Nhà báo Hy Lạp tố cáo hành vi trốn thuế được tuyên trắng án

Nhà báo Hy Lạp tố cáo hành vi trốn thuế được tuyên trắng án

Làn sóng giận dữ của người dân Hy Lạp với các chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ càng tăng cao khi một nhà báo nước này, ông Costas Vaxevanis, đã công bố danh sách hàng loạt gương mặt nổi tiếng, trong đó có các nhà chính trị, tình nghi trốn thuế với các tài khoản kếch xù ở ngân hàng Thụy Sĩ.

  • Thêm dầu vào lửa?

Theo AFP, phiên tòa xử ông Costas Vaxevanis diễn ra ngày 1-11 tại Athens. Là một nhà báo của đài truyền hình, Vaxevanis bị truy tố và xét xử với tội danh tiết lộ những dữ liệu mang tính cá nhân. Với tội danh này, ông có thể bị lãnh án 3 năm tù và nộp phạt 30.000 EUR.

Ngày 27-10, ông đã cho công bố danh sách 2.059 nhân vật có tài khoản tại Ngân hàng HSBC Thụy Sĩ. Sở hữu tài khoản ngân hàng ở nước ngoài không phải là hành động sai trái hay vi phạm luật pháp của Hy Lạp, nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi người dân đã quá chán ngán với các biện pháp khắc khổ liên tục nối đuôi nhau ra đời, thì chính quyền Athens cho rằng việc nhà báo Costas Vaxevanis công bố danh sách kể trên là hành vi “đổ thêm dầu vào lửa”. Tuy nhiên, phiên tòa đã buộc phải tuyên trắng án với nhà báo Costas Vaxevanis.

Nhà báo Costas Vaxevanis.

Nhà báo Costas Vaxevanis.

Ông Vaxevanis, 46 tuổi, người đã bỏ ra 5.000 EUR thành lập tạp chí Hot Doc cách đây 6 tháng, cho biết, báo chí độc lập rất khó tồn tại ở Hy Lạp. Phát biểu trên tờ The Guardian (Anh) ngay sau khi được trắng án, ông cho rằng một nhóm người điều hành Hy Lạp hiện nay bao gồm các chính trị gia và doanh nhân “độc hại” với sự chống lưng của nhiều nhà báo. “Họ thay đổi luật xoành xoạch và cho ra đời nhiều luật mới để hợp pháp hóa những hành động bất hợp pháp của họ”, nhà báo Vaxevanis nói. Theo ông, các tập đoàn báo chí của Hy Lạp do các ông trùm làm chủ hoặc do ngân hàng tài trợ nên phải nói theo lợi ích của những nhóm này.

  • Trốn thuế tràn lan

Theo Guardian, điều đáng nói là danh sách 2.000 người nói trên do bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF trao cho Chính phủ Hy Lạp cách đây 2 năm khi bà còn là Bộ trưởng Tài chính Pháp. Vậy mà chẳng ai trong số này bị điều tra.

Theo nhà báo Vaxevanis, bà Lagarde cũng đã trao danh sách tương tự cho các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia và nước nào cũng điều tra, ngoại trừ Hy Lạp, vì những người trong danh sách là “bạn của những người đang cầm quyền”. Nhà báo 46 tuổi này khẳng định ông sẽ tiếp tục lật tung nhiều vụ bê bối khác.

Theo ông Vaxevanis, tại sao tư pháp Hy Lạp không điều tra về các khoản tài sản kếch xù của những vị luật sư, các ông chủ đóng tàu, các doanh nhân… giàu sụ, có tiền ủy thác trong ngân hàng Thụy Sĩ, mà lại mất nhiều thời gian để xét xử một nhà báo khi nhà báo đó chỉ làm công việc của mình. Cũng liên quan đến danh sách hơn 2.000 người nói trên, người đứng đầu cơ quan thông tấn AMNA của Hy Lạp đã bị cách chức.

Trong một thông cáo báo chí, ông này cho rằng ông bị cách chức một phần là do ủng hộ việc xuất bản danh sách trên. Chính việc thiếu công khai trong điều tra những người có trong danh sách do bà Lagarde đưa ra, người dân Hy Lạp cho rằng chính phủ nước này thiếu cương quyết trong việc rạch ròi với giới nhà giàu phạm luật.

Trước áp lực của công luận, Chính phủ Hy Lạp tuần trước công bố đã thông báo đến 15.000 người có tài khoản tại Thụy Sĩ kêu gọi đóng thêm thuế vì tài khoản của họ quá chênh lệch so với kê khai thu nhập trong nước. Đây chỉ là một phần trong 54.000 trường hợp đang bị điều tra trốn thuế. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục