Báo Triều Tiên kêu gọi chú trọng phát triển kinh tế

Ngày 10-4, trong khi truyền thông thế giới đang chăm chú theo dõi từng động thái của Triều Tiên vì lo ngại chiến tranh bùng nổ nếu Triều Tiên phóng tên lửa, nhịp sống tại Triều Tiên vẫn diễn ra bình thường. Đáng chú ý hơn, tờ Rodong Shimbun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên lại kêu gọi người dân hợp lực để phát triển kinh tế thay vì hô hào chuẩn bị tinh thần chiến đấu.
Báo Triều Tiên kêu gọi chú trọng phát triển kinh tế

Ngày 10-4, trong khi truyền thông thế giới đang chăm chú theo dõi từng động thái của Triều Tiên vì lo ngại chiến tranh bùng nổ nếu Triều Tiên phóng tên lửa, nhịp sống tại Triều Tiên vẫn diễn ra bình thường. Đáng chú ý hơn, tờ Rodong Shimbun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên lại kêu gọi người dân hợp lực để phát triển kinh tế thay vì hô hào chuẩn bị tinh thần chiến đấu.

  • Triều Tiên “quá đà”

Rodong Shimbun, tờ nhật báo lớn nhất của Triều Tiên, gửi đi một thông điệp gây chú ý, với nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề kinh tế. Tiêu đề của tờ Rodong kêu gọi: “Hãy tăng tốc nhịp độ chính sách phát triển kinh tế”. Bài báo không đề cập đến tình hình căng thẳng diễn ra giữa Triều Tiên và các nước láng giềng. Thông điệp của Rodong khác hẳn so với hãng truyền hình trung ương KCNA, vốn thường đưa ra những lời tuyên bố chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc.

Người dân Triều Tiên nhảy múa trên đường phố Bình Nhưỡng trong ngày 9-4.

Người dân Triều Tiên nhảy múa trên đường phố Bình Nhưỡng trong ngày 9-4.

Theo các hãng tin nước ngoài như Reuters, AP, người dân Triều Tiên vẫn tỏ ra bình thản. Ở khu vực nông thôn, nông dân đã trở lại với công việc cày cấy sau đợt hạn hán. Thủ đô Bình Nhưỡng được trang hoàng lung linh để chào đón ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành- một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm. Binh sĩ đã rút khỏi các công trình xây dựng, sinh viên vẫn tiếp tục đến trường. AP nhận xét những hình ảnh trên đi ngược lại với ấn tượng rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã đạt đến đỉnh điểm kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 60 năm trước.

Triều Tiên đã đóng cửa điểm quá cảnh ở biên giới nước này và Trung Quốc, ngăn không cho khách du lịch đến Bình Nhưỡng bằng đường bộ. Tuy nhiên, ngoài khách du lịch, những người làm kinh doanh vẫn có thể tự do ra vào Triều Tiên. Hiện cũng không có dấu hiệu nào cho thấy sự tháo chạy của các công ty hay khách du lịch nước ngoài khỏi Hàn Quốc sau cảnh báo của Triều Tiên đưa ra ngày 9-4.

Tạp chí Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phát đi thông điệp cho rằng Bình Nhưỡng đã “quá đà” khi liên tục đe dọa chiến tranh. Biểu hiện của Bình Nhưỡng tiếp tục làm xấu đi hình ảnh của Triều Tiên trên trường quốc tế, làm tổn hại uy tín nước này. Thời báo Hoàn Cầu phân tích, việc Triều Tiên đi theo lộ trình bờ vực chiến tranh, khả năng lớn nhất là tự dồn mình vào con đường ngày càng tồi tệ. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên trong quý 1-2013 chỉ đạt 720 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

  • Mỹ, Hàn tăng cường đối phó

Tình báo Mỹ, Hàn Quốc đồng loạt nâng mức độ do thám chung. Chỉ huy các lực lượng phối hợp đã nâng cấp độ “Watchcon” từ 3 lên 2. Đây là cấp độ cho thấy có đe dọa nguy hiểm. Cấp độ Watchcon 4 được duy trì trong thời điểm bình thường, trong khi cấp độ Watchcon 3 phản ánh có mối đe dọa lớn. Watchcon 1 được sử dụng trong thời chiến.

Trong khi đó, các quan chức an ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã triển khai 2 tên lửa tầm trung Musudan có tầm bắn 3.000 - 4.000km, có khả năng vươn tới các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, tới Wonsan ở bờ biển phía Đông nước Mỹ và có thể sẽ phóng một quả tên lửa trong ngày 10-4. Theo Yonhap, hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy xuất hiện thêm 4-5 xe chở tên lửa TEL tại tỉnh Hamkyung, làm dấy lên nghi ngờ Triều Tiên có thể phóng tên lửa từ nhiều địa điểm. Nguồn tin cho hay các bệ phóng di động này được sử dụng để phóng tên lửa tầm ngắn Scud có tầm bắn 300-500km và tên lửa tầm trung Nodong có tầm bắn 1.300-1.500km.

Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị Trung Quốc và Nga hỗ trợ kiềm chế Triều Tiên trước những động thái khiêu khích quân sự ngày càng gia tăng. Trung Quốc hiện vẫn là đồng minh chủ yếu và cốt lõi của Triều Tiên, trong khi Mátxcơva lại được coi là đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ nỗ lực góp phần làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục