Thế giới vào cuộc ngừa cúm heo

Thế giới vào cuộc ngừa cúm heo
  • Thiệt hại có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD
Nhân viên y tế kiểm tra hành khách, hành lý tại sân bay Tijuana, Mexico City.

Nhân viên y tế kiểm tra hành khách, hành lý tại sân bay Tijuana, Mexico City.

Ngày 26-4, các quan chức chính phủ New Zealand cho biết, 25 giáo viên, sinh viên có các triệu chứng giống như bị nhiễm cúm heo đã được cách ly và xét nghiệm sau chuyến đi nghỉ ở Mexico về. 10 người trong số đó đã phải nhập viện do có kết quả dương tính.

Tính đến nay, 81 trường hợp chết ở Mexico và Mỹ bị cho do liên quan tới virus cúm mới H1N1, hơn 1.320 người nhiễm bệnh có thể do virus cúm heo mới này.

Cơ quan y tế Pháp cho biết nước này đã phát hiện 4 trường hợp nghi nhiễm cúm heo trong số các du khách vừa trở về từ Mexico và chắc chắn sẽ có thêm những trường hợp khác trong những ngày tới, bởi đã có rất nhiều chuyến bay và tàu thuyền từ Mexico đến Pháp.

Tại Israel, một thanh niên ở nước này đã phải nhập viện khi vừa trở về từ Mexico đêm 24-4 do bị nghi nhiễm virus H1N1. Bệnh nhân này có các triệu chứng mắc bệnh cúm và các bác sĩ đang xác định liệu người này có bị nhiễm virus cúm heo hay không. Đây là trường hợp đầu tiên ở Trung Đông bị nghi nhiễm loại virus nguy hiểm này.

Bộ trưởng Y tế Mexico cho biết, lệnh đóng cửa trường học tại thủ đô Mexico City và bang San Luis Potosi đã được kéo dài cho tới ngày 6-5, 447 trung tâm văn hóa cũng như mọi hoạt động cộng đồng đều ngừng lại. Quân đội và nhân viên y tế đã triển khai tại các sân bay cũng như nhà ga, bến xe buýt, metro để kịp thời phát hiện và cách ly người có những triệu chứng nhiễm cúm. Cảnh sát đã phát ra hơn 2 triệu khẩu trang y tế.

Tổng thống Mexico Felipe Calderon cũng đã ban hành 12 sắc lệnh cho phép Bộ Y tế được áp dụng để ngăn chặn dịch lây lan. Trong đó cho phép các nhân viên y tế có quyền cách ly bệnh nhân, kiểm tra nhà của những người nhiễm virus cũng như xét nghiệm hành khách, hành lý. Giới chuyên gia đã cảnh báo những thiệt hại kinh tế do đại dịch này có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD.

Trước tình hình dịch có khả năng lan rộng và trở thành đại dịch (theo lời Tổ chức Y tế thế giới - WHO), các nước đã có sự chuẩn bị. Các quan chức Australia thúc giục những người từ Mexico về nước từ tháng ba đến nay có các triệu chứng giống như bị cúm phải đi kiểm tra sức khỏe.

Cơ quan chức năng Australia đang phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)… trong việc giám sát và thông tin về dịch bệnh này. Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã yêu cầu quan chức giải quyết khủng hoảng, đưa ra những biện pháp để ngăn không cho dịch cúm heo lây lan vào Nhật Bản, phối hợp với các nước khác có liên quan và cung cấp thông tin cho dân chúng.

Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết chính phủ Malaysia đã thực thi việc kiểm tra sức khỏe tại các cửa khẩu đối với các hành khách đi và đến từ Mexico. Nhà chức trách Thái Lan và Hồng Công (Trung Quốc) cũng đang tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh cúm heo này.

Các quan chức Pháp, Tây Ban Nha cân nhắc việc cách ly tất cả những hành khách đến từ Mexico. Bộ Nông nghiệp Pháp từ chối nhập bất cứ sản phẩm thịt heo nào từ Mexico.  Các nước Nam Mỹ, Mỹ Latinh phát lệnh báo động cúm.

Hiện mức báo động của WHO ở cấp độ 3. Tổ chức này cho biết sẽ có thể tăng lên mức 4 nếu virus có biểu hiện khả năng lây từ người sang người. Cấp độ 5 sẽ áp dụng nếu virus được phát hiện ở ít nhất hai nước trong cùng một khu vực. Mức 6 sẽ là báo động đại dịch toàn cầu.

- Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2008 ước tính một đại dịch cúm có thể gây tốn kém 3.000 tỷ USD và giảm 5% tổng sản phẩm nội địa của toàn thế giới. WB cũng ước tính rằng hơn 70 triệu người trên thế giới có thể chết vì một đại dịch.

- Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) vào năm 2003 đã khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương mất 40 tỷ USD. Hội chứng này kéo dài 6 tháng, cướp đi sinh mạng của 775 người trong số hơn 8.000 người tại 25 nước và lãnh thổ bị nhiễm bệnh.

- Từ mùa thu năm 1918 đến mùa xuân năm 1919, tại Mỹ có 548.452 người chết vì bệnh cúm heo.

 

V.Khuê (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục