Thách thức và cơ hội

Cơn giận dữ của cộng đồng người da màu sau vụ thanh niên Michael Brown (18 tuổi) bị cảnh sát da trắng bắn chết chưa nguôi thì ngày 20-8 lại xảy ra thêm một vụ cảnh sát bắn chết một người da màu nữa. Dù nguyên nhân của vụ thứ hai xuất phát từ thái độ kích động nguy hiểm của nạn nhân khi cầm dao xông tới cảnh sát nhưng việc nổ súng trong thời điểm căng thẳng này chẳng khác gì hành vi châm dầu vào lửa. Đây là điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ Obama không hề mong muốn khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Cộng đồng người gốc Phi sống ở Mỹ là 14%. Cục Điều tra dân số Mỹ từng đưa ra dự đoán nhóm người này sẽ chiếm 25% dân số Mỹ năm 2030. Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát mới nhất của Fox News thì 65% người được hỏi trong một cuộc khảo sát nói họ mong chờ Quốc hội thông qua một dự luật mở đường cho hơn 11 triệu người nhập cư không đủ giấy tờ đang sống ở Mỹ có thể chính thức trở thành công dân Mỹ. Những áp lực này đặt Tổng thống Obama trước tính toán phải sớm làm dịu cơn phẫn nộ ngày càng nóng.

Vụ việc ở thị trấn Ferguson, bang Missouri không mới, nó chỉ là giọt nước tràn ly để chính quyền Mỹ nhìn lại những bất cập đã tồn tại quá lâu. Đó là việc lực lượng cảnh sát áp dụng một cách cứng nhắc học thuyết “Cửa sổ bị đập vỡ” của ngành tội phạm học. Theo lý thuyết này thì cần ngăn chặn ngay những hành vi gây nguy hại ngay từ những biểu hiện nhỏ nhất, tuyệt đối không để hành vi ấy chuyển thành hành vi nguy hiểm. Tháng trước, một người da màu bán thuốc lá ở thành phố New York không đóng thuế đã bị cảnh sát siết cổ đến chết. Không chỉ New York mà ở nhiều nơi ở Mỹ đang chạy theo chỉ tiêu bắt giữ. Những lời cảnh cáo không được ghi nhận mà thay vào đó là hành vi cứng rắn, được chuyển thành một vụ việc cụ thể trong hồ sơ.

Trong bài phát biểu lần thứ hai về cái chết của Michael Brown ngày 19-8, Tổng thống Obama có nói: “Thế giới đang nhìn vào chúng ta. Những nỗ lực xóa bỏ phân biệt vẫn không đẩy lùi được những định kiến. Mục tiêu cuối cùng vẫn chưa thực hiện được”. Đề cập đến khủng hoảng niềm tin của người dân lần này, Tổng thống Obama đã giữ thái độ cân bằng. Nguyên nhân vì các mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ không chỉ đến từ các nhóm chiến binh bên ngoài, mà còn từ những kẻ cực đoan đang là công dân Mỹ. Nếu thiếu sự cứng rắn của lực lượng cảnh sát thì lợi ích quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, những hình ảnh đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm được áp đặt xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Hầu hết đều nhận định sự cố ở Ferguson đã cho thấy rõ thực tế ngược lại những điều mà Mỹ luôn hướng đến và yêu cầu những quốc gia khác trên thế giới cùng đạt được. Ở Ferguson đã có bạo lực, phân biệt chủng tộc và cản trở truyền thông tác nghiệp khi rất nhiều phóng viên đã bị bắt giữ. Đây là dấu trừ trong chính sách đối ngoại của Mỹ với các nước.

Thách thức lần này được xem là cơ hội nếu chính quyền Tổng thống Obama biết cách chuyển hướng để lấy lại niềm tin người dân. Nếu sớm hạ nhiệt tình hình ở Ferguson và có những điều chỉnh hợp lý trong lực lượng cảnh sát thì chính quyền Tổng thống Obama một mặt vừa chứng tỏ được khả năng bảo đảm an ninh quốc gia, mặt khác, xoa dịu được cộng đồng gốc Phi đang bức xúc ở mức đỉnh điểm.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục