Kinh tế ASEAN năm 2017: Tăng trưởng là xu thế chủ đạo

Các chuyên gia kinh tế nghiên cứu về thị trường ASEAN dự báo trong năm 2017, tăng trưởng vẫn là xu thế chủ đạo ở khu vực ASEAN dù kinh tế thế giới vẫn chậm phục hồi.
Kinh tế ASEAN năm 2017: Tăng trưởng là xu thế chủ đạo

Các chuyên gia kinh tế nghiên cứu về thị trường ASEAN dự báo trong năm 2017, tăng trưởng vẫn là xu thế chủ đạo ở khu vực ASEAN dù kinh tế thế giới vẫn chậm phục hồi.

Một nhà máy sản xuất ô tô tại Indonesia

Điểm đến hấp dẫn

Chuyên gia kinh tế Anna Marrs, Giám đốc ngân hàng Standard Charterred Bank khu vực Đông Nam Á và Nam Á nhận định, kinh tế 10 quốc gia thành viên ASEAN vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng, dự báo sẽ từ 5% - 7% trong năm nay. Indonesia và Philippines được cho là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2017 nhờ chiến lược xuất khẩu cũng như ưu tiên thị trường trong nước. Tổng thương mại nội khối sẽ duy trì đà phát triển tốt, chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị thương mại của khối. Điều này có nghĩa là khu vực ASEAN, với sức mua đang tăng, vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khu vực ASEAN cần cân nhắc mở ra những sân chơi lớn hơn ở các khu vực khác, như Nam Á. Theo Ngân hàng thế giới (WB), mỗi tháng khu vực Nam Á có khoảng 1 triệu người gia nhập vào lực lượng lao động. Đến năm 2030, ASEAN và Nam Á sẽ là khu vực tập trung của hơn 1/4 số người trong độ tuổi lao động của thế giới. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thương mại giữa Đông Nam Á và Nam Á đã tăng từ mức 4 tỷ USD vào năm 1990 lên 90 tỷ USD vào năm 2013. Trong giai đoạn này, thị phần Đông Nam Á của khu vực Nam Á trong lĩnh vực thương mại chỉ tăng nhẹ từ 11% lên 12%, trong khi thị phần Nam Á của khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực thương mại đã tăng gấp đôi, từ 2% lên 4%. Chính phủ các nước như Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh đang tích cực thực hiện việc cải cách hành chính, luật pháp theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, làm ăn. Hợp tác kinh tế sẽ giúp cho các khu vực này có thể tăng cường kết nối, từ đó mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Dự báo từ chuyên gia kinh tế Julia Goh của United Overseas cho biết, vốn FDI của các nước trong khu vực ASEAN sẽ tăng lên 5.200 tỷ USD vào năm 2030, cao hơn gần 3 lần mức 1.800 tỷ USD năm 2015. Những nhận định trước đó từ các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nếu có những chính sách mở cửa thu hút vốn mạnh mẽ hơn, ASEAN sẽ tiếp tục trở thành một trong những khu vực hấp dẫn trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư.

Chú trọng đến kinh tế kỹ thuật số

Cùng với nhận định chung về nền kinh tế ASEAN, bản báo cáo của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN và Deloitte nhấn mạnh rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, thông qua Internet và việc hợp tác để xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực mở khóa tăng trưởng. Ông Alexander Feldman, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN khuyến cáo, chính phủ các nước ASEAN nên thiết lập các chính sách trên một hệ thống quản lý dữ liệu để các nền kinh tế thành viên có thể được hưởng những lợi ích lớn hơn trong hợp tác, giúp kết nối linh hoạt với chi phí thấp. Ông Jeff Pirie, phụ trách Deloitte Đông Nam Á cho rằng, hội nhập khu vực và nền kinh tế kỹ thuật số đều mang lại lợi ích song phương cho những khu vực có nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Liên quan đến vấn đề này, giới chức Singapore từng nhấn mạnh, cuộc cách mạng kỹ thuật số và những nền kinh tế số mới nổi sẽ là nền tảng để tạo sự kết nối trên toàn khu vực Đông Nam Á và thế giới. Để làm được điều này thì không chỉ là kết nối về kết cấu hạ tầng theo ý nghĩa thông thường, mà quan trọng hơn là sự kết nối về hạ tầng kỹ thuật số nhằm tạo nền tảng cho việc thúc đẩy liên kết tạo ra các mô hình hợp tác kinh tế mới.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục