Nóng bỏng tranh chấp Nhật - Hàn

Khẳng định chủ quyền
Nóng bỏng tranh chấp Nhật - Hàn

Căng thẳng giữa Nhật Bản - Hàn Quốc, Nhật Bản - Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo trở nên nóng hơn sau khi đích thân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Nhật Bản về cả mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế.

Toàn cảnh đảo Takeshima/Dokdo tranh chấp giữa Nhật Bản - Hàn Quốc.

Toàn cảnh đảo Takeshima/Dokdo tranh chấp giữa Nhật Bản - Hàn Quốc.

Khẳng định chủ quyền

Về đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo), Thủ tướng Noda đã chỉ trích chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới đảo này ngày 10-8 là bất hợp pháp. Ông Noda nhấn mạnh hòn đảo này là “lãnh thổ của Nhật Bản xét cả về khía cạnh lịch sử lẫn luật pháp quốc tế” và “Hàn Quốc đã bắt đầu chiếm đóng bất hợp pháp bằng vũ lực”, đồng thời khẳng định việc Nhật Bản đưa vấn đề Takeshima ra Toà án công lý quốc tế là đúng đắn, dựa trên luật pháp và công lý của cộng đồng quốc tế.

Việc tranh chấp chủ quyền đang đe dọa thực sự mối quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi ngày 24-8 đánh tiếng sẽ xem xét lại thỏa thuận trao đổi tiền tệ giữa Tokyo - Seoul, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới. Thỏa thuận này từng được 2 bên ký kết sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thời điểm Seoul khó khăn về ngoại tệ.

Trong khi đó, Quốc hội Nhật Bản cũng đang tranh luận về một nghị quyết lên án Hàn Quốc “chiếm đóng bất hợp pháp” đảo tranh chấp và kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc rút lại yêu cầu Nhật hoàng xin lỗi về những gì Nhật Bản đã gây ra trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên nếu muốn thăm Hàn Quốc.

Về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), ông Noda nêu rõ quần đảo là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản không có gì phải nghi ngờ xét về mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng Trung Quốc chỉ thực sự tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku kể từ năm 1970, thời điểm phát hiện các vỉa dầu mỏ tiềm tàng trên biển Hoa Đông.

Ông Noda là vị thủ tướng đầu tiên sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ như vậy đối với các tranh chấp lãnh thổ kể từ khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền từ năm 2009. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ giải quyết tranh chấp lãnh thổ với hai nước này với “quyết tâm không mệt mỏi”.

Ông Noda liệt kê những biện pháp mà DPJ áp dụng trong khi xử lý vấn đề chủ quyền lãnh thổ, bao gồm: bảo vệ và quản lý các hòn đảo xa, tăng cường tuần tra cảnh giới các vùng biển xung quanh Nhật Bản và phát đi những thông điệp ngoại giao về tính đúng đắn trong chủ trương của Nhật Bản.

Ngư trường, khí đốt giàu tiềm năng

Takeshima/Dokdo nằm trong nhóm 90 đảo nhỏ có tên quốc tế Liancourt, nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ cuối thế kỷ 20, Takeshima/Dokdo trở thành điểm nóng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mặc dù thời tiết tại Takeshima/Dokdo khá khắc nghiệt, không có nước ngọt, nhưng từ lâu nay Takeshima/Dokdo được biết đến là ngư trường giàu tiềm năng với cá tuyết Alaska, cá thu, mực… là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp diễn ra căng thẳng. Trang web của Chính phủ Hàn Quốc từng khẳng định rằng Takeshima/Dokdo là ngư trường lớn, ngoài ra còn có lượng khí đốt dồi dào và thậm chí có cả dầu mỏ.

Việc tranh chấp Takeshima/Dokdo sẽ còn dai dẳng. Vừa qua, Nhật Bản dự kiến sẽ bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Koro Bessho làm Đại sứ Nhật Bản ở Hàn Quốc bởi Tokyo cho rằng Đại sứ nước này tại Hàn Quốc đã không áp dụng các biện pháp ngoại giao cần thiết để ngăn chặn chuyến thăm không mong đợi của Tổng thống Hàn Quốc đến Takeshima/Dokdo.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Valeri Kistanov nhận định, đây là sự điều chỉnh lớn trong quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc.

Hàn Quốc và Nhật Bản đều cứng rắn trong vấn đề Takeshima/Dokdo thật sự đang làm khó Mỹ khi cả Tokyo và Seoul đều là những đồng minh thân cận của Washington và là những quân bài quan trọng trong chiến lược trở lại châu Á của Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ không hề muốn làm mất lòng bất kỳ nước nào.

Sau khi Tổng thống Lee Myung-bak đến Takeshima/Dokdo, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington giữ thái độ trung lập trong vấn đề này và hoan nghênh bất kỳ kết quả đàm phán nào giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm giải tỏa căng thẳng trong quan hệ hai bên.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục