Đau đầu với nhập siêu

Nhằm góp ý với Chính phủ về các giải pháp điều hành chính sách xuất nhập khẩu có lợi cho nước ta, ngày 16-9, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) đã tổ chức hội thảo chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát và hạn chế nhập siêu”.
Đau đầu với nhập siêu

Nhằm góp ý với Chính phủ về các giải pháp điều hành chính sách xuất nhập khẩu có lợi cho nước ta, ngày 16-9, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) đã tổ chức hội thảo chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát và hạn chế nhập siêu”.

Điều hành yếu kém 

Thúc đẩy xuất khẩu giúp kiềm chế nhập siêu (Ảnh: Hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ). Ảnh: CAO THĂNG
Thúc đẩy xuất khẩu giúp kiềm chế nhập siêu (Ảnh: Hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ). Ảnh: CAO THĂNG

Theo GS-TS Hoàng Thị Chỉnh (UEH), nhập siêu của nước ta xuất phát từ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu “bất cân xứng”. Chúng ta xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô như nông sản, nguyên liệu hoặc hàng hóa thâm dụng lao động… có giá trị thấp. Ngược lại, nước ta nhập khẩu toàn những sản phẩm có giá trị cao như máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng cao cấp…

Dễ thấy nhất là trong năm 2009, trong 12 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có tới 5 mặt hàng nông nghiệp (thủy sản, gạo, gỗ, cà phê, cao su)… Trong lúc đó, hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị máy móc, linh kiện, điện tử, hóa chất, tân dược…

Nguyên nhân thứ hai là do ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta còn èo uột. Chẳng hạn như ngành dệt may, hàng năm sử dụng không dưới 500 triệu m² vải để làm hàng xuất khẩu nhưng có đến 80% số vải trên phải nhập! Chỉ riêng năm 2009 nước ta nhập số vải trị giá gần 4,3 tỷ USD, chưa kể đến những nguyên phụ liệu khác.

GS-TS Võ Thanh Thu (UEH) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu là do hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh kém, chất lượng thấp nhưng giá lại cao hơn 5% - 10% so với hàng nhập khẩu. Đó là do chúng ta thiếu thông tin về thị trường, lạc hậu về trình độ công nghệ và quản lý sản xuất… Bên cạnh đó, tâm lý “vọng ngoại” còn nặng nề nên một bộ phận dân cư có điều kiện đã tiêu dùng “quá tay” nhiều sản phẩm nhập khẩu xa xỉ như xe hơi, điện thoại di động, mỹ phẩm…

Tuy nhiên, cả GS-TS Võ Thanh Thu và GS-TS Hoàng Thị Chỉnh đều cho rằng công tác điều hành xuất nhập khẩu của chúng ta còn yếu kém nên dẫn đến nhập siêu. Trước hết ta chưa xây dựng được các rào cản thương mại có hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đơn cử như hàng năm doanh nghiệp (DN) nước ta nhập khẩu hàng tỷ USD nông sản nhưng ta chưa xác định được tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho những mặt hàng này.

Không những vậy, chất lượng của các chiến lược phát triển kinh tế dài hạn ở các cấp còn yếu. Hiện tượng tranh mua, tranh bán, tự mình hại mình còn phổ biến. Do quản lý lỏng lẻo nên nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được vẫn nhập về như muối, gạo, trái cây, tỏi, gia cầm… Ngoài ra, công tác dự báo và thông tin còn yếu nên nhiều ngành rơi vào cảnh “chết dở” như phân bón (thừa nhưng vẫn nhập), gạo phải bán rẻ…

Thúc đẩy xuất khẩu giúp kiềm chế nhập siêu (Ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Hai Thanh). Ảnh: CAO THĂNG

Thúc đẩy xuất khẩu giúp kiềm chế nhập siêu (Ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Hai Thanh). Ảnh: CAO THĂNG

Hội nhập sâu rộng 

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Phó Hiệu trưởng UEH) dự báo rằng năm nay Việt Nam có thể kiểm soát nhập siêu ở tỷ lệ dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng nếu tình hình nhập siêu cứ “lửng lơ trên đầu” như vậy, thâm hụt vãng lai của nước ta sẽ tiếp tục nằm trên mức báo động (5% GDP, hiện nay là 8% GDP).

Do vậy, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, cần phải điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế; khuyến khích đầu tư vào các ngành có lợi thế cạnh tranh cao như nông nghiệp, chế biến…; tái cấu trúc khối DN nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu bằng ngân sách, làm sao nhanh chóng đưa mức bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP. Về vốn, cần giảm lãi suất cho vay xuống khoảng 12%/năm. Muốn vậy, ngoài các giải pháp về chính sách tiền tệ cũng phải thay đổi tư duy người gởi tiền phải được hưởng lãi suất dương (lãi suất tiết kiệm phải cao hơn chỉ số lạm phát); có vậy mới hạn chế được dòng tiền chạy vào tiêu dùng và tăng dòng vốn lãi suất thấp rót vào lĩnh vực sản xuất.

Trong nhiều giải pháp tổng thể, GS-TS Đoàn Thị Hồng Vân (UEH) nhấn mạnh đến việc cải thiện năng lực của DN Việt Nam. Theo bà, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại nước ta chủ yếu đang ở trình độ lắp ráp - công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu; còn các công đoạn cao hơn phần lớn do các DN nước ngoài làm ở nước khác và nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh của DN kém, giá trị nhập khẩu cao. DN FDI đã vậy nhưng các DN Việt Nam còn bi đát hơn, phần lớn là DN vừa và nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu liên kết, chưa thiết lập được các chuỗi cung ứng nội địa lẫn tham gia được các chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết cục DN xuất khẩu của Việt Nam rơi vào thế bị động, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới và đương nhiên gánh chịu nhiều rủi ro lẫn thiệt hại.

Từ thực trạng đó, GS-TS Đoàn Thị Hồng Vân khuyến nghị các nhà quản lý cùng DN cần đổi mới tư duy, từ bỏ thói quen “tác chiến độc lập” và thay bằng tư duy “cùng chung sống”, phải đoàn kết và liên minh để cùng tồn tại và phát triển ở tầm quốc tế. Những DN đủ mạnh cần làm đầu tàu, đứng ra liên kết các nhà cung cấp, phân phối, dịch vụ, khách hàng để tạo thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Các DN vừa và nhỏ thì nên thay đổi từ định hướng sản phẩm sang định hướng công đoạn, tập trung vào một vài công đoạn có ưu thế, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để sẵn sàng tham gia vào các chuỗi cung ứng (nội địa, khu vực và toàn cầu) do DN khác đứng đầu. 

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục