Sapa “khoác áo” sương mờ

Sapa “khoác áo” sương mờ

Chúng tôi đến Sapa (Lào Cai) trong thời điểm cả thị trấn đang “Kỷ niệm 110 năm du lịch Sapa” và đón nhận quyết định công nhận “Ruộng bậc thang Sapa là danh thắng quốc gia” của Bộ VH-TT-DL. Cờ nước, băng rôn giăng khắp đường phố như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Sapa trong làn sương mờ huyền ảo.

        Nấc thang lên trời

Đường lên thị trấn Sapa quanh co đèo dốc, một bên là vách núi đá, bên kia những thửa ruộng bậc thang trải dài trong tầm mắt du khách như những nấc thang nối liền giữa trời và đất thông qua những làn mây trắng. Mới 10 giờ sáng nhưng mưa đã lất phất rơi, có đoạn sương mù hạn chế tầm nhìn chỉ còn khoảng 100m. Tài xế tên Thắng cho biết, mấy ngày qua ở Sapa mưa rỉ rả suốt từ chiếu đến tối, ban ngày nhiệt độ khoảng 9°C - 10°C, về đêm chỉ còn 6°C, lạnh cắt da như đang vào mùa đông cuối năm.

Ruộng bậc thang ở bản Tả Van được công nhận là danh thắng quốc gia

Ruộng bậc thang ở bản Tả Van được công nhận là danh thắng quốc gia

Giữa trưa, mưa vẫn rơi nhưng chúng tôi vẫn quyết định thuê 3 xe gắn máy đi vào bản Tả Phìn. Đường từ đầu tỉnh lộ vào xã Tả Phìn chỉ vài kilômét nhưng đã xuống cấp, đường đi xuyên vào bản khoảng hơn 5km càng xấu hơn, hết lên dốc này lại xuống dốc kia, quanh co uốn lượn và nếu không vững tay lái chắc khách lạ không dám đùa với tính mạng trên cung đường trơn trợt vì mưa suốt mấy ngày qua. Đúng “người tính không bằng trời tính”, dân bản không ai ra đường đón khách như mọi khi, nhà nào cũng khép cửa tránh mưa và chỉ duy nhất trạm thu phí đầu bản mở cửa và nhân viên đội nón chạy ra chặn xe khách để thu mỗi người 20.000 đồng trước khi vào bản. Chúng tôi đành phải quay về và quyết định đi ngược lại 20km để đến Khu du lịch Suối vàng, Thác tình yêu cạnh bên chân núi Phanxipăng với hy vọng trời sẽ quang hơn. Đường đến khu du lịch tuy cũng đèo dốc quanh co nhưng mặt đường khá tốt dù mưa rơi không dứt và mỗi lúc càng nặng hạt hơn khiến chúng tôi lạnh cóng cả đôi bàn tay và có lúc gần như mất cảm giác điều khiển tay lái. Khu du lịch vắng hoe du khách, thỉnh thoảng có vài nhóm khách Tây chống gậy từ đỉnh Phanxipăng đi xuống vì hướng dẫn viên cảnh báo không leo núi trong thời tiết mưa dầm. Những vị khách Tây dường như cũng thấm mưa nên khi thấy chúng tôi ngồi quanh bếp lửa than đỏ rực của bà Lan bán khoai lang nướng, thịt nướng (bên cạnh điểm bán vé của khu du lịch) để sưởi ấm, cũng tấp vào và cùng thưởng thức ẩm thực miến núi Tây Bắc Việt Nam. Trên khuôn mặt ướt đẫm nước mưa và bộ râu xồm xoàn màu vàng hoe, ông Toni đến từ bang Munich (Đức), nói: “Nhóm tôi lên núi từ sáng nhưng được lưng chừng thì hướng dẫn viên khuyên quay về vì không an toàn”. Vừa thổi vừa nhai miếng khoai lang nóng hổi, ông Tony và nhóm bạn đưa ngón tay cái lên và nói tiếng Việt lơ lớ khen “ngon”.

        Người dân tộc cũng “năng động”

Bà Lan bán khoai dự báo đúng. Bà nói nếu sau vài ngày mưa ít rồi đến một ngày mưa nhiều thì hôm sau sẽ trời quang mây tạnh. Trước một ngày diễn ra lễ “Kỷ niệm 110 năm du lịch Sapa” và đón nhận quyết định công nhận “Ruộng bậc thang Sapa là danh thắng quốc gia” (tổ chức từ ngày 1 đến 3-11), chúng tôi tranh thủ đến bản Tả Van, 1 trong 3 địa phương có ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia. Bầu trời không nắng cũng không mưa, lãng đãng mây trắng vờn quanh trước mặt thật thú vị. Thời điểm này đã qua mùa lúa chín đầy nương nhưng những vòng cung của đồng ruộng bậc thang vẫn tuyệt đẹp trong mắt du khách. Cũng không lạ khi cách đây 4 năm, tạp chí Travel and Leisure của Mỹ đã từng bình chọn ruộng bậc thang ở Sapa thuộc Top 7 ruộng bậc thang đẹp và kỳ vĩ nhất thế giới. Tại những điểm được ngành du lịch Sapa bố trí dọc theo tỉnh lộ để du khách ngắm toàn cảnh bản Tả Van, có rất nhiều người dân tộc thiểu số Mông, Dao chờ đón khách mời gọi ghé vào nhà hoặc bán đồ lưu niệm như túi thổ cẩm, vòng đeo tay… Điều chúng tôi bất ngờ là bây giờ người dân tộc thiểu số già, trẻ, trung niên cũng “năng động” như người Kinh ở những thành phố du lịch dưới đồng bằng là chèo kéo, đeo bám, nói thách, nài nỉ du khách mua đồ lưu niệm suốt quãng đường dài vào bản. Tuy không đến mức độ lộ liễu, thậm chí trấn lột, móc túi du khách như một số dân bán dạo ở miền xuôi nhưng vài người dân tộc bây giờ cũng biết “láu cá” khi khách trả giá thấp hoặc không mua sản phẩm mà còn hỏi đường đến địa điểm nào đó thì họ sẽ chỉ đường cho đi vòng thật xa, dù điểm đó ở ngay kế bên. Trừ khách Tây thích lội bộ nhiều cây số quanh co trong bản, khách Việt có phương tiện thường đi thẳng vào bản mà không nghe họ chiêu dụ gửi xe ở đầu bản vì “đi bộ gần lắm” mà rệu rã đôi chân, nhất là du khách nữ lần đầu lên Tây Bắc.

Không lẻ một lớp “sương mù” khác đang che phủ nơi đây!

Du khách luôn bị người dân tộc đeo bám để bán đồ lưu niệm.

Du khách luôn bị người dân tộc đeo bám để bán đồ lưu niệm.


Những đồng nương bậc thang hình vòng cung miền núi Sapa rộng hàng ngàn hécta ở các xã: Lào Chải, Hầu Thào, Trung Chải, Tả Van, Tả Phìn… được hình thành từ hàng trăm năm qua do những đôi tay tài hoa, cần mẫn của nhiều nông dân người dân tộc thiểu số tạo nên. Họ chính là những “họa sĩ” đã “vẽ” nên bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn tuyệt đẹp làm mãn nhãn du khách năm châu.

LÊ DŨNG

Tin cùng chuyên mục