Cuộc chiến tiền tệ leo thang

Bắt đầu từ ngày 7-9, theo quy định mới của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB), tỷ giá sàn của đồng nội tệ nước này là 1,20 CHF/EUR. Trong khi giới chức Thụy Sĩ cho biết việc ngăn chặn đà leo thang mạnh của đồng nội tệ là lựa chọn cuối cùng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, thì giới quan sát nhận định hành động can thiệp áp tỷ giá sàn giữa đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) và đồng EUR đã làm leo thang cuộc chiến tiền tệ trên thế giới.
Cuộc chiến tiền tệ leo thang

(SGGPO).- Bắt đầu từ ngày 7-9, theo quy định mới của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB), tỷ giá sàn của đồng nội tệ nước này là 1,20 CHF/EUR. Trong khi giới chức Thụy Sĩ cho biết việc ngăn chặn đà leo thang mạnh của đồng nội tệ là lựa chọn cuối cùng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, thì giới quan sát nhận định hành động can thiệp áp tỷ giá sàn giữa đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) và đồng EUR đã làm leo thang cuộc chiến tiền tệ trên thế giới.

Biến động của các đồng tiền mạnh đang làm chao đảo thị trường tiền tệ thế giới

Biến động của các đồng tiền mạnh đang làm chao đảo thị trường tiền tệ thế giới

Thụy Sĩ  lo xa

Trong thông báo, SNB cho rằng hiện đồng nội tệ có giá quá cao và đà tăng của đồng tiền này đang đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế, làm tăng nguy cơ giảm phát cũng như gia tăng rủi ro đối với sự bình ổn giá tại Thụy Sĩ. Theo quy định mới của SNB, tất cả những giao dịch ngoại tệ mà tỷ giá đồng Franc Thụy Sĩ  dưới 1,2 CHF/EUR sẽ bị cấm. Trước đó, trong bối cảnh đồng Franc Thụy Sĩ  tiếp tục vượt tầm kiểm soát, ngày 3-8, SNB đã hạ lãi suất cho vay xuống gần 0% nhằm ngăn chặn đà leo thang mạnh của đồng nội tệ.

Bên cạnh việc để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục can thiệp ngay lập tức vào các thị trường tiền tệ, SNB cũng cảnh báo đã quyết định mua ngoại tệ với số lượng lớn trên thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn sự nâng giá nhiều hơn của đồng Franc Thụy Sĩ  với đồng EUR nhằm hạ giá đồng nội tệ nếu cần thiết.

Nhà kinh tế Thorsten Polleit của Barclays Capital cho rằng quyết định gia tăng cung tiền tệ từ 30 tỷ CHF lên 80 tỷ CHF (tương đương từ 39 tỷ USD lên 104 tỷ USD) của SNB cũng tương tự như việc nới lỏng định lượng.

SNB tuyên bố sức mạnh của đồng Franc Thụy Sĩ phản ánh “sự thắt chặt không hợp lý chính sách tiền tệ ” trong khi Thuỵ Sĩ đang cố gắng kìm hãm đà tuột dốc kinh tế nhanh. Chính phủ cho biết đã thành lập “một lực lượng đặc nhiệm” có nhiệm vụ giải quyết tình trạng đồng Franc Thụy Sĩ lên giá và hậu quả đối với kinh tế nước này. Mục đích của SNB là hạn chế nguy cơ xảy ra giảm phát của nền kinh tế Thuỵ Sĩ trong 3 năm tới.

Khi các đồng tiền mạnh không còn là nơi trú ẩn an toàn
 
Bên cạnh đồng Franc Thụy Sĩ, các nhà đầu tư cũng đang có xu hướng tìm tới một nơi trú ẩn an toàn khác là đồng Yen của Nhật Bản. Tuy nhiên vì được coi là tài sản trú ẩn an toàn khi các kênh đầu tư khác đều sụt giảm, Franc Thụy Sĩ và Yen Nhật là 2 đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong năm qua do. Kể từ đầu năm đến nay, Franc Thụy Sĩ đã tăng giá 25% so với đồng USD. Nội tệ tăng giá quá mức khiến kinh tế Thụy Sĩ gặp khó, chính phủ buộc phải bơm vào thị trường một lượng lớn tiền mặt nhằm kìm hãm đà tăng này.

Tuy nhiên, động thái của SNB sẽ làm tăng khả năng nhiều nước trên thế giới sẽ mạnh dạn hơn phá giá đồng tiền nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng về tiền tệ và tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Do đó các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản “có thể sẽ dẫn đầu trong danh sách”. Sau khi quyết định can thiệp làm giảm giá đồng Yen do e ngại đồng Yen lên giá quá mạnh sẽ gây hại cho tiến trình phục hồi sau trận động đất và sóng thần ngày 11-3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đã tung tiền mua thêm nhiều tài sản thế chấp của các tập đoàn và chính phủ, mua trái phiếu chính phủ và tài trợ nhiều dự án công. Đồng Yen Nhật Bản những ngày sắp tới cũng sẽ có xu hướng hạ giá do nỗ lực trên. Hơn lúc nào hết, các công ty Nhật Bản đang rất cần một đồng yen yếu để hưởng lợi thế xuất khẩu sau khi doanh thu của họ sụt giảm mạnh sau thảm họa động đất sóng thần.

Ngược lại với đà tăng giá không ngừng của Franc Thụy Sĩ và Yên Nhật thì đồng USD và EUR cứ liên tục giảm vì những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ và tình hình nợ công tại Hy Lạp đang ngày một gia tăng trong khu vực châu Âu. Châu Âu và Mỹ đang chịu áp lực lạm phát ngày càng trầm trọng. Theo Bloomberg, một dấu hiệu gần đây nhất cho thấy, Mỹ đang bắt tay với châu Âu, dùng chính sách phi lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Theo đó sẽ “phá giá đồng EUR, nâng giá đồng USD” một cách “có kiểm soát” (ám chỉ việc không mong muốn thị trường biểu hiện thái quá, không muốn các nhà đầu tư mất đi lòng tin vào châu Âu). USD tăng giá có thể khống chế giá hàng hóa tăng một cách hiệu quả, còn đồng EUR mất giá lại có thể nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thị trường đã chứng minh cái bắt tay của Mỹ và châu Âu khi thời gian gần đây thị trường chứng kiến sự sụt giảm giá hàng hóa xuất hiện trùng với thời điểm Goldman Sachs, Morgan Stanley bị điều tra, khủng hoảng nợ châu Âu khiến đồng EUR mất giá và đồng USD tăng giá.

“Ngư ông đắc lợi”

Trong khi các đồng tiền mạnh đánh mất lòng tin, thì ngày 7-9 hãng tin AFP cho biết, Ngân hàng Trung ương Nigeria vừa quyết định đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào hệ thống dự trữ ngoại tệ quốc gia, cùng với các đồng USD, EUR và bảng Anh. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lamido Sanusi cho biết trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng với đà tăng trưởng mạnh và kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng lớn, quyết định nói trên sẽ tạo thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế của Nigeria, cũng như thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước. Hiện nay đồng NDT của Trung Quốc đang chiếm từ 5-10% trong tổng lượng dự trữ ngoại tệ vào khoảng 33 tỉ USD của nước này.

Một công trình nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Trung Quốc sẽ phải quốc tế hóa đồng NDT để hỗ trợ quá trình phát triển công nghiệp và thương mại. Công trình nghiên cứu cũng cho rằng chỉ trong vòng một thập niên tới, đồng NDT sẽ trở thành một đồng tiền mạnh, có khả năng cạnh tranh với USD và EUR.

        H.CHI.

Tin cùng chuyên mục