Tái cơ cấu nông nghiệp

Tuần qua, Báo SGGP liên tiếp có nhiều bài đề cập vấn đề nông dân chịu lép, nông sản không có lối ra. Thực tế nhiều năm qua chúng ta vẫn cứ phải trăn trở vì nghịch lý: Nông dân chăm chỉ, cần cù, nhưng vẫn nghèo và khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng giãn ra.

Tuần qua, Báo SGGP liên tiếp có nhiều bài đề cập vấn đề nông dân chịu lép, nông sản không có lối ra. Thực tế nhiều năm qua chúng ta vẫn cứ phải trăn trở vì nghịch lý: Nông dân chăm chỉ, cần cù, nhưng vẫn nghèo và khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng giãn ra.

Để khắc phục nghịch lý đó, Đảng và Chính phủ chủ trương xây dựng đề án nông nghiệp - nông dân - nông thôn (gọi tắt “tam nông”). Nói đến “tam nông” nhưng thực chất mọi vấn đề của đề án này đều xoay quanh nông dân. Nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng nhằm mục đích tạo thêm thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân; đầu tư cho nông thôn, xây dựng nông thôn mới cũng nhằm tạo điều kiện, không gian sống tốt hơn cho nông dân. Cho nên, nông dân phải là trung tâm (vừa là mục tiêu, đối tượng, chủ thể) của đề án này. Tuy nhiên, một mình nông dân không thể xoay chuyển tình thế. Khâu quan trọng nhất là liên kết “bốn nhà” phải thiết thực, hiệu quả.

Muốn vậy vai trò Nhà nước phải phát huy tác dụng. Có vai trò Nhà nước sẽ bảo đảm các chính sách vào khu vực nông thôn không bị lợi dụng. Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo người lao động nông thôn có thu nhập, đời sống ổn định theo tinh thần “ly nông nhưng không ly hương”. Việc đưa doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Liên kết “bốn nhà” phải tăng tính hợp tác giữa “bốn nhà” trong sản xuất. Tiếp theo là đẩy mạnh khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Chỉ khi làm chủ được khoa học công nghệ thì nông nghiệp mới có đột phá. Chúng ta chưa trả lời được các câu hỏi: Ai là người gắn kết “bốn nhà”, trụ cột của “bốn nhà”? Vì sao nông nghiệp Việt Nam vẫn không tăng trưởng trong khi các nước xung quanh tiến lên? Vì sao tái cơ cấu đã 3 năm nhưng hiệu quả chưa rõ ràng? Cần phải cấp thiết tái cơ cấu nông nghiệp thực sự hiệu quả. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần tiếp cận theo hướng thực hiện quy hoạch thị trường mở.

Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới. Để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, cần làm ngay việc tái cơ cấu trong giáo dục và đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, tái cơ cấu quản lý khoa học công nghệ, tái cơ cấu trong chính sách và thể chế quản lý phát triển nông nghiệp và nông thôn. Lựa chọn, quyết định thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (điều kiện tự nhiên, thị trường, khả năng tài chính, công nghệ, nhân lực...).

Lâu nay nông dân sản xuất ra hàng hóa nhưng chưa được chủ động định giá sản phẩm mình làm ra, mà hầu hết vẫn bị ép giá. Cần sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, trong đó xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không mặn mà và không dám đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này. Nhà nước đóng vai trò trung gian điều phối, trọng tài, tăng lòng tin cho các bên tham gia liên kết. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải bắt đầu từ việc tái cơ cấu hệ thống thu mua sản phẩm nông nghiệp của nông dân, tái cơ cấu thị trường cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm nông nghiệp.

Đây là bài toán cấu trúc về kinh tế. Chừng nào không tái cấu trúc đầu vào, đầu ra, nông dân còn bị 2 gọng kìm này ép chặt và thu nhập sẽ chạy vào túi người thu mua và tiêu thụ chứ không vào túi người sản xuất. Cần tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nghề để phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; thực hiện hiệu quả, lồng ghép các chương trình, chính sách về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; quan tâm bảo vệ môi trường.

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục