Các đại biểu dân tộc ít người:

Cần có những chính sách phù hợp hơn

Hà Sơn Nhin
Cần có những chính sách phù hợp hơn

Trong số 1.176 đại biểu tham dự Đại ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X, có 154 đại biểu dân tộc thiểu số. Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu xung quanh chính sách dân tộc của Đảng.

Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai):
Sớm có chính sách mới để rút ngắn khoảng cách các vùng, miền

Cần có những chính sách phù hợp hơn ảnh 1

Đồng chí Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM (thứ nhất từ phải sang) cùng các đại biểu nữ dân tộc thiểu số.

Lâu nay, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện các chính sách về công bằng xã hội một cách toàn diện đối với tất cả các vùng trên cả nước. Tuy nhiên, vấn đề chính sách, đầu tư cần phải cụ thể, phù hợp hơn nữa đối với với các địa phương có tính đặc thù cao, còn nhiều khó khăn như ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Mong muốn của tôi cũng như nhiều đại biểu khác là ĐH lần này sẽ đưa ra được đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có sự ưu tiên với những địa phương còn nhiều khó khăn như Gia Lai.

Chúng tôi không đòi Nhà nước công bằng theo kiểu “cân, đong, đo, đếm”, nhưng thực sự muốn giúp cho những vùng còn khó khăn như Gia Lai hiện nay sớm thoát khỏi đói, giảm được nghèo thì cần phải có những chính sách phù hợp hơn nữa.

Đã có nhiều chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng so với điều kiện khó khăn hiện nay cũng như nhu cầu phát triển của cuộc sống thì những chính sách đó có những mặt chưa đúng tầm. Qua ĐH này, Đảng và Nhà nước cần sớm có những chính sách mới để có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, các miền và với mỗi địa phương!

Đại biểu Thạch Kim Sêng (Sóc Trăng):
Có chính sách tín dụng dài hạn cho bà con dân tộc thiểu số

Chính phủ cần tiếp tục cho thực hiện Chương trình 134 ( hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) và Chương trình 135 (phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, trong đó có sự điều chỉnh về quy mô, kỹ thuật những hạng mục công trình để phù hợp với tình hình.

Ngoài ra, cần có chính sách tín dụng dài hạn với nhiều hình thức cho hộ nông dân dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer vay để hạn chế vay nặng lãi bên ngoài. Ngân hàng chính sách xã hội có chính sách hỗ trợ cho hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay với lãi suất ưu đãi để ổn định cuộc sống.

Đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang):
Tạo nguồn cán bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cần có cơ chế thi cử phù hợp với vùng miền để tuyển chọn từ học sinh phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, các quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, sau đó tiếp tục đào tạo tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng đại học. Việc đào tạo cán bộ phải tuân thủ quy hoạch chung và chiến lược phát triển của địa phương và từng dân tộc; kế hoạch đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan sử dụng cán bộ với cơ sở đào tạo...

Đặc biệt sớm xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và chăm lo đời sống của cán bộ khu vực khó khăn, chậm phát triển, vùng cao, biên giới. Để tạo nguồn cán bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần tăng số lượng cử tuyển và đào tạo cử tuyển cân đối theo ngành, nghề, vùng. Giao chỉ tiêu cử tuyển theo địa chỉ cho hệ thống các trường nội trú từ phổ thông cơ sở đến trung học, cao đẳng và đại học đến tuyển dụng. Có như vậy thì những vùng khó khăn mới có nguồn cán bộ lâu dài.

NHÓM PV

 

Tin cùng chuyên mục