Công khai kết quả thanh tra để dân biết

Theo quy định của Luật Thanh tra, các kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng. Hình thức công khai được xác định là thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp và niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Theo quy định của Luật Thanh tra, các kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng. Hình thức công khai được xác định là thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp và niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Quy định là vậy, song từ khi Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2011) đến nay, rất ít cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra thực hiện. Nhiều nơi còn tự ý đưa ra các quy định như đóng dấu “mật”, “tối mật” vào các bản kết luận thanh tra, chỉ cung cấp khi có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cất vào kho lưu trữ hồ sơ nội bộ… Việc làm này đã gây cản trở báo chí và người dân muốn tiếp cận thông tin từ các bản kết luận thanh tra. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra tìm cách đối phó, trì hoãn thực hiện các kiến nghị, kết luận xử lý theo nội dung của bản kết luận thanh tra.

Một vấn đề khác cũng được Luật Thanh tra quy định, đó là trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra theo quy định. Tuy nhiên, thực tế cũng rất ít cơ quan thanh tra từ cấp quận huyện, sở ngành đến TP và bộ ngành thực hiện. Nhiều bản kết luận thanh tra đến cả năm sau mới được công bố vì phải chờ người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp ra thông báo kết luận thanh tra. Đây cũng là kẽ hở để cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra tìm cách đối phó, làm nhẹ các kiến nghị, kết luận thanh tra gây bất lợi cho mình. Điều này phản ánh một thực tế số vụ việc xử lý theo kiến nghị sau thanh tra tại nhiều cơ quan thanh tra đạt tỷ lệ rất thấp, có nơi chỉ vào khoảng hơn 30%.

Để việc công khai, minh bạch các kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm túc, rõ ràng, rất cần sự kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Việc công khai không chỉ để người dân được biết và tham gia cùng chính quyền giám sát việc thực thi các kiến nghị, kết luận sau thanh tra, mà quan trọng hơn là giúp các cơ quan chức năng theo dõi, chỉ đạo việc xử lý về tài sản và những sai phạm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến kết luận thanh tra được kịp thời và đạt kết quả cao nhất.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục