Khắc khoải dugong

Ở Việt Nam, dugong (bò biển, cá cúi, cá heo) sinh sống ở các vùng biển Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhưng chỉ có ở Phú Quốc, dugong mới được biết đến nhiều nhất.
Khắc khoải dugong

Ở Việt Nam, dugong (bò biển, cá cúi, cá heo) sinh sống ở các vùng biển Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhưng chỉ có ở Phú Quốc, dugong mới được biết đến nhiều nhất.

Từ ngang nhiên đến bí mật

Vào các quán ăn ở chợ đêm Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, đóng vai người dân từ TPHCM ra du lịch, muốn thưởng thức những món lạ của đảo, tôi hỏi ông chủ quán Thiên Thanh:

- Ở đây có bán thịt cá cúi không anh?

- Trời! Con đấy bán là bị tù đấy. Nó là dugong, nàng tiên cá mà. Bảng tuyên truyền dựng đầy đường ấy.

Chuyện trò thân mật một lúc lâu, anh Thủy - chủ quán - rỉ tai tôi: “Anh hỏi đám tài xế xe du lịch xem. Khi bắt được dugong, người ta thịt luôn ngoài biển rồi chuyển cho các nhà hàng. Chủ các nhà hàng sẽ báo cho đám tài xế xe du lịch để họ chào mời khách”. Tôi hỏi anh có biết nhà hàng nào bán thịt dugong không, anh khuyên: “Xuống Hàm Ninh hỏi xem vì ở đấy có thảm cỏ biển, dugong sống nhiều, người ta hay bắt được”. Trò chuyện với nhiều chủ quán ăn, nhà hàng ở Phú Quốc, tôi đều nhận được câu trả lời tương tự.

Cặp nanh dugong được chị Trường ở ấp Rạch Hàm rao bán với giá 100 triệu đồng.

Sáng hôm sau, hỏi anh Tuấn - ông chủ doanh nghiệp xe cuốc, xe tải - tôi có số điện thoại của anh Phương, chủ nhà hàng Hạnh Nhung ở xã Hàm Ninh. Anh Tuấn khoe tháng trước, bố anh đãi tiệc cũng lấy ở chỗ anh Phương 4kg thịt dugong với giá 400.000 đồng/kg.

Xuống ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, chúng tôi ghé quán Hạnh Nhung - quán ăn lớn nhất xã, nằm gần đầu cầu cảng nên hàng ngày có rất đông khách du lịch ghé vào ăn uống. Đã được anh Tuấn gọi điện trước, nên khi tôi gặp anh Tuấn thì được anh tin tưởng ngay. Tôi đóng vai là người buôn đồ cổ, từ TPHCM ra du lịch, muốn thưởng thức thịt dugong. Anh Phương tiếc rẻ: “Cả tháng nay không có thịt. Nhưng có cặp nanh đẹp lắm, anh mua về trưng trong nhà hay đánh mặt dây chuyền đeo để trừ tà. Giá 80 triệu đồng”.

Chia tay anh Phương, tôi rong xe máy lang thang vào ấp Rạch Hàm. Gặp một người đàn ông đang ngồi vá lưới trong căn nhà ven đường, tôi hỏi, ông lập tức cho tôi số điện thoại của anh Sĩ và nói không cần điện thoại, cứ ra trường gà ở khu đất giữa ấp hỏi Sĩ là gặp.

Nghe tôi nói muốn mua xương hoặc nanh bò biển, anh Sĩ cùng mấy thanh niên liền bỏ độ đá gà, dẫn tôi vào nhà một phụ nữ ở cách trường gà khoảng 500m. Chị Trường, chủ nhà, sau ít phút thăm dò, đã tỏ ra tin cậy tôi, mới bảo có hai bộ xương, mỗi bộ dài 2,3m đầy đủ các bộ phận và cặp nanh mỗi chiếc dài hơn 20cm. Chị cho biết: “Đây là nanh và xương của hai con bò biển, cách đây hơn 10 năm chết trôi dạt vào bờ thì thịt đã sình rồi. Chồng tôi gặp nên xẻ thịt lấy bộ xương và nanh về cất trong nhà. Nhưng mấy năm nay, sợ người ta bắt nên tôi mang vào gửi trong rẫy. Con bò biển từ sợi râu trở đi đều là thuốc. Bí đại tiện lấy râu hoặc miếng da khô nướng thành than hòa nước uống là thông. Xương và nanh mài ra cho trẻ con uống một, hai muỗng để chữa sốt. Nó có tính mát nên mài ra uống chữa được nhiều bệnh”.

Rồi chị Trường phát giá 100 triệu đồng một cặp nanh, 100 triệu đồng một bộ xương. Tôi bảo không có tiền để mua luôn và xin chụp mấy kiểu ảnh cặp nanh để về gửi cho khách hàng bên Thái Lan. Nếu ông ấy ưng, tôi sẽ dẫn ra mua của chị. Nài nỉ mãi chị Trường mới đồng ý sau khi tôi đã mua một chiếc xương sườn lẻ bộ mà chị đang dùng dở để mài uống chữa sốt, với giá 200.000 đồng.

Tìm hiểu, tôi được biết, anh Sĩ làm nghề lái xe du lịch. Khi đón khách từ sân bay, đưa khách đi tham quan quanh đảo, anh thăm dò nhu cầu của khách, khi ai có nhu cầu, anh sẽ dẫn đến những người cung cấp. Giao dịch thành công, anh sẽ được chia ít nhất 10%. Theo điều tra của chúng tôi, cánh tài xế xe du lịch là mắt xích quan trọng nhất của đường dây tiêu thụ các sản phẩm từ dugong nói riêng, các loại động vật hoang dã nói chung. Có hàng là các đầu nậu gọi điện bỏ nhỏ cho cánh tài xế xe du lịch để những người này chào khách, dẫn mối đến ăn, mua và hưởng hoa hồng.

Anh Nguyễn Linh Ngọc, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý Khu bảo tồn biển huyện Phú Quốc, cho biết: Số thịt dugong bị đánh bắt, xẻ thịt chủ yếu là ở vùng biển Hà Tiên rồi vận chuyển về Phú Quốc tiêu thụ. Trước đây ngư dân Phú Quốc dùng lưới quàng, mắt lưới to để đánh cá đuối. Do đánh gần vùng thảm cỏ biển nên thường xuyên bắt được dugong. Cũng có những người biết tập tính của loài này là ăn cỏ biển nên chỉ đánh lưới ở khu vực thảm cỏ biển để săn bắt chúng.

Hiện nay do hiệu quả kinh tế của loại lưới quàng thấp, và cũng do được tuyên truyền nên ngư dân không còn sử dụng loại ngư cụ này. Hiện nay, dugong ở biển Phú Quốc có đến 90% số vụ bị bắt là do dính lưới câu, giã cào (cào đôi, cào ba) của ngư dân.

Một tay không vỗ nên kêu

Ngoài những người ý thức kém, hám lợi, cố tình săn bắt, buôn bán thịt dugong thì ở Phú Quốc cũng có rất nhiều người nhiệt tình với công việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Nhưng nhiều khi sự cố gắng của họ luôn vấp phải đá.

Anh Nguyễn Linh Ngọc buồn bã: “Khu bảo tồn biển huyện Phú Quốc chỉ là đơn vị sự nghiệp chứ không phải cơ quan công quyền nên luôn bị động trong việc xử lý công việc. Có những lúc chúng tôi nắm được thông tin dồn dập do người dân báo và do mình phát hiện nhưng các ban, ngành chức năng của huyện không coi trọng hoặc thụ động nên đành bó tay”.

Bảng tuyên truyền bảo vệ dugong được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc dựng ở nhiều tuyến đường trên đảo.

Năm 2011, anh Nguyễn Linh Ngọc may mắn giải cứu được một cá thể dugong. Lần đó, anh đang đi công tác ở huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, được ngư dân đến báo có người bắt được một con bò biển nặng hơn 30kg do vô tình vướng vào lưới. Người này bắt được, mang vào bờ, định xẻ thịt. Có người biết khuyên anh này nên báo với chính quyền địa phương, thịt là bị phạt. Người này nghe, báo với UBND xã. May mắn anh Ngọc đang đi công tác cùng đoàn cán bộ của Sở NN-PTNT tỉnh, nên cùng cả đoàn đến nơi phối hợp tuyên truyền cho bà con, thu hồi con dugong rồi mang ra cửa biển Hà Tiên thả.

Ông Nguyễn Hồng Cường, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển huyện Phú Quốc, thừa nhận rằng ông và bảy cộng sự không thể ngăn chặn được nạn buôn bán động vật hoang dã, trên địa bàn. “Chuyển được hành vi của các đối tượng này từ hoạt động ngang nhiên như trước đây sang lén lút như hiện nay đã là thành công rồi”, ông buồn bã nói.

Đến ngay cả khi nhận được tin báo có cá nhân săn bắt, tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thì các cán bộ của khu cũng lắm phen “khóc hận”. “Người ta bắt được vích, dugong thì xẻ thịt ngay ngoài biển, cho thịt vào các giỏ bàng xách lên bờ nên rất khó phát hiện. Có lần người dân điện thoại báo người ta đang bày bán thịt vích ở chợ Dương Đông, chúng tôi đến thì cũng chỉ thu giữ thịt mang đi tiêu hủy, thu giữ phương tiện hành nghề thì chỉ là cái thau, phạt thì họ nghèo, tiền đâu mà nộp. Người có tiền đi nữa thì cũng chây ì cho quá thời hạn một năm là quyết định xử phạt hết hiệu lực. Có lần được biết người dân ở xã Hàm Ninh vừa xẻ thịt dugong, anh em cũng chỉ đến ngồi chờ ở gần nhà người ta để đón lõng lúc họ mang đi tiêu thụ thôi chứ muốn khám nhà phải có lệnh của Viện Kiểm sát. Họ chạy xe đi giao hàng, biết trong cốp có thịt động vật hoang dã nhưng muốn họ dừng xe để kiểm tra thì phải là cảnh sát giao thông. Có phải mỗi lúc muốn đều có công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường… để phối hợp đâu”, ông Cường phân trần.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, cán bộ nghiên cứu Viện Hải dương học Nha Trang, sau ba chuyến khảo sát, phỏng vấn nhiều người dân vô tình hay hữu ý bắt được dugong, khẳng định chắc nịch: “Sự hiểu biết và ý thức bảo tồn dugong, thảm cỏ biển của ngư dân sống ở Phú Quốc còn rất kém”. Theo ông, trung bình mỗi năm có từ 4 - 6 cá thể dugong bị bắt giết lấy thịt làm thực phẩm, thuốc, hàng thủ công mỹ nghệ. Vùng biển ngư dân thường bắt được nhiều dugong là từ Mũi Dương đến Hàm Ninh và vùng biển Kampot thuộc Campuchia. Dugong ăn cỏ biển vì vậy nhiều ngư dân khác đi đánh bắt hải sản ven bờ cũng tình cờ nhìn thấy sự xuất hiện của chúng ở vùng biển thuộc Bãi Dài, Mũi Dương, Bãi Thơm, Bãi Bổn, Hàm Ninh và vùng biển phía Đông Nam An Thới.

Dugong (tên khoa học: Dugong dugon) là loài động vật có vú lớn, sống ở bờ biển cạn từ châu Phi đến châu Úc. Ở Việt Nam, một lượng cá thể nhỏ được ghi nhận ở vùng biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chúng thường bơi trên mặt nước để thở. Một cá thể trưởng thành có thể dài tới 3m và nặng hơn 500kg.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục