Ngày làm việc thứ 2 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X

Làm rõ các vấn đề về xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội

Làm rõ các vấn đề về xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 19-4, ngày làm việc thứ hai tại ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X, các đại biểu góp ý về các văn kiện trình ĐH Đảng và đọc báo cáo tham luận tại hội trường.
 

Làm rõ các vấn đề về xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1
Đoàn đại biểu TPHCM và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trong buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận ở đoàn về những vấn đề chủ yếu trong các văn kiện trình ĐH Đảng. Đó là: Chủ đề ĐH; đánh giá thực hiện Nghị quyết ĐH IX của Đảng và nhìn lại 20 năm đổi mới; mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2006-2010; về các thành phần kinh tế; về CNH-HĐH; về các vấn đề xã hội; giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; quốc phòng và an ninh; quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế; đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; về Đảng và công tác xây dựng Đảng; cách diễn đạt về Đảng và vấn đề “đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Ngoài ra, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến vào dự thảo Quy chế bầu cử BCH TƯ khóa X.
 
 Buổi chiều, tại hội trường, ĐH nghe 10 báo cáo tham luận của các đoàn đại biểu. Đồng chí Nguyễn Văn Sáu (Đoàn đại biểu Khối cơ quan TƯ về công tác tư tưởng) đọc bài tham luận về con đường xây dựng CNXH ở nước ta; đồng chí Phùng Hữu Phú (Hà Nội) đọc tham luận về công tác cán bộ; đồng chí Cù Thị Hậu (Khối cơ quan Dân vận TƯ) đọc tham luận về vai trò của công nhân, công đoàn trong sự nghiệp CNH-HĐH; đồng chí Hứa Ngọc Thuận (TPHCM) đọc tham luận về chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển; đồng chí Phạm Thế Duyệt (Khối cơ quan Dân vận TƯ) đọc tham luận về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đồng chí Nguyễn Di Niên (Khối cơ quan đối ngoại TƯ) đọc tham luận về công tác đối ngoại; đồng chí Phùng Quang Thanh (Đoàn Quân đội) đọc tham luận về xây dựng quân đội và nền quốc phòng toàn dân; đồng chí Đỗ Quang Trung (Quảng Ninh) đọc tham luận về cải cách hành chính; đồng chí Niê Thuật (Đắc Lắc) đọc tham luận về đoàn kết các dân tộc; đồng chí Vũ Ngọc Kỳ (Khối cơ quan Dân vận TƯ) đọc tham luận về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
 
 Chiều cùng ngày, tại Trung tâm báo chí đã diễn ra cuộc họp báo chuyên đề “Thành tựu KT-XH của 20 năm đổi mới, kế hoạch KT-XH 2006-2010” do Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Đình Khiển chủ trì. Thứ trưởng Trần Đình Khiển đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên báo chí trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan.
 
 Hôm nay (20-4), ĐH tiếp tục làm việc toàn thể tại Hội trường Ba Đình để thảo luận về các văn kiện và lấy ý kiến về những vấn đề cần biểu quyết trong văn kiện Đại hội X  

Nhóm PV

 5 thành tựu về KT-XH qua 20 năm đổi mới (1986-2006)
 
1. Đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng cường cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới.
 
Kết thúc kế hoạch 5 năm (1986-1990), công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, GDP tăng 4,4%/năm. Việc thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu phát triển về lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu được đánh giá là thành công bước đầu nhằm cụ thể hóa nội dung của công nghiệp hóa XHCN trong chặng đường đầu tiên đã được ĐH IV thông qua.
 - Thành công trong kế hoạch 5 năm 1986-1990 là đã chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, thực hiện một bước quá trình đổi mới đời sống kinh tế - xã hội và giải phóng sức sản xuất.
 - Trong 5 năm (1991-1995), nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao liên tục và tương đối toàn diện, thực hiện vượt mức hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1991-1995. GDP bình quân hàng năm trong thời kỳ 1991-1995 tăng 8,2%, vượt mức kế hoạch đề ra…
 - Thời kỳ 5 năm (1996-2000), được xác định là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
 - 5 năm 2001-2005, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh theo hướng tích cực, năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản phẩm trong nước 5 năm 2001-2005 tăng bình quân 7,5%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
 
2. Tạo dựng được những tiền đề phát triển KT-XH trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

 - Cân đối tích lũy - tiêu dùng được cải thiện theo hướng giảm dần tỷ lệ tiêu dùng trong cơ cấu tích lũy-tiêu dùng, tăng khả năng tích lũy để đầu tư phát triển, bảo đảm mục tiêu vừa cải thiện mức sống của dân cư vừa tăng khả năng tích lũy để CNH.
 - Cải thiện một bước kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, thủy lợi, thúc đẩy khả năng phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân cư.
 - Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phát triển khá.
 - Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã từng bước được hình thành; khuôn khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách, các chế tài quản lý kinh tế đã được đổi mới phù hợp, thúc đẩy phát triển KT-XH.

 3. Thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát huy tiềm năng của từng ngành, từng vùng, từng thành phần kinh tế trong sự nghiệp CNH-HĐH.
 
- Cơ cấu các ngành kinh tế đã từng bước chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, phát huy lợi thế so sánh trong từng ngành, từng vùng làm tăng hiệu quả và chất lượng và phát triển.
 - Cơ cấu vùng chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế so sánh. Vai trò kinh tế vùng đã được coi trọng.
 - Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong sản xuất thuần nông, tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.
 - Cơ cấu các thành phần kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sắp xếp lại và đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát huy tiềm lực của khu vực kinh tế dân doanh, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác và các thành phần kinh tế khác.

 4. Thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, tăng khả năng hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
 
- Mở rộng thị trường xuất khẩu ra thế giới; gia nhập khối ASEAN, tham gia AFTA và APEC, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ, tích cực đàm phán gia nhập WTO...
 - Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, bình quân hàng năm thời kỳ 1991-1995 tăng 17,8%/năm; thời kỳ 1996-2000 tăng 21%/năm; thời kỳ 2001-2005 tăng 17,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người tăng từ 36,3 USD năm 1990 lên 390 USD năm 2005.
 
5. Đạt được những thành tựu đáng kể trong giải quyết các vấn đề xã hội và xóa đói giảm nghèo.
 
- Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đến cuối năm 2005 còn khoảng 7% trên tổng số hộ.
 - Chỉ số phát triển con người không ngừng được cải thiện. Tuổi thọ bình quân đạt 71,3 tuổi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm 25% năm 2005.
 - Hoạt động văn hóa thông tin phát triển đa dạng, cải thiện đời sống văn hóa của nhân dân.
 (Nguồn: Trung tâm Báo chí tuyên truyền về Đại hội Đảng)
 H.Q. - P.T. 

Tin cùng chuyên mục