Tên lửa Triều Tiên rơi vào vùng nhận dạng phòng không Nhật Bản

Ngày 24-8, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) ở vùng biển phía Đông của nước này.
Tên lửa Triều Tiên rơi vào vùng nhận dạng phòng không Nhật Bản

Ngày 24-8, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) ở vùng biển phía Đông của nước này.

Thách thức nghị quyết trừng phạt 

Vụ phóng tên lửa diễn ra ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Nam Hamgyong vào lúc 5 giờ 30 phút (giờ địa phương), gần thành phố Sinpo - địa điểm có căn cứ tàu ngầm của Triều Tiên. Thông tin về vụ phóng thử tên lửa được phát đi trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung “Người bảo vệ tự do Ulchi”, vốn bị Bình Nhưỡng coi là hành động khiêu khích và đe dọa sẽ tấn công hạt nhân phủ đầu.

Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa này bay được khoảng 500km và rơi trong vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản. Trước đó, vào ngày 9-7, Triều Tiên cũng đã phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Vụ phóng được thực hiện tại khu vực biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin về vụ phóng tên lửa Triều Tiên và tuyên bố sẽ nêu quan ngại về vấn đề này với Liên hiệp quốc. Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ cho biết tên lửa được sử dụng trong vụ phóng có thể là mẫu tên lửa đạn đạo KN-11 và vụ phóng này không tạo ra mối đe dọa nào với khu vực Bắc Mỹ.

Theo giới phân tích, vụ phóng được tiến hành trong thời điểm này cho thấy Triều Tiên đang bất chấp sự cô lập của cộng đồng quốc tế, cũng như thách thức các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Ngay sau vụ phóng trên, Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã tiến hành họp khẩn cấp để đánh giá tình hình.

Liên quan đến hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) đã phân tích rằng trong năm nay, Triều Tiên đã thu được từ 5,5 - 8kg plutonium từ quá trình tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Thông thường, mỗi vũ khí hạt nhân cần từ 2 - 4kg plutonium. Theo đó, Triều Tiên đã sản xuất được lượng plutonium đủ để chế tạo được từ 2 - 4 vũ khí hạt nhân.

Hiện ISIS vẫn giữ nguyên số liệu từng công bố hồi tháng 6 vừa qua, tức Bình Nhưỡng đang sở hữu lượng vật chất hạt nhân đủ để sản xuất từ 13 - 21 vũ khí hạt nhân.

Mối đe dọa ở khu vực

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên và sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp trừng phạt hiệu quả cũng như gây sức ép với Bình Nhưỡng. Trung tá Gary Ross, người phát ngôn Lầu Năm Góc tuyên bố, Mỹ cam kết bảo vệ các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản để đối mặt với những đe dọa này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một mối đe dọa lớn đối với an ninh của Nhật Bản, đồng thời hối thúc Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu khích sau loạt vụ phóng tên lửa. Đây là lần đầu tiên tên lửa của Triều Tiên rơi vào vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản. Giới quan sát cho rằng, nếu Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, đây có thể sẽ là mối đe dọa an ninh đối với khu vực bởi thường chúng rất khó bị phát hiện trước khi phóng.

Ngày 24-8, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm ba bên với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ba bên đã nhất trí hối thúc Triều Tiên kiềm chế hành động khiêu khích và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh phản đối chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Thông cáo báo chí sau cuộc hội đàm cho biết, các ngoại trưởng cũng đã nhất trí thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh ba bên vào cuối năm 2016 tại Nhật Bản.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục