bán

Bộ Công an thừa nhận, nạn dụ dỗ, lừa gạt và buôn bán người qua biên giới đang gia tăng mạnh trở lại. Số liệu thống kê sơ bộ trong năm 2010, cả nước đã xảy ra 429 vụ với 671 nạn nhân thì chỉ trong 11 tháng của năm 2012 đã xảy 475 vụ với 782 nạn nhân. Để ngăn chặn nạn buôn bán người, Chính phủ đã đưa ra Chương trình 130/CP giai đoạn 2011-2015. Nhưng theo đại tá Lê Văn Chương, Phó chánh Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an, hiện nay số vụ buôn bán người lại tăng lên 1,5 lần so với giai đoạn trước khi có Chương trình 130/CP, còn tính theo số nạn nhân bị lừa gạt, mua bán thì tăng lên tới 3 lần. 

“Cửa ngõ” để các đối tượng tội phạm đưa người vượt qua biên giới mua bán hiện nay là tỉnh Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh). Theo đại tá Lương Văn Phún, Trưởng phòng Điều tra phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, chỉ riêng trên địa bàn Lạng Sơn hiện đã có tới 5 huyện là những “cửa ngõ” mà các đối tượng tội phạm thường tìm cách đưa người sang bên kia biên giới bán. Địa bàn trải rộng như vậy nên cuộc chiến với tội phạm buôn bán người thực sự chông gai, khó lường. Đáng lo là hiện nay trên địa bàn Lạng Sơn đã thống kê có tới 1.133 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Vì lợi nhuận, nhiều người trong số đó thường lợi dụng về thăm quê, thăm người thân để rủ rê, lừa gạt trẻ em và phụ nữ ở trong nước đưa ra nước ngoài bán. “Gần đây, các đối tượng còn sử dụng các thủ đoạn như lợi dụng đồng bào dân tộc vùng cao, mua bán người dưới nhiều hình thức tinh vi như cho nhận làm con nuôi, kết hôn với người nước ngoài”- ông Phún nói.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp giải cứu nhiều nạn nhân của các vụ buôn bán người, song cũng có nhiều vụ giải cứu là do nạn nhân tự chạy trốn khỏi ổ chứa mại dâm, khỏi nơi làm việc rồi liên hệ với cơ quan chức năng. “Có vụ, chúng tôi giải cứu và tiếp nhận một lúc 17 cô gái bị bán vào nhà chứa. Trong đó, có những vụ khi chạy thoát được, các cô chỉ còn độc bộ quần áo rách nát trên người. Có cô kể rằng, có ngày phải tiếp 40-50 lần khách, người không ra người. Có cô tuổi đời rất trẻ, sinh năm 1995-1996. Có cô gái đã được giải thoát, đưa trở về Việt Nam mà vẫn không hề biết mình bị người yêu lừa bán”.

Quan trọng vẫn là nhận thức

Theo cơ quan điều tra, thủ đoạn phổ biến nhất của bọn tội phạm buôn bán người là lợi dụng lòng tin của những phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo, có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm… Táo tợn hơn là gần đây còn xuất hiện cả tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai của các gia đình éo le để đưa ra nước ngoài bán. Nguyên nhân là do lợi nhuận mang lại từ việc buôn bán người quá lớn, chỉ đứng thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí, nên các đối tượng không từ thủ đoạn nào để phạm tội. Nguy hiểm hơn, ở một số nơi thuộc vùng cao, lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, một số đối tượng người Việt cấu kết với người Trung Quốc tổ chức thành từng toán đột nhập vào nhà dân, giết người thân, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em. Tại địa bàn tỉnh Hà Giang, từ năm 2007 đến nay phát hiện 76 vụ, chiếm đoạt 102 nạn nhân, làm chết 7 người, bị thương 3 người. Thậm chí còn xuất hiện cả đường dây buôn bán nội tạng người.

Theo đại tá Lê Văn Chương, hiện cơ quan điều tra đã xác định được 54 tuyến, địa bàn trọng điểm thường xảy ra nạn mua bán người. Ở tuyến biên giới Việt-Trung, địa bàn chủ yếu là ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang. Đây cũng là khu vực “nóng” nhất cả nước, chiếm tới 65% tổng số vụ buôn bán người. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, chủ yếu là ở Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang (chiếm 10%). Còn tuyến biên giới Việt - Lào, chủ yếu là ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị (chiếm 6,3%).

Không chỉ vậy, gần đây trên tuyến hàng không cũng rất nóng bỏng, các nạn nhân thường bị đưa sang các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Công, Đài Loan, xa hơn là tới châu Âu, châu Mỹ, Australia và cả Angola. Cơ quan điều tra khẳng định, hiện trên cả nước đang có khoảng gần 4.000 đối tượng đang bị nghi vấn nằm trong các đường dây lừa gạt, buôn bán người, cần có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ.

“Buôn bán người bị cả thế giới lên án quyết liệt. Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề bức xúc đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ đã chi 270 tỷ đồng để thực hiện Chương trình 130/CP về chống buôn bán người giai đoạn từ nay đến năm 2015”- đại tá Lê Văn Chương cho biết. Theo ông Chương, để giảm thiểu số nạn nhân bị các đối tượng dụ dỗ, buôn bán tiến tới ngăn chặn, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh ngăn chặn, tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, triệt phá các đường dây thì giải pháp quan trọng vẫn là phải nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là lớp trẻ về các nguy cơ có thể bị lợi dụng, dẫn tới buôn bán người qua biên giới. Các bậc phụ huynh, cha mẹ cũng nên có sự giám sát, quản lý con cái tốt hơn để tránh rơi vào các trường hợp đáng tiếc.

>>Gia tăng tội phạm buôn bán người - Bài 1: Nỗi đau từ sự nhẹ dạ, cả tin

Phạm Thục

Tin cùng chuyên mục