Hồi kết của cuộc cách mạng bị đánh cắp

Sự kiện quân đội Ai Cập đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Morsi đánh dấu thêm một cột mốc của chặng đường tiếp tục bất ổn ở đất nước Kim Tự Tháp.

Sự kiện quân đội Ai Cập đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Morsi đánh dấu thêm một cột mốc của chặng đường tiếp tục bất ổn ở đất nước Kim Tự Tháp.

Hơn hai năm trước làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới ẢRập: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Marocco với những cái tên mỹ miều: Cách mạng Hoa nhài hay Mùa xuân Ảrập. Cuộc đấu tranh xuất phát từ yêu sách đòi cải cách kinh tế, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, thực hiện công bằng xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Thế nhưng vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo ở đây đang được Mỹ ủng hộ là tâm điểm của cơn bão Mùa xuân Ảrập nên Mỹ đã vội vàng nhảy vào lèo lái phong trào đấu tranh ở đây theo hướng có lợi cho mình dưới cái mác trung gian hòa giải. Các nhà lãnh đạo bị Mỹ cho là độc tài, cả những người ngày nào là đồng minh của Mỹ giờ bị gọi là nhà độc tài cuối cùng phải ra đi bằng nhiều cách khác nhau ở nhiều quốc gia: khá thuận lợi như Tunisia, kịch tính như ở Ai Cập và đẫm máu như ở Libya. Chiến thắng của nhân dân các nước trong khu vực mặc nhiên có kèm theo công lao của Mỹ. Lúc đó dư luận thế giới đã gọi Mỹ là người đánh cắp cuộc cách mạng của nhân dân các nước Ảrập.

Khi hàng triệu người xuống đường hai năm trước, Mỹ đã nhìn thấy sức mạnh của tổ chức Anh em Hồi giáo, nên ngoài việc “chỉ đạo” cho quân đội Ai Cập, có những lúc Mỹ đã bắt tay với họ chuẩn bị cho tương lai Ai Cập, một tương lai đảm bảo lợi ích của Mỹ trong khu vực. Thế nhưng những gì Anh em Hồi giáo và Tổng thống Morsi thực hiện trong thời gian qua dường như đang đe dọa lợi ích của Mỹ và theo truyền thông phương Tây họ cũng cản trở tiến trình dân chủ, không cải thiện được tình hình kinh tế, đất nước tiếp tục rơi vào bất ổn... Thời gian qua dư luận quốc tế đã nhận định không sớm thì muộn chính quyền của ông Morsi và Anh em Hồi giáo sẽ phải rời chính trường.

Và điều gì phải đến đã đến.

Không chỉ có Mỹ đánh cắp cuộc cách mạng này mà các thế lực Hồi giáo cũng đã lợi dụng cuộc đấu tranh của nhân dân, “ngồi tựa mạn thuyền” của Mỹ để tăng cường ảnh hưởng, bước lên vũ đài chính trị. Đó là những gì Anh em Hồi giáo đã làm. Tại Ai Cập, các đảng Hồi giáo đã bị cấm hoạt động dưới thời ông Mubarak. Đằng sau lệnh cấm đó có bàn tay của Mỹ bởi vì Mỹ lo ngại các thế lực Hồi giáo ở Ai Cập sẽ tiến hành một cuộc cách mạng giống như ở Iran đã hất chân Mỹ khỏi đất nước bên bờ vịnh Ba Tư cho đến ngày nay. Cho nên khi người ta thấy Mỹ bắt tay với Anh em Hồi giáo thì biết ngay đó là mối quan hệ thực dụng và rất mong manh.

Sau khi phong trào Mùa xuân Ảrập giành được chiến thắng bước đầu, đã có nhiều ý kiến lo ngại các thế lực Hồi giáo cực đoan nổi lên ảnh hưởng đời sống xã hội có thể là một xu hướng xấu. Nhiều trí thức Ảrập nhận xét không nên gọi là Mùa xuân Ảrập vì mùa xuân phải là mùa đơm hoa kết trái, phải mang đến những điều tốt đẹp nhưng cái hậu của Mùa xuân Ảrập không mở ra một tương lai sáng sủa hơn. Tất cả những gì đang diễn ra không phục vụ lợi ích nhân dân. Và đó cũng là kết quả của một cuộc cách mạng bị đánh cắp.

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục