Sẽ có một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới?

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon mới đây đã cảnh báo thế giới có nguy cơ rơi vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới nếu không hành động tập thể mạnh mẽ để tiến tới Hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân rã hạt nhân cho vũ khí hạt nhân và các vụ nổ hạt nhân khác.
Sẽ có một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới?

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon mới đây đã cảnh báo thế giới có nguy cơ rơi vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới nếu không hành động tập thể mạnh mẽ để tiến tới Hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân rã hạt nhân cho vũ khí hạt nhân và các vụ nổ hạt nhân khác.

  • Vẫn còn chậm trễ

TTK Ban Ki-moon khẳng định trong nhiều năm qua, thế giới đã rất nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự giải trừ quân bị toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề không phổ biến hạt nhân vẫn là ưu tiên cao nhất. Hội nghị LHQ về giải trừ quân bị (CD), diễn đàn đa phương duy nhất về vấn đề này, phải thúc đẩy sớm tiến trình thương lượng cấm sản xuất loại vật liệu hạt nhân có sức hủy diệt nhân loại này. Vật liệu phân rã hạt nhân có thể duy trì phản ứng dây chuyền phân rã hạt nhân cho các vụ nổ hạt nhân.

Tại Hội nghị cấp cao LHQ năm 2010, các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự chậm trễ của CD trong việc thúc đẩy Hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân rã hạt nhân. Nhà lãnh đạo LHQ nhấn mạnh thế giới ủng hộ mạnh mẽ tiến trình thương lượng về Hiệp ước trong khuôn khổ CD. Ông hoan nghênh Tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc hồi tháng trước khẳng định ủng hộ tiến trình thương lượng này.

CD được thành lập năm 1979 gồm 65 nước thành viên nhằm mục tiêu chấm dứt cuộc chạy đua và giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời ngăn chặn cuộc chạy đua vũ khí trên vũ trụ.

Trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm ngoái, TTK LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh đã đến lúc hiện thực hóa giấc mơ một thế giới không vũ khí hạt nhân vì chỉ có như vậy, nhân loại mới được hưởng một thế giới hòa bình hơn.

Ông nhấn mạnh rằng những tổn thất khủng khiếp do thảm họa hạt nhân này - hơn 400.000 người đã thiệt mạng và số người chết do ảnh hưởng của các vụ ném bom hạt nhân ở Nhật Bản đến nay vẫn đang tăng lên. Vì vậy, ưu tiên cao nhất của ông trên cương vị TTK LHQ là giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến hạt nhân.

Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan.

Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan.

  • Pakistan mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Hai tờ báo hàng đầu của Mỹ là Washington Post và New York Times hồi đầu tháng này đưa tin Pakistan đang liên tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân và quan ngại rằng động thái này có thể đã dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo 2 tờ báo này, kho vũ khí hạt nhân của Pakistan hiện đã có tổng cộng hơn 100 vũ khí có thể được triển khai. Con số đó đưa Islamabad dẫn trước nước láng giềng Ấn Độ và đang trên đà vượt qua Anh, cường quốc vũ khí hạt nhân lớn thứ năm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về quy mô kho vũ khí của Pakistan nhưng nhấn mạnh tới tầm quan trọng mà Washington muốn đề xuất về Hiệp ước cắt giảm vật liệu hạt nhân nước này tìm cách thông qua tại cuộc thảo luận của LHQ về giải trừ vũ khí tại Geneva.

Trong phản ứng bằng văn bản trước tin tức mà hai tờ báo nêu trên đưa ra, Bộ Ngoại giao Pakistan thừa nhận rằng nước này đang gia tăng khả năng hạt nhân nhưng cho rằng chính phủ nước này tiếp tục theo đuổi một chính sách duy trì khả năng răn đe hạt nhân và nhận thức rõ sự cần thiết phải tránh một cuộc chạy đua vũ trang với Ấn Độ.

  • Hàn Quốc cũng cần có vũ khí hạt nhân của Mỹ?

Trong buổi làm việc với một ủy ban Quốc hội Hàn Quốc mới đây về hành động leo thang hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young cho biết Seoul có thể cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên lãnh thổ nước này lần đầu tiên trong vòng 19 năm qua.

Ông nói rằng vấn đề này có thể được đề cập trong cuộc họp vào tháng tới của một ủy ban quân sự chung Mỹ - Hàn thảo luận chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm góc Dave Lapan khẳng định hiện Mỹ vẫn chưa có kế hoạch tái triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc. Mỹ đã tháo dỡ những vũ khí này khỏi Hàn Quốc hồi tháng 12-1991.

Theo lời một quan chức quân sự Mỹ, tác động của việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật chủ yếu là về tâm lý vì Hàn Quốc đã được lá chắn hạt nhân của Mỹ bảo vệ.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục