Tổ quốc nơi đầu sóng

Bài 3: Nặng lòng với đảo xa

Bài 3: Nặng lòng với đảo xa

Ở Trường Sa không chỉ có người lính luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương mà còn có những con người âm thầm ngày đêm bám đảo, góp sức xây dựng Trường Sa ngày một khởi sắc.

1. Giữa trưa, sóng ngoài đảo Trường Sa Lớn gầm gào, tung bọt trắng xóa, cả bầu trời trở nên xám xịt, mây đen vần vũ, báo hiệu một cơn bão sắp đổ bộ vào đảo. Trong lúc mọi người đang cố tìm cho mình nơi trú ẩn an toàn thì các cán bộ trẻ của Trạm Khí tượng Hải văn (KTHV) Trường Sa (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ) chạy ngược chạy xuôi đo đạc sức gió, lượng nước… Nhìn các anh vất vả lao đi trong gió lớn mới thấy thấm thía sự nhọc nhằn của những con người “bắt bệnh thời tiết” nơi đảo xa.  Cố bám theo Trạm trưởng Hoàng Văn Minh (26 tuổi, quê ở Hà Nội), chúng tôi mấy lần suýt bị gió xô ngã. Vừa đo quan trắc, Minh vừa kể trong tiếng gió rít: “Trạm được xây dựng từ năm 1977, là một trong 26 trạm phát báo quốc tế, cách đất liền xa nhất và được coi là “mắt báo bão” sớm nhất trong hệ thống khí tượng thủy văn của nước ta”. Từ đó đến nay, Trạm KTHV Trường Sa đã liên tục cung cấp kịp thời cho Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia những thông tin sớm nhất về các cơn bão trước khi đi vào biển Đông. Để có những thông số chính xác, các nhân viên trạm phải tiến hành đo và xử lý các thông số 8 lần/ngày và báo về trung tâm theo tần suất 3 giờ/lần, liên tục từ 1 giờ sáng đến 22 giờ đêm mỗi ngày. Trong tình huống có hiện tượng áp thấp nhiệt đới xuất hiện hoặc có bão thì số lần đo quan trắc của nhân viên ở trạm phải tăng lên với tần suất 30 phút/lần”.

Tiếng gió mỗi lúc càng rít mạnh, phải cố gắng lắm tôi mới nghe rõ từng lời Minh nói. Nhìn bàn tay của vị trạm trưởng trẻ tuổi thoăn thoắt ghi lại những thông số trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, tôi thật sự khâm phục các anh. Cả trạm có 7 cán bộ, nhân viên, lớn tuổi nhất là anh Võ Thanh Hải (30 tuổi, quê Bình Định), trẻ nhất là Nguyễn Tấn Trung (21 tuổi, quê Phú Yên). Ngoài công việc thu thập và truyền báo các dữ liệu để làm cơ sở dự báo thời tiết của trung tâm, các nhân viên của trạm còn tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống như trồng rau xanh, nuôi gia cầm…giống như các đơn vị quân đội đóng trên đảo Trường Sa Lớn. Điều thuận lợi là lương thực, thực phẩm của trạm được đơn vị hậu cần bộ đội trên đảo cung cấp nên anh em yên tâm công tác.

2. Trong những ngày ở Trường Sa, chúng tôi thường hay lân la ghé qua trạm xá trên các điểm đảo để trò chuyện với y, bác sĩ. Họ là những người lính mang hai sắc áo. Khi sẵn sàng chiến đấu, họ vẫn vững tay súng; khi có bệnh nhân, họ là những thầy thuốc tận tâm sẵn sàng cứu chữa. Huyện đảo Trường Sa hiện có hai trạm xá cấp 1 ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Song Tử Tây với các bác sĩ chuyên khoa cùng trang thiết bị như: thiết bị khám cơ bản, siêu âm, điện tâm đồ, máy thở... Các điểm đảo còn lại đều có tổ quân y do y sĩ của Lữ đoàn 146 đảm trách, có thể thực hiện sơ cứu bệnh nhân ban đầu để sau đó chuyển đến trạm xá. Các trạm xá cấp 1 được tăng cường các bác sĩ từ các bệnh viện quân y với đội ngũ bổ sung đến 7 - 8 người/trạm như: Trạm xá Song Tử Tây có thầy thuốc Bệnh viện 108 (BV) tăng cường; đảo Trường Sa Lớn có các thầy thuốc của BV 175, đảo Nam Yết có các thầy thuốc của BV 103, đảo Sinh Tồn có các thầy thuốc của BV 354. Những thầy thuốc ở đây có thể mổ ruột thừa, điều trị chấn thương và một số bệnh nội, ngoại khoa…

Người lính trong áo blouse trắng dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều xứng danh “lương y như từ mẫu”. Trong một lần trò chuyện, đại úy Nghiêm Xuân Hoàn (bác sĩ BV 108) phấn khởi: “Nhờ được trang bị đầy đủ các trang thiết bị nên việc điều trị bệnh nhân cấp cứu trên đảo gặp nhiều thuận lợi. Có lần, các y bác sĩ đã mổ thành công ca đau ruột thừa của thiếu úy Lê Ngọc Anh. Gần đây nhất, ông Trần Văn Xê (56 tuổi, tỉnh Phú Yên) được các ngư dân trên tàu đưa về trạm xá Song Tử Tây trong tình trạng đau thắt ngực, khó thở khi đang đánh cá trên biển. Theo chẩn đoán, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhưng nhờ cứu chữa kịp thời của các y bác sĩ nên ông đã vượt qua cơn đau và đi biển trở lại. Hay trường hợp một người lính công binh đang thi công bị va đập, chấn thương sọ não cũng đã được cấp cứu, chữa trị thành công tại đây. Trạm xá trên xã đảo Song Tử Tây hiện có sự tăng cường của 2 bác sĩ, 5 y tá BV 108 và 1 y sĩ của Lữ đoàn 146. Trong năm vừa qua, trạm đã khám chữa bệnh và phát thuốc cho hơn 1.600 lượt bệnh nhân là quân, dân trên các đảo và cả ngư dân hành nghề trên biển”.

Cô giáo Bùi Thị Nhung, người bám trụ lâu năm ở huyện đảo Trường Sa.

Cô giáo Bùi Thị Nhung, người bám trụ lâu năm ở huyện đảo Trường Sa.

Những người lính “áo trắng” Trường Sa trở thành “phao cứu sinh” cho bệnh nhân là những chiến sĩ, ngư dân gặp bệnh tật, tai nạn trong lúc đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt nhất là bà đỡ “mát tay” cho những cư dân ra đời trên đảo. Ngày 4-4-2011, thật sự là ngày đáng nhớ của mọi người trên đảo Trường Sa Lớn khi chứng kiến cư dân đầu tiên ra đời trên đảo nhờ ca phẫu thuật tại chỗ. Sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy (39 tuổi) mang thai ngồi ngang, nhau quấn cổ, u xơ tử cung, chuyển vào đất liền không kịp nên phải mổ gấp, trong khi bác sĩ ở các trạm xá ở quần đảo Trường Sa không có chuyên môn sản khoa. Vì vậy, bác sĩ sản khoa Hồ Xuân Lãng (BV Đa khoa Khánh Hòa) được tăng cường ra đảo để hỗ trợ kíp mổ. Ca mổ được nối đường truyền thông tin trực tiếp vào đất liền dưới sự theo dõi và hướng dẫn của các giáo sư bác sĩ BV 175 (Bộ Quốc phòng). Cư dân đầu tiên của đảo đã cất tiếng khóc đầu đời trong niềm vui sướng, hân hoan của kíp mổ, của người cha vừa đi biển về và của cả những người lính trên đảo. Hay ca sinh mổ của sản phụ Trương Thị Liền (ở đảo Song Tử Tây) với bé gái ra đời trên đảo được mang tên Hồ Song Tất Minh, trong đó “Song” là đảo Song Tử Tây, “Tất” là chữ lót tên bác sĩ Tất Cường (Phó Giám đốc BV 103)… Hôm gặp tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy bồng bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, không giấu nổi xúc động: “Hôm em sanh mổ ở đây, đảo trưởng đã động viên 4 chiến sĩ có cùng loại máu với  em túc trực để chuẩn bị cho máu…”. Nhìn nét mặt rạng ngời của chị Thúy, chúng tôi chợt hiểu rằng, nhờ có những người lính mang 2 sắc áo, các cư dân trên quần đảo Trường Sa luôn được đảm bảo về sức khỏe.

3. Ở Trường Sa, chúng tôi còn bắt gặp nhiều và rất nhiều những người mang tình yêu đảo xa, yêu quê hương đất nước đến cháy lòng. Trên quần đảo Trường Sa hiện có hai điểm trường tại xã Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa với những lớp học hết sức lạ so với đất liền vì mỗi lớp học chỉ có 4-5 học sinh với 4 bên tường là bảng đen phấn trắng vì mỗi em học một lớp khác nhau. “Thầy” dạy là những những cán bộ lãnh đạo của xã. Hôm chúng tôi đến đảo Song Tử Tây, thầy giáo Đoàn Quốc Thái (Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây) đang đứng lớp với 2 học sinh lớp 2 và lớp 3. Lớp học cũng được bố trí bàn ghế và bảng đen đầy đủ như lớp học ở đất liền. Theo anh Trần Vũ Lân, Phó Chủ tịch UBND xã, Song Tử Tây có 5 lớp học gồm mẫu giáo đến lớp 4. “Thầy giáo” ở đây là những cán bộ lãnh đạo xã kiêm nhiệm nhưng đã tham gia những khóa tập huấn chương trình giảng dạy học sinh tiểu học theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Thầy giáo ở đây không chỉ dạy các em trên lớp mà còn đến tận nhà để phụ đạo khi cần thiết”, anh Lân cho biết thêm. Hôm chúng tôi đến nhà chị Đặng Thị Liễu (xã Song Tử Tây), chị đã không giấu nổi tự hào khi khoe tấm giấy khen học sinh giỏi năm học 2010-2011 của con gái Phan Thị Thu Huyền (10 tuổi), đang học lớp 4.

 

Thị trấn Trường Sa có 4 lớp học là mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 4 (không có lớp 3 vì không có học sinh trong độ tuổi này). Mặc dù số học sinh không nhiều nhưng các em đều được đi học đúng độ tuổi, đúng chương trình. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Biện Văn Quảng kiêm “thầy giáo”, ngoài cô giáo phụ trách Bùi Thị Nhung, còn lại là các “thầy” Lê Minh Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn; “thầy” Phạm Gia Huy, Bí thư Đoàn thị trấn Trường Sa. Bên cạnh chương trình giáo dục theo chuẩn, học sinh ở đây còn được học thêm môn tin học, họa, nhạc. Được biết, do ở đảo  không có hội đồng thi tốt nghiệp tiểu học nên các em phải vào đất liền học lớp 5 và thi chuyển cấp. Sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô được đền đáp xứng đáng khi có gần 100% học sinh đều đạt loại khá, giỏi nhiều năm liền.

Cuộc sống mới đã và đang nảy mầm, bén rễ tươi tốt trên thị trấn Trường Sa và các xã đảo được minh chứng qua những thế hệ công dân mới được sinh ra và đang lớn lên tại đây. Những em bé chào đời giữa ngàn trùng sóng nước không đơn thuần là quy luật sinh tồn mà còn thể hiện sự tiếp nối cuộc sống của các thế hệ người Việt trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo định hướng của UBND tỉnh Khánh Hòa, thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) được xây dựng thành trung tâm kinh tế - xã hội đặc biệt trên huyện đảo. Theo đó, các xã và thị trấn của huyện đảo nằm ở cực Đông của Tổ quốc đã quy hoạch và xây dựng làng quân nhân, làng lập nghiệp. Quần đảo Trường Sa sẽ hình thành 4 cảng cá, bao gồm: cảng cá kết hợp khu trú bão trên đảo Đá Tây, cảng cá đảo Trường Sa, cảng cá đảo Song Tử Tây và cảng cá đảo Nam Yết với tổng sản lượng thủy sản qua 4 cảng này là 22.000 tấn/năm. Nơi đây sẽ có cả điện công nghiệp để sơ chế biến hải sản xuất khẩu chứ không đơn thuần chỉ điện phục vụ sinh hoạt như hiện nay.

Trần Minh Trường

>>Tổ quốc nơi đầu sóng. Bài 1: Làng quê giữa biển

>>Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 2: Kiên cường đảo chìm

Tin cùng chuyên mục