Mối nguy từ “chính phủ lâm thời” ở Syria

Ngày 18-3, lực lượng đối lập Syria đã có cuộc họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thành lập chính phủ lâm thời, bất chấp sự tồn tại của chính phủ do Tổng thống Bashar Assad đứng đầu. Theo giới quan sát, đây là đòn chiến lược của lực lượng đối lập nhằm đặt dấu chấm hết cho các giải pháp chính trị được quốc tế ủng hộ về vấn đề Syria.
Mối nguy từ “chính phủ lâm thời” ở Syria

Ngày 18-3, lực lượng đối lập Syria đã có cuộc họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thành lập chính phủ lâm thời, bất chấp sự tồn tại của chính phủ do Tổng thống Bashar Assad đứng đầu. Theo giới quan sát, đây là đòn chiến lược của lực lượng đối lập nhằm đặt dấu chấm hết cho các giải pháp chính trị được quốc tế ủng hộ về vấn đề Syria.

  • Nhiều ý kiến phản đối

12 ứng cử viên tham gia tranh cử cho vị trí Thủ tướng lâm thời gồm các chuyên gia kinh tế, các nhà doanh nghiệp cùng một cựu bộ trưởng nội các Syria. Phát biểu trước báo giới, một thành viên của Liên minh dân tộc đối lập cho biết, chức năng chính của chính phủ lâm thời là kiểm soát tình hình, cung cấp cho người dân Syria điện, nước, thông tin liên lạc cũng như đảm bảo an toàn cho người dân. Trụ sở của chính phủ lâm thời sẽ được đặt tại Syria. Liên minh này khẳng định, một trong những ưu tiên hiện nay của chính phủ lâm thời là kêu gọi sự công nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Phe đối lập Syria đã chiếm được một số lượng vũ khí khổng lồ.

Phe đối lập Syria đã chiếm được một số lượng vũ khí khổng lồ.

Quyết định thành lập chính phủ lâm thời ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của Chính phủ Syria. Một thành viên của Chính phủ Syria cho rằng, lực lượng đối lập đang ủng hộ các lợi ích nước ngoài và cố gắng chia rẽ Syria từ trong nội bộ. Mỹ và LHQ đều bày tỏ không mặn mà lắm với ý tưởng thành lập chính phủ lâm thời tại khu vực do nhóm đối lập kiểm soát, vì cho rằng Syria hiện giờ nên tập trung vào quá trình chuyển giao chính trị.

Ngay cả trong nội bộ Liên minh dân tộc đối lập Syria cũng có những ý kiến phản đối thành lập chính phủ lâm thời. Lãnh đạo liên minh Mouaz al-Khatib cho rằng thành lập chính phủ lâm thời có thể gây chia rẽ nghiêm trọng tại Syria. Các nhóm phiến quân cực đoan Hồi giáo, đặc biệt là lực lượng Jabhat al-Nusra có liên hệ đến al-Qaeda đang càng ngày chiếm ưu thế tại Syria, cũng bày tỏ không ủng hộ lực lượng quân đội Syria tự do và chưa tuyên bố ý định ủng hộ chính phủ lâm thời.

  • Lún sâu vào nội chiến

Lực lượng đối lập tại Syria cho rằng, thành lập chính phủ lâm thời là một “lối thoát cho cuộc xung đột” kéo dài 2 năm qua tại Syria nhưng các chuyên gia phân tích chính trị cảnh báo, bằng việc thành lập một nội các lâm thời, lực lượng đối lập Syria sẽ đặt dấu chấm hết cho bất cứ khả năng đàm phán nào với Chính phủ Syria, đồng thời kết thúc các giải pháp ngoại giao của cộng đồng quốc tế.

Trong lúc này, Chính phủ Syria vừa cảnh báo Lebanon và Jordan đang “đùa với lửa” khi cho phép các tay súng và vũ khí qua biên giới 2 nước này vào Syria. Những ngày gần đây, Lebanon làm ngơ cho hoạt động buôn bán vũ khí sang Syria. Tờ Al-Watan ngày 17-3 đưa tin hàng trăm tay súng thánh chiến trang bị súng ngắn, súng máy, các vũ khí chống tăng và chống máy bay đã thâm nhập vào Syria qua biên giới ở tỉnh Daraa miền Nam Jordan. Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về các vụ tấn công xuyên biên giới gây thương vong tại Lebanon. Ngày 18-3, sau một cuộc giao tranh dữ dội kéo dài hơn 3 ngày, các tay súng nổi dậy đã chiếm được một số kho vũ khí ở làng Khan Toman, phía Nam tỉnh Aleppo.

Theo số liệu của LHQ, tính đến nay, cuộc nội chiến tại Syria đã làm 70.000 người thiệt mạng và buộc 4 triệu người rời bỏ nhà cửa. Chính phủ Syria cho rằng những người đang cố lật đổ chính phủ này được lực lượng khủng bố nước ngoài tiếp tay. Issam Khalil, nhà lập pháp của đảng Baath cầm quyền, lặp lại quan điểm của Damascus rằng phe đối lập đang theo đuổi lợi ích của nước ngoài và đang âm mưu cho “nổ tung Syria từ bên trong”. 

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục