CHDCND Triều Tiên trả đũa nghị quyết mở rộng trừng phạt

Kết thúc nỗ lực phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?
CHDCND Triều Tiên trả đũa nghị quyết mở rộng trừng phạt

Sáng 23-1 (giờ VN), CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 3 để đáp trả việc Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên liên quan vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng 12-2012.

Vụ phóng thành công một tên lửa mang vệ tinh vào tháng12 năm ngoái của Triều Tiên.

Vụ phóng thành công một tên lửa mang vệ tinh vào tháng12 năm ngoái của Triều Tiên.

Kết thúc nỗ lực phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?

Nghị quyết nhấn mạnh LHQ “lấy làm tiếc về những vi phạm” của Triều Tiên đối với các nghị quyết trước đó vốn cấm Bình Nhưỡng thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo và nhập khẩu các nguyên liệu, kỹ thuật phục vụ mục đích này. Nghị quyết của LHQ không đưa ra các biện pháp trừng phạt mới mà chỉ mở rộng lệnh trừng phạt hiện có đối với Triều Tiên.

Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông cho rằng, nghị quyết là “kết quả của nhiều vòng tham vấn của tất cả các bên hữu quan” và “nói chung là cân bằng”, đồng thời Trung Quốc giữ vững lập trường “rõ ràng và nhất quán” đối với việc Triều Tiên phóng vệ tinh. Còn Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice gọi bản nghị quyết vừa qua là “phản ứng phù hợp, đoàn kết, chắc chắn” đối với hành động thiếu thận trọng của Triều Tiên.

Bà Rice nói rằng lá phiếu đồng thuận của Hội đồng “làm sáng tỏ một điều rằng nếu Triều Tiên lựa chọn thách thức cộng đồng quốc tế thêm một lần nữa, như kiểu tiến hành một vụ phóng tên lửa hay thử hạt nhân, thì Hội đồng sẽ có hành động mạnh tay”.

Vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhất trí mở rộng trừng phạt mới, CHDCND Triều Tiên tuyên bố vẫn tiếp tục đẩy mạnh quân sự, trong đó có chương trình vũ khí hạt nhân. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn một thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng “Triều Tiên sẽ tăng cường các khả năng phòng vệ quân sự, trong đó có răn đe hạt nhân”.

Thông cáo nhấn mạnh vòng đàm phán sáu bên cũng như tuyên bố chung ngày 19-9-2005 đã bị vô hiệu và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chấm dứt bởi “sự thù địch của Mỹ”. Theo thông cáo, sẽ không có thêm những đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong tương lai, song Bình Nhưỡng cũng sẵn sàng đối thoại vì hòa bình và an ninh.

Triều Tiên đang bị  cô lập

Nghị quyết của HĐBA LHQ được thông qua sau các cuộc đàm phán kéo dài hàng tuần giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã đệ trình những biện pháp cứng rắn chống lại Bình Nhưỡng, song bị Trung Quốc phản đối. Giới quan sát cho rằng sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với nghị quyết này là một đòn ngoại giao đáng kể đối với Bình Nhưỡng. Sự hợp tác của Trung Quốc trong bản nghị quyết cũng được coi là bước chuyển biến của nước này dưới thời của nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh nghị quyết trên của HĐBA LHQ, cho rằng “đối thoại là cách duy nhất để đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như hòa bình ổn định trong khu vực”. Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông cho rằng, Trung Quốc giữ vững lập trường “rõ ràng và nhất quán” đối với việc Triều Tiên phóng vệ tinh và nghị quyết mới nhất về Triều Tiên là “kết quả của nhiều vòng tham vấn của tất cả các bên hữu quan” và “nói chung là cân bằng”. Bình Nhưỡng “có quyền sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình, nhưng quyền đó phải được áp dụng trong khuôn khổ các nghị quyết của LHQ”.

Tuy nhiên, trước phản ứng thách thức của CHDCND Triều Tiên, ngày 23-1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về tuyên bố tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng, động thái nhằm công khai thách thức các lệnh trừng phạt mở rộng của LHQ. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hoan nghênh nghị quyết của HĐBA LHQ lên án vụ thử vệ tinh trên, đồng thời cam kết hành động phối hợp “thích đáng” với các nước khác để động thái trên của LHQ được hữu hiệu hơn. Ngoài ra, ông Abe cũng hối thúc Bình Nhưỡng nghiêm túc tiếp nhận thông điệp “kiên quyết” của cộng đồng quốc tế.

Trước diễn biến căng thẳng này, cùng ngày, Trung Quốc đã hối thúc CHDCND Triều Tiên và các cường quốc khác trong khu vực kiềm chế và không có bất cứ hành động nào dẫn đến leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục