EU ngần ngại siết chặt cấm vận Nga

Tối hậu thư của EU
EU ngần ngại siết chặt cấm vận Nga

Tại cuộc họp thượng đỉnh Hội đồng châu Âu diễn ra ngày 31-8 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã không thể siết chặt thêm lệnh cấm vận mới chống Nga cho dù khối này tiếp tục dùng lời lẽ cứng rắn chỉ trích sự can dự ngày càng gia tăng của Nga ở Ukraine.

Tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp mãn nhiệm Herman Van Rompuy và người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini.

Tối hậu thư của EU

Hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh EU Herman Van Rompuy cho biết, các nhà lãnh đạo chính phủ và nhà nước 28 quốc gia thành viên đã giao nhiệm vụ cho cơ quan điều hành của họ - Hội đồng châu Âu - để “khẩn trương” chuẩn bị siết chặt cấm vận kinh tế Nga trong vòng một tuần nữa. Quyết định siết chặt cấm vận sẽ phụ thuộc vào sự tiến triển của tình hình trên thực địa. Ông Van Rompuy nhận định rằng EU phải sớm hành động. Tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu kêu gọi Nga “ngay lập tức rút toàn bộ vũ khí và lực lượng của mình khỏi Ukraine”.

Trong tuần, NATO cho rằng đã có ít nhất 1.000 binh sĩ Nga ở Ukraine nhưng phía Nga đã phủ nhận thông tin này. NATO cũng tiếp tục cho rằng Nga đã điều 20.000 quân đến biên giới phía Ukraine có thể nhanh chóng thực hiện điều mà họ gọi là “thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện” Ukraine.

Theo số liệu của LHQ, cuộc giao tranh giữa quân đội và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine cho đến nay đã làm 2.600 người chết.

Mỹ và EU cho đến nay đã áp đặt cấm vận hàng chục quan chức Nga, một số công ty cũng như các ngành công nghiệp tài chính và vũ khí của nước này. Nga đã trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết “lệnh trừng phạt mới sẽ nhắm mục tiêu vào một số ngành công nghiệp đã chịu các biện pháp trừng phạt trước đó, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu đối với một số thiết bị công nghệ cao và khai thác dầu khí”.

Một số nhà lãnh đạo thành viên EU kêu gọi siết chặt cấm vận Nga ngay lập tức trong cuộc họp tại Brussels. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, hơn ai hết là người kêu gọi EU có phản ứng mạnh mẽ với Nga khi cho rằng “hàng ngàn quân và hàng trăm xe tăng nước ngoài đã hiện diện trên lãnh thổ của Ukraine, đe dọa không chỉ đối với hòa bình và ổn định của Ukraine mà còn với toàn bộ châu Âu”. Tổng thống Lítva Dalia Grybauskaite còn cho rằng: “Nga đang trong tình thế chiến tranh với toàn châu Âu”. Tuy nhiên, đa số thành viên EU vẫn e ngại sự trả đũa dữ dội từ Nga khiến EU cũng phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Nga là đối tác thương mại thứ 3 của EU và là nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn nhất cho EU.

Cảnh báo về lệnh cấm vận mới chống Nga

Hãng thông tấn Nga Ria-Novosti ngày 31-8 dẫn lời Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nước Nga có thể phản tác dụng. Ông Schulz cho biết như trên trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu ở Brussels.

Theo ông Schulz, trừng phạt kinh tế chống lại nước Nga có thể ảnh hưởng đến lập trường của Mátxcơva về cuộc xung đột Ukraine, nhưng sẽ đi kèm hậu quả tiêu cực đối với EU và các nước thành viên.

Thậm chí, một thành viên của EU-Slovakia cho biết nước này có thể phủ quyết lệnh trừng phạt mới của EU chống lại Nga. Theo Itar-Tass, Thủ tướng Slovakia Robert Fico phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu vào ngày 31-8 nói: “Tôi tin rằng các biện pháp trừng phạt đó sẽ trở thành vô nghĩa và phản tác dụng. Slovakia có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình”. Thủ tướng Slovakia cho biết không có chuyện áp đặt lệnh cấm vận mới khi mà EU không biết được kết quả của các lệnh cấm vận trước đó. Maja Kocijanic, người phát ngôn của đại diện cấp cao về đối ngoại và chính sách an ninh của EU, cho biết EU vẫn còn đang phân tích hậu quả của các biện pháp trừng phạt của EU chống Nga.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu ngày 30-8, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu với nhiệm kỳ hai năm rưỡi bắt đầu từ ngày 1-12-2014 thay cho đương kim Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy hết nhiệm kỳ. Ông Donald Tusk sinh ngày 22-4-1957 tại Gdansk, Ba Lan, tốt nghiệp ngành sử khoa Nhân văn thuộc Đại học Gdansk. Ông làm Thủ tướng Ba Lan từ ngày 16-11-2007. Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini cũng đã được bầu làm người đứng đầu chính sách đối ngoại EU thay bà Catherine Ashton.

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục