Bài 2: Tình quân dân nơi đảo xa

Trong suốt hải trình đến với Trường Sa của đoàn công tác số 11 (đoàn 2 TPHCM), điều ấn tượng nhất đối với các thành viên trong đoàn là khi tận mắt chứng kiến tình cảm và sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của các lực lượng đóng quân trên đảo và người dân. Mối quan hệ mật thiết giữa quân và dân trên đảo từ lâu đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những con người đang ngày đêm bám biển giữa trùng dương bao la…
Bài 2: Tình quân dân nơi đảo xa

Sức sống Trường Sa

Trong suốt hải trình đến với Trường Sa của đoàn công tác số 11 (đoàn 2 TPHCM), điều ấn tượng nhất đối với các thành viên trong đoàn là khi tận mắt chứng kiến tình cảm và sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của các lực lượng đóng quân trên đảo và người dân. Mối quan hệ mật thiết giữa quân và dân trên đảo từ lâu đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những con người đang ngày đêm bám biển giữa trùng dương bao la…

Một gia đình ở đảo Song Tử Tây chuẩn bị lưới cho buổi ra khơi. Ảnh: Việt Dũng

Lá chắn bình yên

Buổi sáng khi đặt chân lên xã đảo Song Tử Tây chúng tôi hỏi một chiến sĩ trẻ về ngôi làng của những ngư dân ra đảo làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản từ nhiều năm qua. Chỉ tay về hướng biển, người chiến sĩ trẻ nói: “Rẽ trái qua hàng bàng vuông là tới”. Vừa tới đầu dãy nhà xây kiên cố, mái ngói đỏ tươi, đã nghe tiếng ê, a đánh vần của những đứa trẻ. Thấy khách ngoài cổng, anh Nguyễn Duy Thành đon đả ra mời và giục vợ - chị Nhữ Thị Kim Chi nấu nước pha trà. Căn nhà hai gian khá rộng với lối kiến trúc theo kiểu nhà của ngư dân miền biển gồm 2 phòng ngủ, một khoảng trống chạy dọc ra sau, sân trước giăng lưới cụ, đồ nghề đi biển. Thấy tôi chăm chú nhìn ngôi nhà khang trang, chị Chi nói: “Nhà bộ đội xây cả đấy. Sống ở đảo, có khó khăn gì cứ qua báo cáo các anh là được hỗ trợ ngay”. Anh Thành nói thêm về cuộc sống của gia đình mình trên đảo, từ chuyện học hành của những đứa trẻ, chuyện giăng lưới, đi câu, trồng rau xanh, rồi ốm đau, đến các vật dụng sinh hoạt…, đều có bộ đội trên đảo giúp đỡ tận tình.

Đến gia đình anh Nguyễn Minh Thôi, chúng tôi cũng cảm nhận được không khí bình yên, đầm ấm của những ngư dân trên đảo, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn so với đất liền. Chị Dương Thị Ngọc Hiệp, vợ anh Thôi nói vui: “Ở đảo, lúc nào vợ chồng mình cũng có nhau. Những lúc có chuyện ưu tư, cần người giãi bày, vợ chồng đều chạy qua các anh bộ đội…”. Không chỉ có chuyện “chạy qua” mà như chị Hiệp nói, những lúc cần “chạy lại”, các gia đình trong ngôi làng nhỏ bé này đều ghé vai cùng bộ đội trên đảo phụ lo từ việc tăng gia trồng tỉa, xếp dỡ hàng hóa, sửa chữa máy móc, doanh trại, đến công tác hậu cần, trang trí, tiếp khách mỗi khi có tàu từ đất liền ra. 

Buổi chiều khi quay lại các ngôi nhà trong làng chúng tôi thấy vắng bóng các chị em. Anh Nguyễn Duy Thành vui vẻ nói: “Vợ mình với các chị trong làng đi tập văn nghệ cả rồi”. Trong chương trình giao lưu văn nghệ diễn ra vào buổi tối, tới tiết mục của các chiến sĩ trên đảo ai nấy đều bất ngờ khi thấy những nữ ngư dân rắn rỏi tay lưới lúc sáng lại mềm mại, ngọt ngào trong điệu múa, lời ca trên sân khấu. Trong khi ở phía dưới các ông chồng đang bế những đứa trẻ dõi theo và liên tục vỗ tay tán thưởng…

Tiếng chuông chùa nơi đảo xa

Ở thị trấn Trường Sa có một ngôi chùa gỗ, mái ngói uốn cong cổ kính - chùa Trường Sa Lớn. Đại đức Thích Pháp Đạt, trụ trì chùa, dẫn chúng tôi ra vườn giới thiệu về những loài cây, loài hoa được mang từ đất liền ra trồng hơn một năm nay đã xanh tốt, mùa nào cũng có hoa trái xum xuê. “Hàng tháng vào các ngày 14, rằm và 30, mùng 1 âm lịch chùa đều tổ chức tụng kinh sám hối và cầu an cho quân và dân trên đảo. Tiếng kinh, tiếng mõ vang lên nơi đảo xa đã phần nào làm ấm lòng, vững tâm cho những người xa quê, xa đất liền đang ngày đêm canh giữ đất trời của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió…”, Đại đức Thích Pháp Đạt nói.

Hoàng hôn trên đất đảo xuống thật chậm. Hơn 6 giờ tối mà ánh nắng vẫn rực đỏ nơi cuối trời. Khi những tia nắng cuối cùng quét dài trên dải cát vàng phía cuối đảo, cũng là lúc tiếng chuông chùa ngân vang và giọng kinh tụng khóa lễ tịnh độ của đại đức Thích Nhuận Tựu, phó trụ trì chùa, báo hiệu một ngày trên đất đảo qua đi. Đại đức Thích Nhuận Tựu vui vẻ nói: “Quân và dân trên đảo đã quen với tiếng chuông mỗi lần cất lên báo hiệu một ngày mới và một ngày trôi qua. Mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ hoặc người dân trên đảo có người thân ở đất liền quá cố không về được thì tiếng chuông, tiếng kinh tụng vang lên còn để mọi người trên đảo hướng lòng mình cầu nguyện cho người đã khuất và cầu bình an cho mọi người cùng vượt qua gian khó nơi đảo xa…”.

Tại huyện đảo Trường Sa còn có nhiều ngôi chùa khác như: chùa Sơn Ca, chùa Phan Vinh, chùa Song Tử Tây, chùa Nam Yết, chùa Sinh Tồn. Nhiều năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa thường xuyên cử các chư tăng giỏi thuyết pháp, am hiểu nét văn hóa, sinh hoạt và tập quán của người dân vùng biển để ra tổ chức các nghi thức tôn giáo và hướng dẫn Phật pháp cho người dân trên đảo và ngư dân từ đất liền ra đảo đánh bắt hải sản. Tiếng chuông chùa, lời kinh cầu nguyện vang lên mỗi ngày đã trở thành nét văn hóa tâm linh độc đáo, để quân và dân trên đảo như có thêm sức mạnh và ý chí, niềm tin vượt qua khó khăn, bám biển, bám đảo trên lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

HOÀI NAM

>> Bài 1: Điểm tựa trên biển

Tin cùng chuyên mục