Thụy Điển, tuyết và báo - Bài 3: Báo chí 3.0

Bạn đọc + Nhà báo = Báo chí 3.0
Thụy Điển, tuyết và báo - Bài 3: Báo chí 3.0

Đối thủ cạnh tranh của báo chí ngày nay không chỉ đơn thuần giữa báo với báo, mà là với Google, với các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các công ty truyền thông khác. Phải hành động để tất cả các loại hình báo chí tồn tại cùng nhau như một hệ sinh thái, ở đó bạn đọc là trung tâm.

                                                    Tòa soạn đa phương tiện

Giờ đây, số lượng phát hành không còn thể hiện đẳng cấp của các tờ báo nữa, nó đã được “nâng lên tầm cao mới”, đó là số người dân mà họ tiếp cận được - tức số lượng công chúng, nói theo cách của báo chí Thụy Điển.

Như vậy, hiện nay, Aftonbladet có 2,5 triệu công chúng (bạn đọc mua báo in và bạn đọc truy cập báo online); báo Expressen có 2,25 triệu công chúng; báo Dagens Nyheter có 1,8 triệu công chúng... Ở một đất nước chỉ có 9 triệu dân như Thụy Điển thì những con số này là cực lớn.

Senska Dagbladet (SvD) là một tờ báo chính thống buổi sáng có vị trí hàng đầu ở Thụy Điển. SvD có cùng 'mẹ" với Aftonbladet, là tập đoàn báo chí Shibsted. Năm 2008, tình hình thật ảm đạm, SvD đứng trên bờ vực phá sản. SvD đã đứng dậy bằng cách nào? Họ đã thay đổi, bằng cách chuyển từ một tòa soạn báo giấy truyền thống sang tòa soạn tích hợp đa phương tiện.

SvD tổ chức lại tòa soạn trong một không gian mở với đầy đủ các phòng, ban, bộ phận liên quan trực tiếp đến quy trình xuất bản cả báo online lẫn báo giấy. Bàn làm việc của người làm báo in được kê ngay bên cạnh người làm báo mạng (mô hình SuperDesk). Hầu hết lãnh đạo cấp cao của báo đều ngồi làm việc trong không gian mở này. Không gian mở giúp mọi người trao đổi công việc, ý tưởng với nhau nhiều hơn.

Ban biên tập buộc tất cả phóng viên trước khi viết cho báo giấy phải viết cho báo online. Báo online liên tục cập nhật và bổ sung nội dung cho tin-bài đó. Tổng thư ký tòa soạn trực tiếp điều hành tất cả các khâu liên quan đến xuất bản báo online lẫn báo giấy một cách nhanh chóng, nhịp nhàng. Nhờ vậy, tăng cường được sự phối hợp giữa báo in và báo online, giữa các tin nhanh, tin giật gân và các bài viết chuyên sâu.

Mô hình tòa soạn đa phương tiện của SvD đã thành công rực rỡ. Hiện nay hầu hết các tòa sọan báo ở Thụy Điển đều sử dụng mô hình này. Hàng tháng SvD đón tiếp hàng loạt lãnh đạo các cơ quan báo chí trên khắp thế giới đến học hỏi kinh nghiệm. SvD nay đã giành lại ngôi vị tờ báo chính thống lớn nhất Thụy Điển.

                                                        Spotify

Ở Thụy Điển, Đài Truyền hình Thụy Điển - Sveriges Television, Đài Phát thanh Thụy Điển - Sveriges Radio, và Đài Phát thanh truyền hình giáo dục - Ut bildningsradion có vị trí vững mạnh trong dân chúng.

Đoàn nhà báo Việt Nam tham quan Đài Truyền hình Thụy Điển tháng 12-2012
Đoàn nhà báo Việt Nam tham quan Đài Truyền hình Thụy Điển tháng 12-2012
 

Mặc dù chuyện doanh thu không là vấn đề sống còn như ở nhóm báo in (ở Thụy Điển, các hộ gia đình phải trả tiền xem TV và nghe đài hàng năm. Quốc hội quyết định phân bổ nguồn doanh thu từ khoản thu phí này cho các đài công), nhưng các đài Thụy Điển cũng luôn tự thay đổi, tự đổi mới mình.

Câu chuyện ở Đài Phát thanh Thụy Điển (SR) là một ví dụ. Nhiều năm liền, SR được bình chọn là cơ quan báo chí uy tín nhất Thụy Điển. SR cũng được xem là cơ quan báo chí - truyền thông phân quyền nhiều nhất tại Thụy Điển. Ngoài đài “mẹ” nằm ở Stockholm, SR còn có 25 đài “con” nằm ở 25 địa phương. Hiện SR có 4 triệu thính giả nghe đài hàng ngày và 7 triệu thính giả nghe hàng tuần. Thế nhưng, những năm gần đây, SR cũng có nỗi lo riêng: thính giả ngày càng già đi, lớp trẻ thì thờ ơ với các chương trình phát thanh.

Nhà báo Mats Akerlund, Giám đốc kênh P3 - kênh dành cho giới trẻ, kiêm phụ trách chiến lược số của Đài Phát thanh Thụy Điển, kể: Năm 2009, lãnh đạo SR yêu cầu kênh P3 - một trong 4 kênh của SR - phải tìm cho ra chiến lược tốt nhằm thu hút mạnh mẽ giới trẻ nghe đài. Sau nhiều ngày tranh luận nảy lửa, 6 mục tiêu hành động được nhóm phụ trách kênh P3 thiết lập. Đó là: 1/ Phát triển mạnh kho nhạc số; 2/ Các chương trình phải vui hơn (không vui thì giới trẻ không nghe); 3/ Tăng cường nội dung các vấn đề về giới tính; 4/ Phải có thật nhiều câu chuyện bổ ích để bạn trẻ học hỏi; 5/ Phải là người đầu tiên nói về các xu hướng; 6/ Phải có mặt ở mọi nơi mà công chúng có ở đó.

Lãnh đạo đài phát thanh Thụy Điển đặt tại thị trấn Upssala giới thiệu các hoạt động của Đài.
Lãnh đạo đài phát thanh Thụy Điển đặt tại thị trấn Upssala giới thiệu các hoạt động của Đài.

Sau 11 tháng nỗ lực thực hiện, 6 mục tiêu trên đã phát huy kết quả tích cực, số lượng bạn trẻ nghe đài tăng vọt. Không những thế, thính giả có thể nghe các chương trình của SR ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, từ trên sóng FM hay Podcast (dịch vụ tự động tải âm thanh xuống các thiết bị số), trên internet và điện thoại di động. Đặc biệt, dự án kho nhạc số có bản quyền Spotify.com ra đời, nay trở thành kho nhạc số khổng lồ, đứng nhất nhì thế giới, có hàng chục triệu người truy cập hàng ngày. Spotify trở thành niềm tự hào không chỉ của SR mà của cả làng báo chí Thụy Điển.

Bạn đọc + Nhà báo = Báo chí 3.0

Bạn đọc, công chúng không vừa lòng với việc đưa tin một chiều, họ muốn có thông tin nhiều chiều và nếu có điều kiện, họ tham gia vào bài báo. Vì thế các tòa soạn báo ở Thụy Điển rất chú trọng các phản hồi của độc giả qua nhiều kênh, đặc biệt là mạng xã hội, để chọn lọc ra những thông tin có giá trị nhất.

Có một thuật ngữ mới được đưa ra từ Đài Phát thanh Thụy Điển: Báo chí 3.0. Về thuật ngữ này, nhà báo Mats Akerlund giải thích: Báo chí 1.0 là báo chí truyền thống như trước đây. Báo chí 2.0 là báo chí trong làn sóng internet như hiện nay, tồn tại song song báo chí chuyên nghiệp và truyền thông xã hội. Có nghĩa là tòa soạn báo đưa thông tin theo kiểu của báo, công chúng đưa thông tin lên web, lên blog, lên mạng xã hội theo kiểu của họ. Còn Báo chí 3.0 chính là báo chí 1.0 cộng với 2.0, có nghĩa là công chúng và tòa soạn báo chuyên nghiệp cùng tạo ra các sản phẩm báo chí. Nhờ vậy, các sản phẩm báo chí sẽ nóng hơn, đa dạng hơn, có độ tin cậy cao hơn.

20 ngày học tập ở Thụy Điển, đối với chúng tôi, hầu như chỉ tiếp xúc với tuyết và báo. Các nhà báo Thụy Điển đã tận tình trình bày, chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi hàng loạt kiến thức nghề nghiệp sâu sắc về: cách thức khảo sát bạn đọc; tổ chức tòa soạn đa phương tiện; đón đầu xu hướng truyền thông; đổi mới thông tin đại chúng; lập và quản lý dự án trong lĩnh vực báo chí - truyền thông; phát triển báo trên điện thoại thông minh; tận dụng truyền thông xã hội…

Các em bé thích thú xem trưng bày trước một cửa hiệu bán quà Noel
Các em bé thích thú xem trưng bày trước một cửa hiệu bán quà Noel

Khóa học kết thúc đúng vào dịp đón Noel, mà ở nhiều nước trên thế giới, ngoài ý nghĩa mừng Chúa giáng sinh, còn là những ngày họp mặt gia đình. Tạm chia tay với đất nước Thụy Điển và con người Thụy Điển mến yêu, đoàn chúng tôi trở về nước với một khối kiến thức sống động tiếp nhận từ nền báo chí giàu tính nhân văn của nước bạn.

Khắc Văn (từ Stockholm)

Thụy Điển, tuyết và báo

- Bài 1: Đi trong bão tuyết

- Bài 2: Thay đổi cách làm báo

Tin cùng chuyên mục