Chết chưa phải hết

Những ngày qua, khi cả thế giới đang tạm thở phào trước tin trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt thì bất ổn lại bao trùm Pakistan và Afghanistan, 2 quốc gia trọng tâm trong cuộc chiến chống khủng bố. Liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu với số thương vong lớn. Chỉ trong vòng 3 tuần sau khi Bin Laden chết, Taliban đã đẩy mạnh “Cuộc tấn công mùa xuân”, giết hại hơn 60 người ở Afghanistan và hơn 20 người ở Pakistan.

Những vụ tấn công dồn dập, những lời đe dọa đã khiến người ta đã phải tỉnh táo thừa nhận một sự thật: Bin Laden chết không có nghĩa chủ nghĩa khủng bố quốc tế chết theo. Một số nhà bình luận còn lo ngại rằng cái chết của Bin Laden sẽ kéo theo những kế hoạch báo thù tàn khốc. Nguy hiểm hơn, cái chết của  một Bin Laden có thể mở đường để tạo ra một Bin Laden khác tàn bạo hơn.

Lý giải nguyên nhân vì sao Taliban chứ không phải Al Qaeda lại phát động những cuộc tấn công trả thù, Tân Hoa xã nhận định: trong 10 năm qua, Al Qaeda hầu như chỉ ở trạng thái phòng thủ, hiện lại mất nhiều lãnh đạo chủ chốt, phạm vi hoạt động cũng thu hẹp. Tổ chức này không có nhiều tiền để mua vũ khí, chỉ có thể ẩn náu ở những vùng núi hẻo lánh. Trong khi đó, từ năm 2007, sức ảnh hưởng của quân Taliban ở Paskistan bắt đầu lan rộng. Hàng năm, quân đội chính phủ Pakistan đều phát động các chiến dịch tấn công, nhưng do lực lượng mỏng, lại có sự khống chế của thế lực từ các bộ lạc nên không thể dẹp tan quân Taliban. Bên cạnh đó, cái chết của Bin Laden không làm thay đổi những yếu tố cơ bản có lợi cho Taliban trong suốt 10 năm qua, đó là chính quyền trung ương Afghanistan yếu kém, tham nhũng và mất lòng dân. Khả năng và lòng trung thành của lực lượng quân đội cũng như cảnh sát Afghanistan là một nghi vấn lớn.

Cái chết của Bin Laden đã kích động làn sóng chống Mỹ lan rộng tại Pakistan và nhiều quốc gia Hồi giáo, đồng nghĩa với việc tạo một rào cản lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trên hai mặt trận quan trọng Pakistan và Afghanistan. Mỹ cũng mất đi lợi thế khi quan hệ với Pakistan, rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.

Cũng vì lý do này, Mỹ đành phải đẩy mạnh các cuộc đàm phán bí mật với Taliban để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố và thực hiện kế hoạch rút quân vào tháng 7-2011. Nhà Trắng lạc quan rằng thủ lĩnh Taliban Mohammad Omar giờ có thể dễ dàng đáp ứng điều kiện sống còn của Mỹ: chấm dứt quan hệ với Al Qaeda.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thuyết phục các thủ lĩnh Taliban đến bàn đàm phán vẫn là thách thức không nhỏ. Bởi Taliban hiện không có các nhân vật chính trị công khai đứng ra đàm phán. Rõ ràng, cuộc chiến chống khủng bố thời hậu Bin Laden vẫn còn nhiều khó khăn vì chủ nghĩa khủng bố tiếp tục đe dọa an ninh của rất nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, nước đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục