Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị:

Tự ứng cử vào BCH TƯ: Tín hiệu rất tốt, rất dân chủ

Ngày 21-4, ĐH Đảng lần thứ X đã thảo luận và thông qua quy chế bầu cử BCH TƯ khóa X. Bên lề ĐH, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.
Tự ứng cử vào BCH TƯ: Tín hiệu rất tốt, rất dân chủ

Ngày 21-4, ĐH Đảng lần thứ X đã thảo luận và thông qua quy chế bầu cử BCH TƯ khóa X. Bên lề ĐH, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

  • Ứng cử viên chức Tổng Bí thư: mỗi đại biểu đều có quyền giới thiệu

Tự ứng cử vào BCH TƯ: Tín hiệu rất tốt, rất dân chủ ảnh 1
Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn báo chí.

- Theo Bộ trưởng, việc bầu trực tiếp chức danh Tổng Bí thư (TBT) nên để BCH TƯ bầu hay ĐH bầu?

- Bộ trưởng Phạm Quang Nghị :
Việc này phải thực hiện theo điều lệ đã được ĐH thông qua và quy chế của ĐH đã được các đại biểu của ĐH X biểu quyết. Sáng 21-4, ĐH X đã biểu quyết việc lấy phiếu giới thiệu tín nhiệm TBT, nhưng việc bầu TBT sẽ do BCH TƯ khóa mới bầu.

Còn nếu như đến ĐH XI mà ĐH biểu quyết khác đi, ví dụ biểu quyết việc bầu TBT phải được tiến hành ngay tại ĐH thì đó là quyền quyết định của ĐH. Còn lần này, tại ĐH X đã quyết định thông qua quy chế bầu TBT là do BCH TƯ khóa X bầu.

Việc có bao nhiêu ứng cử viên cho chức TBT là quyền của ĐH và quyền của BCH TƯ khóa X. Hiện nay chưa tiến hành giới thiệu ứng cử viên cho chức TBT. Nhưng khi giới thiệu, mỗi đại biểu đều có quyền giới thiệu.

- Nếu việc thăm dò ý kiến ĐH về chức danh TBT có tới hai trường hợp có số phiếu tương đương nhau thì sẽ tiến hành bầu hay chọn lấy một?

- Cho đến giờ phút này, tôi khẳng định điều đó phụ thuộc vào ít nhất hai điều kiện. Một là ĐH có nguyện vọng như thế nào. Nếu ĐH quyết định để cả hai trường hợp để bầu thì tôi tin Đoàn Chủ tịch sẽ phải thực hiện theo ý nguyện của ĐH. Hai là nếu một trong hai người có một người xin rút, thì sẽ chọn người kia. Còn nếu một người không rút thì đương nhiên phải để cả hai cho ĐH bầu.

- Để xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh, cũng như thành công hơn trong công tác chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, nên để ĐH bầu Ủy ban Kiểm tra TƯ chứ không phải là do BCH TƯ bầu nhằm tránh tình trạng Ủy ban Kiểm tra TƯ “ngại” kiểm tra, giám sát các Ủy viên Bộ Chính trị?

- Việc bầu Ủy ban Kiểm tra TƯ như thế nào cũng sẽ do ĐH quyết định. Nếu thống nhất là Ủy ban Kiểm tra TƯ do ĐH trực tiếp bầu thì cần phải sửa đổi điều lệ. Theo tôi, việc ĐH trực tiếp bầu Ủy ban Kiểm tra TƯ nếu có phải thảo luận rất kỹ, để đạt được sự đồng bộ.

Nhưng tôi cũng nói rõ, điều đó không có nghĩa là nếu ĐH không trực tiếp bầu ra Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng thì Ủy ban Kiểm tra TƯ không có thẩm quyền kiểm tra cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng. Trên thực tế, Đảng ta đã xử lý những người là Ủy viên Bộ Chính trị và đã từng có những Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật đến mức khai trừ khỏi BCH TƯ.

- Theo ông, để đổi mới công tác nhân sự, thì có nên công khai danh sách các ứng cử viên vào BCH TƯ không?

- Tôi nghĩ rằng điều đó phụ thuộc vào quy định của Điều lệ Đảng hiện hành. Muốn thay đổi điều đó phải thảo luận từ dưới lên, rồi phải được thông qua ở ĐH. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có quy định đó trong Điều lệ Đảng. Nhưng thực tế theo tôi biết, mặc dù chúng ta không công khai nhưng cứ sau mỗi kỳ họp thì toàn dân đều biết.

  • Rất ít trường hợp tự ứng cử vào BCH TƯ

- Việc công khai sẽ giúp cho công tác giám sát của dân tốt hơn cũng như giúp loại bỏ những trường hợp đề cử không chất lượng, ví dụ như trường hợp của ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GT-VT ở kỳ ĐH này?

- Những trường hợp cụ thể như vậy, chúng ta cũng có rất nhiều cơ chế, hình thức để giám sát cán bộ, đảng viên. Bất cứ đảng viên nào cũng sinh hoạt ở những đơn vị cụ thể, những khu dân cư cụ thể. Vì vậy, hầu hết những trường hợp có sai phạm đều được phát hiện và xử lý.

- Tại sao từ trước đến nay, những trường hợp tự ứng cử vào BCH TƯ rất ít, mặc dù Điều lệ Đảng cho phép?

- Thông qua cơ chế lựa chọn bầu cử, hầu hết những người tốt nhất đã được giới thiệu. Ai xứng đáng đều đã được lựa chọn, về cơ bản là như vậy. Vì vậy theo tôi những trường hợp tự ứng cử vào BCH TƯ sẽ không có nhiều.

- Nhưng có ý kiến cho rằng, vì hướng dẫn của Ban Bí thư về vấn đề tự ứng cử ra chậm nên nhiều người không biết tường tận thông tin để tự ứng cử, dù họ muốn?

- Có thể là chúng ta vẫn chưa thực sự thích ứng được với nhu cầu dân chủ. Do cả hai phía. Nhưng theo tôi, kể cả biết chậm thông tin, nếu chuẩn bị tích cực thì các trường hợp muốn ứng cử vẫn kịp. Tại ĐH X có trường hợp ông Nguyễn Xuân Hãn tự ứng cử vào BCH TƯ, tôi cho đó là một tín hiệu rất tốt, rất dân chủ. Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần rút kinh nghiệm để ĐH sau sẽ có nhiều người tự ứng cử hơn, bằng việc có hướng dẫn sớm hơn, cũng như công bố rõ tiêu chí lựa chọn các UVBCH TƯ để người tự ứng cử đối chiếu.

  • Bộ trưởng có thể là người ngoài Đảng?

- Thưa ông, hầu hết các Bộ trưởng hiện nay đều là Ủy viên TƯ Đảng, vậy theo ông có nhất thiết phải như vậy không? Và liệu có không những Bộ trưởng không là UVTƯ Đảng?

- Trong các văn bản của Đảng đều thể hiện tinh thần Bộ trưởng không nhất thiết phải là UVTƯ Đảng. Trên thực tế, hiện nay cũng có một số Bộ trưởng hoặc tương đương không là UVTƯ Đảng. Nhưng theo cơ chế của chúng ta, những người có năng lực lãnh đạo thì đồng thời Đảng cũng rất tín nhiệm bầu vào BCH TƯ, nên đôi khi hai cái đó nó ngẫu nhiên tương đồng, chứ không phải nhất thiết là UVTƯ thì mới được làm Bộ trưởng. Mà thường những người có năng lực làm Bộ trưởng thì cũng được bầu vào TƯ Đảng và sau đó thì được bầu làm lãnh đạo. Ở các cấp thấp hơn cũng tương tự như vậy.

- Cũng có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng có thể là người ngoài Đảng?

- Nếu thực hiện được như thế thì cũng rất tốt.

- Nhưng với cơ chế “Đảng cử, dân bầu”, Đảng không giới thiệu thì dân làm sao bầu?

Cơ chế của chúng ta là vừa cử, vừa ứng cử. Vì vậy, một người ngoài Đảng hoàn toàn có thể ứng cử. Quốc hội cho phép điều đó.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

HỒNG QUÂN - PHAN THẢO

 

Tin cùng chuyên mục