WHO nâng mức báo động bệnh cúm heo lên mức 4

WHO nâng mức báo động bệnh cúm heo lên mức 4
  • Mexico: 152 người tử vong do cúm
  • Ca nghi nhiễm cúm heo đầu tiên tại Thái Lan
Bác sĩ có mặt tại sân bay ở thành phố Cancun, Mexico để tuyên truyền cách phòng chống cúm cho hành khách.

Bác sĩ có mặt tại sân bay ở thành phố Cancun, Mexico để tuyên truyền cách phòng chống cúm cho hành khách.

Ngày 28-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định nâng báo động của tổ chức này đối với bệnh cúm toàn cầu lên mức 4, trong thang 6 mức báo động.

Sau cuộc họp khẩn cấp thứ hai của các chuyên gia WHO về bệnh cúm heo ngày 27-4, Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan đã quyết định nâng mức báo động 3 hiện nay - mức cảnh báo khả năng lan tràn thành dịch, lên mức 4 - mức độ gia tăng nguy cơ trở thành dịch của căn bệnh này với việc lây truyền từ người sang người của virus có thể tạo thành dịch bệnh trong cộng đồng.

Mức 6 – cấp độ cuối cùng chỉ được thông báo khi căn bệnh này đã trở thành dịch. Theo thông báo của WHO, chủng virus cúm heo H1N1 đang hoành hành tại Mexico và Mỹ chưa từng được phát hiện và đã có tình trạng virus lây nhiễm từ người sang người. Tỷ lệ tử vong vì cúm H1N1 tại Mexico những ngày qua lên đến 26,5%, cao hơn nhiều so với trong dịch SARS năm 2003 (khoảng 10%).

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, hôm qua, cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng loại virus cúm heo có thể làm chết người sẽ có khả năng gây ra một đại dịch mới trên phạm vi toàn thế giới. Theo Tổng thư ký LHQ, các quốc gia nghèo “có thể phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất” và sự bùng phát bệnh cúm heo này là “cuộc sát hạch đầu tiên” cho khả năng sẵn sàng đối phó đại dịch mà cộng đồng quốc tế trong 3 năm qua đã cố tạo dựng.

Tại châu Á, các quan chức của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhóm họp để theo dõi diễn biến và đánh giá mức độ lây lan của bệnh cúm heo, đồng thời lên kế hoạch hành động khẩn cấp trong khu vực. Theo các quan chức ASEAN, khối này đã dự trữ 500.000 liều thuốc chống virus tại Singapore và 500.000 liều khác cũng đã được phân phối cho các quốc gia thành viên. Tuyên bố của Ban Thư ký ASEAN cho biết số 1 triệu liều thuốc chống virus trên có ý nghĩa trấn an và ASEAN sẽ nỗ lực để huy động thêm các nguồn thuốc chống virus khác trong trường hợp cần thiết. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tiến hành kiểm tra đối với những người từ Mexico hoặc Mỹ trở về.

Cùng ngày, giới chức y tế Mỹ thông báo họ đã phải sử dụng 25% kho dự trữ thuốc liên bang để đối phó với bệnh cúm heo, theo đó phân phát 11 triệu liều thuốc chống virus cúm. Chính phủ Mỹ cũng đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng ngay sau khi có ít nhất 20 trường hợp bị xác nhận nhiễm virus cúm heo.

Theo số liệu thống kê của WHO và chính phủ các nước trên thế giới, đã có ít nhất 16 quốc gia trên thế giới có bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm cúm heo, trong đó có cả ở châu Âu và châu Á. Riêng tại Mexico, nước khởi nguồn của chủng virus gây chết người này, số bệnh nhân tử vong do các triệu chứng liên quan đến cúm đã lên tới 152 người, trong đó 20 người được khẳng định là nhiễm virus H1N1 và gần 2.000 trường hợp nghi nhiễm virus đang được theo dõi điều trị. Tại Mỹ, số bệnh nhân bị khẳng định nhiễm virus cúm heo cũng đã lên tới 50. Tại Canada được xác định là 6 ca nhiễm virus; Australia là 70 trường hợp nghi nhiễm. Tại Scotland có 2 trường hợp nhiễm; tại New Zealand có 3 trường hợp được xác định nhiễm... Tổng cộng có 9 quốc gia châu Âu công bố các trường hợp nghi nhiễm. Tại các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đã có thông báo về các ca nhiễm và nghi nhiễm virus cúm heo. Trường hợp mới nhất vừa được công bố là một phụ nữ Thái Lan, 42 tuổi, bị nghi nhiễm virus cúm heo và đang được cách ly tại Bệnh viện Chulalongkorn. Đây được coi là trường hợp nghi nhiễm cúm heo đầu tiên tại Đông Nam Á. Các nhà chức trách cho biết hầu hết số bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm cúm heo trên thế giới đều từ Mexico, Canada hoặc Mỹ trở về.

H.Ch. (Theo AP, Reuters)

Tin cùng chuyên mục