Căng thẳng tranh chấp Trung - Nhật

Trong những ngày nghỉ Tết Âm lịch 2013, truyền thông Trung Quốc cho biết nước này đã huy động quân đội tăng cường đến các tỉnh duyên hải phía Đông và nhiều nhà quan sát cho rằng đây có thể là động thái đe dọa chiến tranh với Nhật Bản. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ sớm lên kế hoạch đánh đòn phủ đầu với các nước có hành động đe dọa Nhật Bản.
Căng thẳng tranh chấp Trung - Nhật

Trong những ngày nghỉ Tết Âm lịch 2013, truyền thông Trung Quốc cho biết nước này đã huy động quân đội tăng cường đến các tỉnh duyên hải phía Đông và nhiều nhà quan sát cho rằng đây có thể là động thái đe dọa chiến tranh với Nhật Bản. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ sớm lên kế hoạch đánh đòn phủ đầu với các nước có hành động đe dọa Nhật Bản.

  • Trung Quốc huy động binh lực

Theo các đài truyền hình địa phương Trung Quốc, xe tăng, pháo binh rầm rộ di chuyển dọc tuyến đường chính của tỉnh ven biển Phúc Kiến. Những bức ảnh do người dân địa phương chụp từ ngày 3-2 đến 6-2 cho thấy đoàn xe tăng và pháo binh dài đến vài cây số di chuyển trên đường. Không chỉ ở tỉnh Phúc Kiến, các xe quân sự cũng xuất hiện trên đường phố của tỉnh lân cận là Chiết Giang. Theo trang web molihua.org, những chiếc xe tăng ở tỉnh Hồ Bắc đang được chuyển đến một căn cứ quân sự ở bờ biển. Động thái này diễn ra khi căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Cộng đồng quốc tế đang lo ngại rằng hai nước có thể đang trên bờ vực chiến tranh. Tàu chiến và máy bay của hai bên từng nhiều lần chạm trán trên vùng biển gần quần đảo tranh chấp này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trả lời báo chí về tình hình Senkaku/Điếu Ngư.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trả lời báo chí về tình hình Senkaku/Điếu Ngư.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong suốt cuộc tập trận hải quân gần vùng biển tranh chấp, radar trên tàu chiến của Trung Quốc nhắm trực tiếp vào tàu hải quân của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, một hành động bị Tokyo coi là rất nguy hiểm. Bắc Kinh sau đó đã bác bỏ cáo buộc này. Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, càng ngày càng ít người hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong một diễn biến khác, theo Reuters, ngày 14-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Nhật Bản có quyền phát triển khả năng đánh đòn phủ đầu chống lại các mối đe dọa rõ ràng với Nhật Bản. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Onodera, vào thời điểm này, Nhật Bản không sử dụng chiến thuật này nhưng Nhật Bản sẽ quan sát cẩn thận môi trường an ninh khu vực trước khi áp dụng.

  • Đòn chiến tranh tâm lý

Theo AFP, ngày 15-2, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các tàu hải giám Trung Quốc lại xuất hiện tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản không thể chấp nhận vụ việc.

Theo tờ South China Morning Post số ra ngày 15-2, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về việc khẳng định chủ quyền trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trong một động thái hiếm hoi, truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 14-2 đã phát hình ảnh 3 tàu hải giám Trung Quốc hoạt động tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 5 giờ sáng và phát những lời cảnh báo bằng tiếng Anh và Hoa, yêu cầu lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản rời khỏi khu vực này.

Ngoài ra, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đang tập trung thông tin về các cuộc tập trận của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng như các chuyến tuần tra trên biển của Cơ quan hải dương nhà nước và thêm rằng các thủy thủ và binh sĩ đã phải hy sinh dịp tết đoàn tụ với gia đình để “bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Tại Mỹ, theo Japan Daily Press, một nhóm người Mỹ gốc Hoa tự xưng là “những công dân quan ngại chính sách của Mỹ với Nhật Bản” đã viết thư gửi Tổng thống Barack Obama kêu gọi Mỹ không đứng về phía Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lá thư do giáo sư Wenji V. Chang tại Đại học Nam California soạn thảo được gửi tới ông Obama vì nhóm người này lo ngại chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Mỹ trong tháng này sẽ “có tác động lớn đến hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Onodera đã kêu gọi lập đường dây nóng giữa hai nước để ngăn chặn các vụ va chạm trong khu vực Senkaku/Điếu Ngư. 

KHÁNH MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục