Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng

Sáu lý do để cho đảng viên được làm kinh tế tư nhân

Sáu lý do để cho đảng viên được làm kinh tế tư nhân

Đại hội Đảng lần thứ VI cách đây 20 năm tuy đã thừa nhận kinh tế tư bản tư nhân là một trong các thành phần kinh tế ở nước ta. Dù vậy, cho đến nay chưa có văn bản chính thức nào cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân.

Sáu lý do để cho đảng viên được làm kinh tế tư nhân ảnh 1

Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng ghi “Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô phải gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương”. Điều này có nghĩa, những vấn đề mà nhiều người đang quan tâm đã được đề cập rõ trong dự thảo văn kiện. Xin được trình bày thêm những lý do nhằm làm rõ hơn dự thảo quy định mới này của Đảng.

Lý do thứ nhất, đúng theo quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Con người không thể tự ý lựa chọn quan hệ sản xuất nói chung và quan hệ sở hữu nói riêng một cách chủ quan duy ý chí. Sở hữu vừa là kết quả vừa là điều kiện cho sự phát triển của lực lượng sản xuất, là hình thức xã hội có tác dụng thúc đẩy hoặc kìm hãm lực lượng sản xuất. Chính vì vậy, mỗi loại hình, hình thức sở hữu chưa thể mất đi khi chúng còn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, và cũng không thể tùy tiện dựng lên, hay thủ tiêu chúng khi lực lượng sản xuất không đòi hỏi. Do vậy, khi quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải tính đến sự biến đổi phức tạp từ quan hệ sản xuất, trong đó trực tiếp là chế độ sở hữu.

Kiểu quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu này hay kiểu quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu khác tuỳ thuộc vào tính chất và trình độ lực lượng sản xuất. Ở nước ta hiện nay trình độ lực lượng sản xuất còn thấp lại không đồng đều giữa các ngành, các vùng. Có những vùng, miền mà người dân vẫn dùng cái cuốc, con trâu để lao động nhưng cũng có nơi lao động trong phòng thí nghiệm, trong khu công nghệ cao.

Do vậy, tất yếu phải tồn tại nhiều hình thức sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nên chưa thể đặt vấn đề xoá ngay mọi hình thức bóc lột. Chỉ đến khi trình độ xã hội hóa sản xuất phát triển cao mâu thuẫn với chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thì khi ấy mới có điều kiện chín muồi thực hiện cuộc cách mạng xây dựng xã hội không còn bóc lột. Chúng ta không thể thủ tiêu chế độ sở hữu ngay lập tức được mà chỉ có thể thực hiện dần dần, và chỉ khi nào đã tạo được một lực lượng sản xuất hiện đại, xã hội hóa cao độ với năng suất lao động rất cao thì khi đó mới xoá bỏ được chế độ tư hữu.

Trong tác phẩm “Góp phần phê phán khoa Kinh tế chính trị”, Mác viết: “Phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội. Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên, nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được”. (1)

Thứ hai, góp phần tạo việc làm, khắc phục tình trạng thất nghiệp.

Hiện nay, tình trạng thiếu việc làm đang là một vấn đề nan giải của đất nước ta. Khi được hỏi ước mơ của nhiều thanh niên ở những miền quê nghèo, họ sẽ trả lời ước mơ của họ là thấy ở mảnh đất quê mình có nhiều nhà máy mọc lên thay cho những mảnh đất khô cằn, nắng cháy, bỏ hoang. Mong muốn của họ là có việc làm để mưu sinh, để tồn tại, dẫu nhà máy đó là liên doanh, nhà nước hay tư nhân. Nếu có người và nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi phải tán gia bại sản, nếu có những người sẵn sàng đem hết nhiệt tâm của mình làm giàu cho đất nước và nếu có những người muốn tạo ra của cải vật chất cho đất nước, tạo ra việc làm cho nhiều người khác, góp phần tạo ra ổn định xã hội thì chúng ta có chấp nhận không?

Một mặt chúng ta phải nhanh chóng làm rõ thêm nhiều khái niệm để soi sáng cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nhưng mặt khác không vì thế mà chúng ta bỏ mất cơ hội để có thêm việc làm cho hàng triệu người, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội và làm giảm nhiệt huyết của một bộ phận của những người tiên tiến.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đất nước chúng ta đang thực hiện nhất quán nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, mục đích là phải sản xuất ra thêm nhiều giá trị thặng dư. Ở đây, xin được nói rõ hơn: chúng ta không nên đồng nhất sản xuất ra giá trị thặng dư với bóc lột giá trị thặng dư. Vấn đề bóc lột hay không bóc lột thể hiện trong quan hệ phân phối. Bình đẳng trong phân phối được thực hiện dưới những hình thức cụ thể như thế nào là tùy thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gô-ta” , Mác viết: “Bất kỳ một sự phân phối nào về tư liệu tiêu dùng cũng chỉ là hậu quả của sự phân phối chính ngay những điều kiện sản xuất; nhưng sự phân phối những điều kiện sản xuất lại là một tính chất của chính ngay phương thức sản xuất” (2). Để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh phải giải phóng mọi cản trở làm ảnh hưởng đến lực lượng sản xuất. Bộ phận kinh tế tư nhân nếu được phát huy tốt chính là chúng ta đã không bỏ sót một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng - một lực lượng đã, đang và sẽ đóng góp rất nhiều cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Dân giàu, nước mạnh không có nghĩa là gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng để hàng tháng rút tiền lãi mà dùng vốn liếng, tài sản, không ngại rủi ro đầu tư xây dựng nhà máy, lập công ty tạo ra việc làm cho nhiều người. Dân giàu, nước mạnh không có nghĩa là làm ăn gian dối, rút ruột công trình mà phải là dám nghĩ, biết làm, có đạo đức trong kinh doanh để tạo ra những sản phẩm tốt, sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho cuộc sống con người.

Dân giàu, nước mạnh không có nghĩa là dùng giá trị thặng dư để đi vũ trường, vào nhà hàng uống những chai rượu hàng triệu đồng hay cá độ bóng đá lên đến hàng triệu đôla, mà phải là dùng giá trị thặng dư xây nhà trọ cho công nhân, xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thứ tư, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

Tiêu đề của Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Diễn đạt như vậy có nghĩa là: muốn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển thì yếu tố quyết định là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Hiện nay Đảng ta đang lãnh đạo đất nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Muốn làm tốt trọng trách này, thì phải tạo điều kiện cho bản thân đảng viên tham gia làm kinh tế, trong đó thành phần kinh tế tư nhân là một thành phần rất năng động, hiệu quả. Có điều kiện này thì Đảng mới có thể có thêm kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cụ thể để lãnh đạo thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ông bà ta thường nói: muốn biết bơi phải nhảy xuống nước. Còn Lênin, trong tác phẩm “Chính sách kinh tế mới và những nhiệm vụ của các Ban giáo dục chính trị”, đã viết: “Hoặc là tất cả những thành tựu về mặt chính trị của chính quyền Xô viết sẽ tiêu tan, hoặc là phải làm cho những thành tựu ấy đứng vững trên một cơ sở kinh tế. Cơ sở này hiện nay chưa có. Đấy chính là công việc mà chúng ta cần bắt tay vào làm” (3).

Thứ năm, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho mọi người yên tâm làm giàu.

Mặc dù hiện nay, chúng ta chưa cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, nhưng trong thực tế đã có nhiều đảng viên làm kinh tế tư nhân. Họ đã có những đóng góp tích cực cho đất nước: góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm. Hầu hết các chủ doanh nghiệp là đảng viên đều là những người yêu nước, dám nghĩ, biết làm. Họ luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước, quan tâm đến người lao động và có nhiều đóng góp trong công tác xã hội.

Cũng trong tác phẩm “Chính sách kinh tế mới và những nhiệm vụ của Ban giáo dục chính trị”, Lênin viết: “Đứng về chính sách kinh tế mới mà xét, vấn đề cơ bản là ở chỗ biết nhanh chóng lợi dụng tình thế đã hình thành” (4). Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân khẳng định “Những đảng viên đang làm chủ doanh nghiệp của tư nhân chấp hành tốt Điều lệ Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước thì vẫn là đảng viên của Đảng. Do vậy, lần này nếu Đảng khẳng định vấn đề quan trọng này trong văn kiện thì chắc chắn họ sẽ yên tâm và sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ tiền đề thuận lợi này chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều tầng lớp nhân dân. Khi đó sẽ có thêm nhiều người yên tâm và mạnh dạn lập ra thêm nhiều nhà máy, công ty.

Thứ sáu, góp phần đẩy mạnh việc phát triển đảng viên mới, làm cho Đảng nhiều về lượng, sâu về chất.

Hưởng ứng phong trào toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, làm giàu hợp pháp, từng gia đình làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cho đất nước, trong những năm gần đây có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập. Hiện nay đất nước chúng ta đang phấn đấu đạt chỉ tiêu có 500.000 doanh nghiệp. Những chủ doanh nghiệp đa số là người ưu tú, thông minh, sáng tạo. Nếu chúng ta cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân thì sẽ giúp cho những người chủ tránh được sự lựa chọn nghiệt ngã. Đó là muốn vào đảng thì phải bỏ doanh nghiệp hoặc ở trong doanh nghiệp thì sẽ không bao giờ trở thành đảng viên. Giải quyết được sự lựa chọn này sẽ góp phần giúp cho đảng ta có thêm nhiều đảng viên tài giỏi, đồng thời khuyến khích nhiều người tài giỏi phấn đấu trở thành đảng viên.

Việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Nhiều khái niệm, nhiều vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, hãy chủ động để hội nhập, hãy bình tĩnh để đừng có thái độ phân biệt với thành phần kinh tế tư nhân.

Trong tác phẩm “Bàn về thuế lương thực” Lênin viết: “Chủ nghĩa tư bản là xấu so với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản lại là tốt so với thời trung cổ, với nền tiểu sản xuất, với chủ nghĩa quan liêu do tình trạng phân tán của những người tiểu sản xuất tạo nên. Vì chúng ta chưa có điều kiện để chuyển trực tiếp từ nền tiểu sản xuất lên chủ nghĩa xã hội, bởi vậy, trong một mức độ nào đó, chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi, nó là sản vật tự nhiên của nền tiểu sản xuất và trao đổi; bởi vậy, chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất lên”. (5)

Tạo điều kiện cho đảng viên làm kinh tế tư nhân ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, là đúng quy luật. Tuy nhiên, chấp nhận cho đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn quy mô không có nghĩa là chấp nhận một cách máy móc, chủ quan. Điều quan trọng chính là cho đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng phải ràng buộc thêm những quy định như trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng. Điều này chính là nhằm xây dựng mối quan hệ giữa người với người một cách bình đẳng, tốt đẹp, góp phần tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong xã hội đều có thể phát triển như nhau một cách xứng đáng với con người.

(1) Các Mác và Ănghen toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 13, trang 15, 16.
(2) Các Mác và Ănghen toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 19, trang 36, 37.
(3) Lênin toàn tập - Nhà xuất bản Tiến bộ, Maxcơva, 1978, tập 44, trang 212.
(4) Lênin toàn tập - Nhà xuất bản Tiến bộ, Maxcơva, 1978, tập 44, trang 199.
(5) Lênin toàn tập - Nhà xuất bản Tiến bộ, Maxcơva, 1978, tập 43, trang 276.

Tin cùng chuyên mục