Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Đình Khiển:

Quản lý chặt chẽ nguồn vốn, ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư

Mức độ tăng trưởng kinh tế 7,5%-8% dựa trên cơ sở nào? Có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế hay không? Vào WTO chậm, Việt Nam thiệt hại bao nhiêu? Nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua cổ phiếu áp đảo ở các doanh nghiệp Việt Nam hay không? Đó là những nội dung được Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Đình Khiển trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đang theo dõi ĐH Đảng lần thứ X vào chiều 19-4 tại Trung tâm báo chí (Hà Nội).
 
 - SGGP: Hiện nay, có thực trạng là đầu tư của Nhà nước dàn trải, bị thất thoát nhiều. Một số công trình xây dựng quan trọng của quốc gia không hoàn thành theo kế hoạch. Vậy nguyên nhân vì sao, giải pháp khắc phục như thế nào?
 
 - Thứ trưởng Trần Đình Khiển: Trong quản lý đầu tư, những năm trước đây, Chính phủ luôn có các chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Năm 2003, Chính phủ ban hành Chỉ thị 29 về nâng cao chất lượng quản lý đầu tư. Năm 2005, Chính phủ ban hành tiếp Chỉ thị 21/CP về rà soát quy hoạch và rà soát dự án. Nếu qua rà soát, thấy các dự án không hiệu quả thì không cho triển khai. Hiện nay, hầu hết các dự án XDCB trong kế hoạch mà còn nợ đọng của các cơ quan TƯ thì đã cơ bản được thanh toán. Còn các dự án do địa phương quyết định thì đến nay mới giải quyết được 50% tình trạng nợ đọng. Những trường hợp dự án nằm ngoài kế hoạch trong thời gian tới sẽ được chấn chỉnh. Từ việc để xảy ra vụ án PMU 18, hiện nay Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Về quản lý đầu tư XDCB, Bộ KH-ĐT nhận thiếu sót là trong thời gian qua chỉ quan tâm đến việc phân bổ đúng mục tiêu, còn giám sát, đánh giá hiệu quả thì làm chưa đúng mức. Để tránh đầu tư dàn trải, Bộ KH-ĐT đã chỉ đạo và kiên quyết cắt giảm những công trình không hiệu quả hoặc bố trí phân tán.
 
 - SGGP: Chúng ta nói nhiều về việc tách chức năng quản lý hành chính của Nhà nước khỏi chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, xóa bỏ “chế độ chủ quản”, nhưng thực ra việc làm này rất chậm chạp. Làm thế nào để giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp?
 
 - Doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp nên tránh tình trạng can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động DN, điều này được thể hiện trong Luật Đầu tư, trong đó có việc chuyển sang công ty TNHH một thành viên hoặc chuyển sang công ty cổ phần.
 
 - Tuổi Trẻ: Sau vụ PMU 18, vẫn chưa thấy Bộ KH-ĐT lên tiếng. Vậy đến thời điểm này, Bộ KH-ĐT đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp gì?
 
 - Chính phủ đang chỉ đạo các ngành rút kinh nghiệm, sau khi có kết quả mới biết cụ thể vấn đề này. Bộ KH-ĐT đã có báo cáo về công tác quản lý vốn ODA.
 
 - Đại Đoàn Kết: Vụ PMU18 có gây ảnh hưởng môi trường đầu tư không?
 
 - Tôi cho rằng PMU 18 có ảnh hưởng môi trường đầu tư hay không, là nằm ở vấn đề quan điểm của Đảng và Chính phủ đối với chống tham nhũng như thế nào. Do vậy, khi chúng ta xử lý triệt để sẽ bảo đảm được tốt môi trường đầu tư. Tháng 6-2006, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia diễn đàn, họ sẽ có dịp trao đổi với Chính phủ và biết rõ hơn về vấn đề này.
 
 - Reuters: Năm nay Việt Nam đề ra mức tăng trưởng kinh tế 7,5% - 8,0%. Đây là mức tăng trưởng rất cao. Vậy căn cứ vào đâu để đề ra mức tăng trưởng như thế, thưa ông?
 
 - Chúng tôi tính toán trên căn cứ thực tế những năm qua. Mặt khác, đó là việc huy động tối đa các nguồn vốn, các nguồn lực trong mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, chúng tôi huy động tất cả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển đó. Chúng tôi cũng tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Trước đây, cơ cấu vốn huy động 30% ở trong nước, 50% ở ngoài nước. Còn hiện nay, 2/3 vốn trong nước, còn 1/3 là huy động vốn nước ngoài.
 
 - Reuters: Người nước ngoài có được mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam không?
 
 - Trong luật có quy định, trừ một số doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài được mua thí điểm 30% cổ phần, sắp tới có thể tỷ lệ này còn cao hơn. Việt Nam coi đây cũng là nguồn đầu tư nước ngoài gián tiếp với đầu tư trong nước.
 
 - Ban tiếng Việt đài BBC: Năm ngoái, Việt Nam không vào được WTO, dự kiến trong năm 2006 mới vào được, theo ông cụ thể thời gian nào mới vào WTO? Nếu vào muộn thì Việt Nam có thiệt hại gì?
 
 - Dự kiến năm 2005 là do đàm phán với các nước, nhưng năm 2005 còn 4 nước chưa đàm phán xong. Có thể năm 2006 Việt Nam sẽ vào WTO, còn cụ thể thời gian nào thì chưa thể xác định.
 
 - Tân Hoa xã: Được biết Bộ KH-ĐT đã có kế hoạch sắp tới sẽ giảm lượng xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu và khoáng sản, như dầu mỏ và than đá. Tuy nhiên đây là những mặt hàng đem lại kim ngạch rất lớn cho Việt Nam. Vậy, Việt Nam phải cân đối bài toán nhập siêu như thế nào?
 
 - Đây là chủ trương để phát triển công nghiệp dầu khí. Chúng tôi xây dựng các nhà máy lọc dầu, tiếp đó vấn đề quan trọng là thực hiện các nhà máy hóa dầu. Vấn đề này làm giảm kim ngạch xuất khẩu, nhưng cũng sẽ làm giảm kim ngạch nhập khẩu. Bởi vì lượng dầu tinh chế trong nước sẽ thay cho việc nhập khẩu. Đây là bài toán được cân đối trong kế hoạch 5 năm và chúng tôi cũng đã cân nhắc đến những chỉ tiêu liên quan về phát triển một cách tổng thể. Tư tưởng chỉ đạo dứt khoát là tăng cường công nghiệp chế biến và tăng hàm lượng những giá trị gia tăng trong các loại hàng hóa. Trong thời gian ban đầu của công nghiệp hóa, hầu hết các nước đều xuất khẩu nguyên liệu thô và chúng tôi cũng đã và đang làm như vậy. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường công nghiệp chế biến và xuất khẩu tinh. Đây là xu hướng chung của các nước chứ không riêng gì Việt Nam  
 

TUẤN SƠN - TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục