M.Gaddafi “sẵn sàng đáp trả”

Cẩn trọng với khả năng đáp trả
M.Gaddafi “sẵn sàng đáp trả”

Chiến sự ở Libya bước sang ngày thứ 5. Trong khi liên quân tiếp tục tỏ rõ quyết tâm với những trận không kích quy mô, dư luận quốc tế đang hướng đến khả năng trả đũa từ nhà lãnh đạo M.Gaddafi.

Cẩn trọng với khả năng đáp trả

Lãnh đạo M.Gaddafi phát biểu trên truyền hình quốc gia khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng đáp trả”. Ảnh: AFP

Lãnh đạo M.Gaddafi phát biểu trên truyền hình quốc gia khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng đáp trả”. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Claude Gueant ngày 22-3 đã triệu tập một cuộc họp của những người đứng đầu ngành cảnh sát nước này để thảo luận về các nguy cơ an ninh tiềm tàng đến từ Libya.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, Libya có “thành tích” đáng để các nước lưu tâm và cẩn trọng như vụ tấn công máy bay của hãng hàng không UTA bay từ N’djamena tới Paris năm 1989 - khiến 170 người thiệt mạng; vụ đánh bom trên bầu trời Lockerbie (Scotland) làm 270 chết vào năm 1988; vụ đánh bom sàn nhảy ở Berlin năm 1986… Thực tế, bắt cóc người thuộc các nước trong liên minh đã xảy ra, khi phía Libya cách đây 3 ngày bắt cóc một tàu ở cảng Tripoli với 8 thủy thủ Italia trong thủy thủ đoàn và vụ bắt cóc 4 nhà báo của New York Times, 2 nhà báo của Na Uy và Anh làm cho kênh truyền hình Arập Al-Jazeera. Không chỉ có thế, ông Gaddafi hoàn toàn có thể sử dụng mạng lưới thân cận của mình để tấn công các mục tiêu ở châu Phi, châu Mỹ và châu Âu. Những lo lắng trên từ các quan chức Pháp hoàn toàn có cơ sở.

Khi chiến sự nổ ra, ông Gaddafi đã lớn tiếng tuyên bố sẽ quyết chiến với liên quân, biến Địa Trung Hải thành “bãi chiến trường”. Theo AFP, ngày 23-3, ngày thứ 5 chiến sự nổ ra, phát biểu trên truyền hình quốc gia, lãnh đạo Gaddafi tuyên bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng đáp trả” và nhấn mạnh lực lượng của ông sẽ giành được chiến thắng. Tờ Le Figaro phân tích, lời tuyên bố này rất đáng quan tâm vì từ lâu nay, gia đình ông Gaddafi đã tài trợ cho các mạng lưới hoạt động ngầm ở châu Phi, châu Âu và Mỹ. Mối lo những thành phần thuộc lực lượng này “nổi dậy” từ ngay trong lòng các quốc gia khác ngoài Libya hoàn toàn có cơ sở.

Hiện tại, phương Tây đã phong tỏa gần 200 tỷ USD của Gaddafi nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, Ngân hàng Trung ương Libya đang nhận gửi 143,8 tấn vàng (khoảng 4,6 tỷ EUR) thuộc quyền sở hữu của Gaddafi. Số vàng này có thể được bán qua châu Phi thông qua đường biên giới phía Nam của Libya với Niger, Chad và Sudan để đổi lấy vũ khí chuyển đến Tripoli. Hơn nữa, trước khi đi đến bước “bán vàng”, Gaddafi vẫn còn lựa chọn khác. Gần 130 tỷ USD từ 450 tỷ USD tổng doanh thu từ nguồn dầu lửa và khí đốt mà Libya xuất khẩu từ thập niên 80 đến nay. Số tiền này đã biến mất một cách khó hiểu khỏi sổ sách của nhà nước và được cho là đã rơi vào túi ông Gaddafi cùng 9 người con của ông. Trước đây, Gaddafi được cho là giấu tiền trong hàng loạt ngân hàng ở khắp thủ đô, kể từ khi các cuộc nổi dậy bùng nổ, Gaddafi đã chuyển phần lớn số tiền vào kho riêng ở thủ đô Lybia, một nguồn tin tình báo nói với CNBC.

NATO sẽ chỉ huy vùng cấm bay Libya

Trong chuyến thăm Nam Mỹ ngày 23-3, Tổng thống Mỹ B. Obama đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Pháp Nicolas Sakorzy và Thủ tướng Anh David Cameron để thỏa thuận về quyền chỉ huy chiến dịch tại Libya sau khi Mỹ quyết định rút về vị trí hỗ trợ. Kết quả là NATO sẽ sử dụng cấu trúc quân sự của mình để chỉ huy vùng cấm bay tại Libya. Chiến dịch có thể do Đô đốc Mỹ James Stavridis điều hành. Theo Lầu Năm góc, tính đến nay, quân Mỹ dù không dẫn đầu cuộc tấn công nhưng đã thực hiện 212 đợt không kích riêng lẻ trên bầu trời Libya, trong khi tổng số đợt không kích mà những quốc gia còn lại trong liên quân thực hiện là 124 vụ.

Chiến đấu cơ Typhoon của Anh sử dụng cho chiến dịch.

Chiến đấu cơ Typhoon của Anh sử dụng cho chiến dịch.

Phe nổi dậy tiếp nhận vũ khí tại thành phố Ajdabiya. Ảnh: AFP

Phe nổi dậy tiếp nhận vũ khí tại thành phố Ajdabiya. Ảnh: AFP

Đã có hướng giải quyết?

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga sẵn sàng đảm đương sứ mệnh trung gian hòa giải để giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Libya. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo rằng, chiến dịch quân sự do phương Tây cầm đầu ở Libya có thể kích động chủ nghĩa khủng bố quốc tế và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế. Đặc phái viên LHQ về Libya, ông Abdel Elah Al Khatib, cho biết, phe nổi dậy ở Libya muốn nhanh chóng ngừng bắn với các lực lượng chính phủ. Thông báo được đưa ra sau khi đặc phái viên trên có cuộc gặp đầu tiên với thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Mustafa Abdel Jalil và các thành viên Hội đồng dân tộc của phe này ở Tobruk, miền Đông Libya. 

Như Quỳnh


  • Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ở Libya ngừng bắn

(SGGP).- Ngày 23-3, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước diễn biến tình hình hiện nay ở Libya, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam tiếp tục theo dõi với mối lo ngại sâu sắc về những hành động quân sự gây những tổn thất đối với thường dân tại Libya. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, chấm dứt ngay các hành động quân sự và sớm tiến hành đối thoại tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở triệt để tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, không để tạo những tiền lệ tiêu cực trong quan hệ quốc tế, vì lợi ích của nhân dân Libya, hòa bình và ổn định ở khu vực. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của tất cả các bên, các tổ chức khu vực và quốc tế theo hướng đó”.

V.Nghĩa

  • Giá dầu tiếp tục tăng

Ngày 23-3, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 14 công ty con thuộc Tổng công ty dầu lửa quốc gia Libya, siết chặt các nguồn tài chính chủ chốt cung cấp cho chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Ở New York, giá dầu giao tháng 4 đã tăng 1,67USD, lên 104USD/thùng trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5 ở thị trường London tăng lên 115,7 USD/thùng.

Theo AFP, 2 phóng viên của hãng tin AFP (Roberto Schmidt và Dave Clark) và phóng viên ảnh Joe Raedle của Getty Images đã được lực lượng của lãnh đạo Libya Gaddafi thả tự do sáng ngày 23-3. Những người này bị bắt giữ từ cuối tuần trước. Trong khi đó, 4 phóng viên của Đài Truyền hình Al-Jazeera vẫn bị bắt giữ. Theo AFP, kể từ khi chiến sự nổ ra, ít nhất 2 phóng viên đã thiệt mạng. Trước đó, ngày 21-3, 4 phóng viên của tờ New York Times cũng đã được trả tự do, về nhà an toàn nhờ sự hỗ trợ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Hà Nhi

  • Tin giờ chót

- Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe khẳng định NATO sẽ không đảm trách vai trò lãnh đạo chính trị của liên quân tại Libya, song sẽ nhận nhiệm vụ lên kế hoạch và tổ chức hoạt động nhằm thực thi việc áp đặt một vùng cấm bay được LHQ ủng hộ tại quốc gia Bắc Phi này.

- Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trên nguyên tắc về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya.

- Lực lượng bộ binh của chính quyền Gaddafi sẽ là mục tiêu không kích tiếp theo của liên quân sau khi lực lượng không quân của Gaddafi bị liên quân tiêu diệt gần như hoàn toàn.

Thông tin liên quan

- Chiến dịch không kích Libya bước sang giai đoạn 2

- Dinh thự của ông Gaddafi trúng tên lửa

- Báo Le Mond: Phương Tây thu thập thông tin tình báo của Libya một thời gian dài

- Những mốc quan hệ căng thẳng

- Cuộc chiến Libya sẽ kéo dài?

Tin cùng chuyên mục