Được, mất

Hơn 1 năm, kể từ thời điểm cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trì hoãn việc ký hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), Ukraine rơi vào khủng hoảng chính trị.

Hơn 1 năm, kể từ thời điểm cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trì hoãn việc ký hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), Ukraine rơi vào khủng hoảng chính trị.

Mạng Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc đã có bài viết về được và mất của các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu được xem làm ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện chính trị thế giới.

Mỹ được nhiều hơn mất. Đầu tiên, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thông qua cổ vũ cách mạng, Mỹ thành công trong việc lôi kéo Ukraine ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Tiếp theo, trong khi quan hệ giữa Nga và châu Âu rơi vào tình trạng căng thẳng, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và châu Âu lại được củng cố. Sức mạnh của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại được coi trọng, các nước thành viên của NATO buộc phải tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 5-9, tổ chức này tuyên bố các nước thành viên sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP trong 10 năm tới. Đồng thời, NATO sẽ thành lập lực lượng phản ứng nhanh, triển khai tại các nước thành viên ở Đông Âu. Thông qua cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ điều động thành công lực lượng và tài chính của châu Âu, vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế Nga, vừa đầu tư rất ít nguồn lực của mình. Ngoài ra, quan hệ giữa châu Âu và Mỹ được tăng cường có lợi cho việc Mỹ trong việc đàm phán Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Nga mất nhiều hơn được. Việc bán đảo Crimea đòi độc lập rồi sáp nhập vào Nga giúp tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng vọt ở trong nước, đồng thời tạp chí Forbes xếp ông Putin là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vấn đề Nga theo đuổi là toàn Ukraine, để Nga có thể thiết lập sức mạnh của Liên minh Âu - Á bao gồm Ukraine, nhưng cuối cùng Mátxcơva chỉ có Crimea. Hơn nữa, lòng tin giữa Nga và châu Âu tích lũy trong nhiều năm đã biến mất. Thay vào đó, các nước phương Tây không ngừng gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga, làm cho nền kinh tế của Nga gặp không ít khó khăn.

Châu Âu thì được mất ngang nhau. Khi có “mầm mống” xuất hiện một cuộc cách mạng ở Ukraine, châu Âu đã tích cực thúc đẩy với ý đồ lôi kéo Ukraine về phía mình. Cuối cùng, tuy châu Âu giành được Ukraine, nhưng lại không phải là thắng lợi hoàn toàn. Về kinh tế, khác với Mỹ, quan hệ kinh tế giữa châu Âu và Nga rất chặt chẽ, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU. Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga là rất lớn, trong đó 30% lượng khí tự nhiên nhập khẩu của EU là từ Nga. Trong tình hình quan hệ chặt chẽ, việc trừng phạt Nga cũng khiến châu Âu bị tổn thất lớn. Về an ninh, các nước châu Âu buộc phải tăng cường can dự quân sự trong khi kinh tế mới thoát khỏi khủng hoảng; mặt khác, đối đầu trực tiếp với Nga cũng làm tăng khả năng xung đột, cái giá mà châu Âu phải trả quá đắt.

Thiệt hại lớn nhất trong cuộc khủng hoảng chắc chắn là Ukraine. Không chỉ mất đi Crimea, quốc gia Đông Âu này còn rơi vào một cuộc nội chiến. Đất nước rối ren, khả năng xuất hiện tình trạng ly khai và xung đột vũ trang lâu dài sẽ gia tăng. Kinh tế Ukraine ngày càng suy thoái khi đồng tiền nước này mất giá trên 50%, lạm phát lên tới 25%, tăng trưởng 2014 dự báo giảm thêm 7% so với năm trước.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục