Tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ra văn bản “hỏa tốc” số 5925/UBND-KGXV ngày 3-10 chỉ đạo phòng chống bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tại Quảng Ngãi đã ghi nhận 1.008 ca bệnh tay chân miệng, tăng 1.86 lần so với cùng kỳ năm 2017, không có trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra tại 139 xã/phường thuộc 13/14 huyện, thành phố (trừ huyện Tây Trà). Bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm từ 1-5 tuổi, chiếm 93,5%. Từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc tay chân miệng gia tăng đột biến, tăng 47,6% so với 7 tháng đầu năm và nguy cơ tăng cao trong những tháng tới.

Qua kết quả xét nghiệm ban đầu, nhiều trường hợp trong số các ca này đã mắc vi rút Enterovirus 71 (EV71), đây là chủng vi rút dễ gây bùng phát mạnh bệnh và có biến chứng nặng.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị, giường bệnh, tổ chức tốt việc phân loại bệnh nhân, cách ly, phân tuyến điều trị… Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống y tế huyện, thành phố và tuyến xã, phường, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác giám sát ca bệnh, khẩn trương triển khai các biện pháp chuyên môn nhằm hạn chế số ca mắc, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch phát sinh.

Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, triển khai các biện pháp, phòng chống bệnh tay chân miệng.

UBND các huyện, thành phố, nhà trẻ, trường mẫu giáo… thực hiện ngay các công tác tuyên truyền, thông tin, vận động người dân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống; các nhà trường chủ động thực hiện cách ly, phòng chống bệnh khi có trường hợp mắc bệnh; thực hiện 3 sạch “ăn uống) sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch”…. Các sở, ban, ngành liên quan cũng phối hợp thực hiện.

Theo thông báo của Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh thành, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và 6 cả tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc cả nước giảm 25,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây tại các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hà Nội. Tại miền Trung, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 6.067 ca bệnh, không có trường hợp tử vong; các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao tại miền Trung là: Đà Nẵng (1.295 ca), Quảng Ngãi (1.008 ca), Khánh Hòa (941 ca).

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng lây thành dịch lớn. Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương, vào thời gian khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Tin cùng chuyên mục