Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động: Thế giới lo ngại

Thị trường tài chính quốc tế phản ứng với việc đóng cửa Chính phủ Mỹ khá yên tĩnh. Nhưng nỗi e ngại ngày càng tăng lên khi thế giới cho rằng tình trạng bế tắc chính trị của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động: Thế giới lo ngại

Thị trường tài chính quốc tế phản ứng với việc đóng cửa Chính phủ Mỹ khá yên tĩnh. Nhưng nỗi e ngại ngày càng tăng lên khi thế giới cho rằng tình trạng bế tắc chính trị của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

        Châu Âu lo sốt vó

“Sẽ là diệt vong và tồi tệ hơn nhiều so với năm 2009” - Thibault Prebay, một chuyên gia quản lý tài sản Pháp lo ngại về viễn cảnh tái khủng hoảng như năm 2008. Cuộc khủng hoảng ở Washington đã khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một loạt mối đe dọa. Nếu Quốc hội Mỹ không đồng ý để nâng giới hạn vay nợ của chính phủ, hậu quả sẽ có thể làm hỏng sự phục hồi mong manh trong khu vực đồng euro, làm nặng thêm tình trạng suy thoái đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cảnh báo một lần nữa vào hôm 2-10 rằng, nền kinh tế Mỹ bị một cú sốc đang lúc trên đà hồi phục, đe dọa sức mạnh nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo New York Times, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu. Nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm vì các nhân viên chính phủ không nhận được tiền lương, nhà thầu không được trả tiền và mọi người phải trì hoãn kỳ nghỉ, châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sẽ có ít nhu cầu cho các sản phẩm của châu Âu, bao gồm tất cả mọi thứ từ chiếc Ferrari của Italia đến mỹ phẩm Pháp. Ngoài ra, đồng USD có thể mất giá so với đồng EUR, làm cho sản phẩm châu Âu đắt hơn ở Mỹ.

Nhà triển lãm mỹ thuật quốc gia của Mỹ thông báo đóng cửa.

Nhà triển lãm mỹ thuật quốc gia của Mỹ thông báo đóng cửa.

Tuy nhiên, Jean-Michel Six, chuyên gia kinh tế châu Âu làm tại Standard & Poor (Paris), có vẻ lạc quan hơn, cho biết, lần Chính phủ Mỹ đóng cửa năm 1995 kéo dài 21 ngày cũng chỉ có một hiệu ứng rất nhỏ đối với phần còn lại của thế giới. Giả sử kỳ đóng cửa này kéo dài không quá hai tuần, có lẽ ảnh hưởng sẽ không đáng kể. Nhưng theo ông Hugues Le Maire, Giám đốc điều hành của Diamant Bleu Gestion, một công ty quản lý tài sản Pháp, tình hình kinh tế hiện nay có nhiều khác biệt so với năm 1995. Khi đó, Mỹ ít nợ, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và tăng trưởng mạnh hơn bây giờ. Đặc biệt là châu Âu không gặp khủng hoảng. Bế tắc chính trị ở Washington khiến các doanh nghiệp châu Âu phải rất thận trọng về quy mô đầu tư và cải tiến kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực châu Âu vẫn còn ở mức 12% trong tháng 8, với 19,2 triệu người thất nghiệp.

Tình hình ở Washington gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu và ngân hàng này sẽ tổ chức cuộc họp về chính sách tiền tệ trước mối đe dọa mới cho sự ổn định khu vực sử dụng đồng EUR.

        Châu Á hồi hộp

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ càng làm trầm trọng tình hình kinh tế thế giới khi mà mới tháng trước, FED đã phải hoãn việc nới lỏng chương trình mua trái phiếu của mình sau khi gây ra một dòng chảy vốn khỏi các nước đang phát triển. Châu Á, khu vực tập trung nhiều nước đang phát triển, dù muốn hay không cũng bị tác động. Đồng USD giảm giá so với nhiều đồng tiền châu Á như yen Nhật Bản, won Hàn Quốc, dollar Australia… Đồng nội tệ mạnh hơn so với USD yếu sẽ là một bất lợi cho các nền kinh tế châu Á vốn dựa nhiều vào xuất khẩu.

Trước mắt, chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới 4 nước châu Á vào cuối tuần này bớt đi 2 chặng dừng chân. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, Tổng thống Obama đã gọi điện thông báo rằng ông sẽ không thăm Malaysia mà cử Ngoại trưởng John Kerry thay. Tổng thống Mỹ cũng đã hủy chuyến thăm Philippines. Chưa rõ chuyến thăm 2 nước Indonesia và Brunei có diễn ra hay không. Năm 2010, ông Obama từng hoãn chuyến thăm Indonesia và Australia do bận vận động thông qua dự luật cải cách y tế và xử lý vụ tràn dầu BP. Nếu lần này, Tổng thống Obama lỡ hẹn với châu Á thì xem ra chiến lược của Mỹ trở lại châu Á sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Báo Washington Post dẫn lời ông Michael Green, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, nói: “Nhà Trắng có lẽ sẽ xem xét hủy chuyến thăm châu Á nhưng tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm”. Theo ông Green, ngoài cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, hiện không có nhân vật cấp cao nào trong Chính phủ Mỹ quan tâm đến châu Á.

Theo trang web của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM hiện đang hoạt động và sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi có chỉ thị khác. Tất cả các dịch vụ lãnh sự: Dịch vụ công dân Hoa Kỳ, dịch vụ visa không di dân và dịch vụ visa nhập cư sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi có thông báo thêm. Các hoạt động khác sẽ được xem xét tùy từng trường hợp.

THỤY VŨ tổng hợp

>> Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động vì hết ngân sách!

Tin cùng chuyên mục