Thiếu nhà trọ tươm tất ​

Tại những khu vực tập trung đông công nhân lao động sinh sống, hoặc xung quanh các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), nhà máy xí nghiệp lớn ở TPHCM, cảnh những dãy nhà trọ lụp xụp, tồi tàn không hiếm. 
Hàng ngàn công nhân làm việc tại TPHCM ở trong những dãy nhà trọ xập xệ
Hàng ngàn công nhân làm việc tại TPHCM ở trong những dãy nhà trọ xập xệ
Thậm chí, nhiều người chỉ cần nhìn thoáng qua đã có thể khẳng định - đó là nhà trọ công nhân!
Chuộng phòng trọ giá rẻ
Tan ca, Trịnh Văn Hải (công nhân Công ty bao bì Gia Phú, KCX Tân Thuận) trở về nhà trọ trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Ba (quận 7). Anh vơ đống đồ treo ngoài dây phơi vào, gấp nháo nhào rồi nhét trong chiếc vali cũ ở góc phòng. Căn phòng rộng chừng 8m2 là nơi anh Hải và 4 người khác thuê trọ có tới 4 cái vali đựng đồ như vậy, 2 cái chiếu cuốn lại dựng góc tường, một bếp ga mini hoen gỉ đặt dưới nền nhà ở sát cửa nhà vệ sinh, vài cái nồi vứt chỏng chơ cạnh bếp, còn lại khoảng không nhỏ xíu, ban ngày là nơi sinh hoạt, tối là chỗ ngủ. Phía trong phòng nhỏ tí hin như vậy, phía ngoài thì lụp xụp, tối thui bởi hai dãy nhà áp cửa vào nhau, ở giữa là lối đi rộng vỏn vẹn gần 1m, chạy dài. Dạo một vòng qua các KCN, KCX ở TPHCM, không thiếu những phòng trọ như vậy.
TPHCM có 17 KCN, KCX, 1 khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp, thu hút gần 370.000 công nhân. Đó chưa kể một lượng công nhân không nhỏ làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, lẻ. Phần lớn trong số đó là người trẻ từ các vùng quê nghèo khăn gói lên thành phố ở trọ để đi làm. Và đương nhiên, khi dân số tăng lên thì kéo theo đó là nhu cầu nhà ở. Thế nhưng, vì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền của cả gia đình ở quê trông chờ, thành thử nơi ăn, chốn ở với công nhân chỉ là thứ yếu. Họ chỉ cần chỗ đủ để ngả lưng và giá phải thật rẻ. Dù những năm qua, thành phố cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, nhưng chỉ đáp ứng được 15,3% nhu cầu của công nhân hiện đang làm việc tại đây, vì vậy mà quanh KCN, KCX, những dãy phòng trọ với mái tôn cũ xì, thấp tè và xập xệ đầy rẫy nhưng luôn đắt khách thuê. Có người cả chục năm làm công nhân là ngần ấy thời gian gắn với những căn phòng như vậy.
Bên cạnh những công nhân chịu sống nơi tồi tàn vì eo hẹp về kinh tế thì cũng có nhiều người chọn các phòng trọ giá rẻ hoặc chia phòng cùng vài người khác để đỡ lãng phí. Nguyễn Văn Tình (công nhân Công ty thuộc da Hào Dưng, KCN Hiệp Phước), nói: “Chúng tôi làm cả ngày, tăng ca nữa là đến 22 giờ mới về nhà, tắm xong thì lăn ra ngủ nên chỉ cần góc phòng bằng nửa cái chiếu là được. Thiệt tình, làm ngày làm đêm, tháng thu nhập khoảng 4 triệu đồng mà thuê phòng trọ đắt đỏ chỉ dùng để ngủ vài giờ ban đêm và chứa mấy bộ quần áo không thôi thì uổng lắm”.
Giải trí bị bỏ quên
Chỗ ở xập xệ là vậy, còn đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân ở trọ cũng đang bị lãng quên. Chúng tôi khảo sát tại 20 dãy trọ ở các KCN, KCX thì thấy thời gian biểu của công nhân đều khá đơn điệu, ban ngày đi làm, tối về ăn uống, tắm rửa rồi đi ngủ. Hầu hết môi trường sống của công nhân không sách báo, không tivi, không hoạt động văn hóa giải trí. Khi được hỏi làm gì trong những ngày cuối tuần, Nguyễn Thương Quỳnh (công nhân Công ty may Hoàng Phát, quận Thủ Đức) đưa mấy ngón tay ra đếm: “Ngủ, đi chợ, nấu ăn, dọn nhà xong lại ngủ, độc thân thì chỉ vậy thôi. Chủ nhật nào mà trúng ngày mới lãnh lương thì tối đến mấy chị em trong phòng kéo nhau đi siêu thị ngắm đồ, ngắm đã rồi về. Riêng đấng mày râu trong dãy trọ thì rủ nhau đi uống cà phê rồi mua mồi về nhậu, thế là hết ngày”.
Cả dãy trọ may ra 1, 2 phòng có tivi mà theo Quỳnh: “Để mốc meo cũng chả thấy ai coi, cả đời sống tinh thần của anh chị em công nhân chỉ thu bé vừa bằng chiếc điện thoại di động. Hơn chăng là thi thoảng công ty tổ chức đá banh, văn nghệ giữa các phân xưởng hoặc có hội chợ thì khi ấy mọi người mới được dịp vận động, vui chơi”. Nhiều công nhân nói, ngoài thời gian làm ca chính, họ chỉ muốn tăng ca càng nhiều càng tốt để cải thiện thu nhập, bởi vậy mà họ không hề nghĩ đến giải trí. Một trong những nguyên nhân khiến đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân vẫn rất nghèo nàn là bởi họ sống trong các dãy trọ nhỏ, lẻ của các hộ dân xây cất từ đất nhà lên cho thuê. Ở môi trường này, mạnh ai nấy sinh hoạt, không có sự gắn kết tập thể, vì vậy mà hoạt động giải trí nếu có cũng là tự phát, ai chơi thế nào thì chơi.
Được biết, năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng đời sống công nhân ở các KCN đến năm 2015 hướng đến năm 2020. Theo đề án này, năm 2015 cả nước phải có 50% công nhân ở các KCN, KCX tham gia hoạt động văn hóa thể thao. Thế nhưng, thực tế hiện nay hầu hết công nhân sống trong các khu lưu trú mới tiếp cận với giải trí, thể thao, còn hàng trăm ngàn công nhân sống phân tán ở các dãy nhà trọ tư nhân hiện còn đứng ngoài cuộc.

Tin cùng chuyên mục